Thêm một tập đoàn cùng với Hermès ghi nhận mức tăng trưởng “ngoại lệ”
Tập đoàn hàng xa xỉ Prada, có trụ sở tại Milan (Ý), cho biết doanh số bán hàng của các thương hiệu trong quý 3 năm nay đã tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, nhưng không đưa ra con số tổng thể…
Trong khi các thương hiệu xa xỉ như Hugo Boss, Burberry và gã khổng lồ LVMH báo cáo kết quả kinh doanh kém do doanh số tại Trung Quốc giảm trong năm 2024, Prada và Hermès là hai tập đoàn hiếm hoi ghi nhận mức tăng trưởng dương.
Hermès tuần trước đã gây chấn động các nhà phân tích tài chính với doanh thu quý 3/2024 tăng trưởng 11,3%. Doanh thu hợp nhất của tập đoàn Hermès đạt 11,2 tỷ Euro vào cuối tháng 9/2024, tăng 14% theo tỷ giá hối đoái cố định và 11% theo tỷ giá hối đoái hiện tại so với cùng kỳ năm 2023. Riêng trong quý 3/2024, doanh số đạt 3,7 tỷ Euro, tăng 11% theo tỷ giá hối đoái cố định và 10% theo tỷ giá hối đoái hiện tại so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các khu vực đều tăng trưởng đồng đều, nhất là khi doanh số ở châu Âu và Châu Á – Thái Bình Dương đã đặt ra một tiêu chuẩn cao từ năm trước.
Suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến các tập đoàn xa xỉ phẩm, nhưng Hermès đã xuất sắc vượt qua những khó khăn nhờ các thiết kế cổ điển, cùng quy trình vận hành chặt chẽ giữa công đoạn sản xuất và hàng tồn kho, đưa công ty trở thành một trong những công ty hoạt động ổn định nhất trong ngành. “Chúng tôi đánh giá cổ phiếu Hermès là cơ hội tốt nhất hiện tại để bảo vệ danh mục đầu tư trong giai đoạn nửa cuối năm 2024”, nhà phân tích tài chính Luca Solca tại Bernstein nói.
Túi Hermès Birkin được đánh giá là khoản đầu tư tốt hơn vàng. Theo tính toán của The Strait Times, lợi nhuận thu được từ chiếc Birkin gần như tương đương với việc đầu tư vào S&P 500 - cổ phiếu phổ thông của 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất được niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ.
Ví dụ, giả sử một nhà đầu tư chi 13.030 USD cho một chiếc Hermès Birkin 25 vào năm 2019. Giá thành bán ra của món đồ này vào năm nay là ít nhất 25.000 USD. Deborah Aitken, nhà phân tích hàng xa xỉ của Bloomberg Intelligence (London, Anh), cho rằng tính độc quyền và mức độ hiếm góp phần gia tăng giá trị những mẫu túi xách trên thị trường.
Trong khi đó, doanh thu ròng của Prada tăng 18% lên 3,8 tỷ Euro sau khi hết 3 quý của năm 2024. “Chúng tôi đang hoạt động trong một môi trường đầy thách thức đối với toàn bộ chuỗi giá trị xa xỉ”, ông Patrizio Bertelli, chủ tịch tập đoàn Prada cho biết. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục nhìn thấy cơ hội cho các thương hiệu của mình và chúng tôi vẫn cam kết với kế hoạch đầu tư của mình vào năng lực bán lẻ, công nghệ và công nghiệp”.
Doanh số của cả tập đoàn Prada được thúc đẩy phần lớn bởi nhãn hiệu Miu Miu, ghi nhận mức tăng 105% trong giai đoạn này. Những chiếc váy ngắn và quần đính sequin của thương hiệu này, được bán với giá lên tới 4.000 Euro, đã được những người có ảnh hưởng trẻ tuổi ở châu Á và những người nổi tiếng ở Hollywood như Nicole Kidman ưa chuộng. Doanh số bán hàng của thương hiệu Prada cũng tăng, mặc dù ở mức khiêm tốn hơn nhiều là 2%.
