19:47 29/10/2024

Các thương hiệu xa xỉ sẽ chuyển hướng từ Trung Quốc sang thị trường Ấn Độ?

Minh Nguyệt

Tập đoàn hàng xa xỉ Kering của Pháp dự đoán lợi nhuận sẽ giảm gần 50% trong năm nay sau khi doanh số bán hàng tại thương hiệu chính Gucci sụt giảm mạnh do nhu cầu yếu tại Trung Quốc...

Khách hàng đến dự lễ khai trương cửa hàng tại trung tâm thương mại Jio World Plaza  mới đây.
Khách hàng đến dự lễ khai trương cửa hàng tại trung tâm thương mại Jio World Plaza mới đây.

Theo Refinitiv, tập đoàn niêm yết tại Paris cho biết thu nhập hoạt động cả năm sẽ giảm 46% so với năm 2023, xuống còn khoảng 2,5 tỉ euro, thấp hơn mức 2,85 tỉ euro mà các nhà phân tích dự