Theo Women’s Wear Daily, nhờ các ngôi sao K-pop có sức ảnh hưởng lớn tiếp thị, Miu Miu được giới trẻ châu Á yêu thích. Những ngôi sao này không chỉ nổi tiếng ở Hàn Quốc mà còn tại Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á, nhờ đó thương hiệu củng cố vị thế là thương hiệu cao cấp hàng đầu dành cho khán giả trẻ như Gen Z, những người mạnh tay chi tiêu cho các sản phẩm ưa thích. Ngoài ra, ngày càng nhiều nghệ sĩ nam nổi tiếng như ASAP Rocky, Offset và Odell Beckham Jr. khoác lên mình các thiết kế từ thương hiệu vốn dành cho phụ nữ góp phần làm Miu Miu trở nên phổ biến hơn.
Với Prada, khi tên tuổi nam diễn viên Byeon Woo Seok vừa phất lên trong mùa hè 2024 nhờ bộ phim Cõng Anh Mà Chạy, thương hiệu đã nhanh chóng mời chàng diễn viên Hàn Quốc này đến Milan dự show, trước khi để anh chính thức có danh phận đại sứ thương hiệu. Như vậy, trong năm 2024, hàng ngũ đại sứ nhiều tên tuổi gây sốt của Prada tiếp tục nóng lên khi có tới 4 gương mặt đến từ châu Á: Đạo diễn Giả Linh – Trung Quốc, nữ diễn viên Toey Jarinporn Joonkiat – Thái Lan, nữ idol Karina (aespa) và nam diễn viên Byeon Woo Seok – Hàn Quốc. Có thể nói, Prada lộ rõ ý định lấn sâu vào thị trường châu Á.
Theo ghi nhận của chuyên trang Lefty, từ khi chưa có danh phận với Prada, nam diễn viên Byeon Woo Seok đã thu về giá trị truyền thông cao nhất cho thương hiệu, vượt qua Win Metawin, Sana – những đại sứ thương hiệu lúc bấy giờ, với tổng giá trị lên đến 5,47 triệu USD từ bài đăng trước 9,9 triệu người theo dõi. Con số hiện tại chắc chắn còn ấn tượng hơn, bởi lượng followers của anh đã tăng thêm 1,5 triệu người trong vòng chưa đến 5 tháng.
Trong khi dư âm của “vụ nổ” mà Prada để lại cho tuần lễ thời trang Milan vẫn còn đó. Làng mốt thế giới không ngừng khen ngợi, báo chí cũng tốn không ít giấy mực để bàn luận và phân tích bộ sưu tập Prada Xuân - Hè 2025 ngoạn mục vừa qua. “Đây là buổi trình diễn điên rồ nhất của Prada trong suốt thời gian gần đây,” chính là những lời tán tụng mà làng mốt đã truyền tai nhau sau khi bộ sưu tập Xuân - Hè 2025 của nhà mốt Ý kết thúc. Giới chuyên gia đánh giá, bộ sưu tập không chỉ là cuộc nổi loạn chống lại các xu hướng; mà còn là bản tuyên ngôn cho tương lai của thời trang.
Tổng giám đốc điều hành Andrea Guerra cho biết ông kỳ vọng tập đoàn sẽ tiếp tục duy trì quỹ đạo tăng trưởng nhưng tập đoàn thừa nhận rằng mặc dù tăng trưởng doanh số vẫn "cao" tại Nhật Bản trong quý 3, nhưng đã có sự "giảm tốc" so với quý trước mà không công bố số liệu cụ thể.
Tính đến cuối tháng 9, doanh số bán hàng của tập đoàn Ý này đã tăng 53% theo tỷ giá hối đoái cố định tại Nhật Bản nhờ vào "nhu cầu nội địa vững chắc và lượng khách du lịch lớn". Công ty cũng cảnh báo rằng tình hình thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi doanh số tăng 12% trong 9 tháng vừa qua, đang trở nên "thách thức hơn".
Trước mắt, trong bối cảnh ngành hàng xa xỉ đang phải đối mặt với sự suy thoái toàn cầu trong bối cảnh nhu cầu giảm, Prada cùng với Hermès là một trong số ít ngoại lệ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm cả Nhật Bản và Trung Đông trong suốt cả năm. Trong khi đó, cổ phiếu của LVMH, tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới và được coi là người dẫn đầu cho ngành này, đã giảm khoảng 15% kể từ đầu năm. Kering cũng cảnh báo các nhà đầu tư vào tuần trước rằng lợi nhuận của công ty sẽ giảm gần một nửa vào năm 2024 do thương hiệu chính Gucci hoạt động yếu kém.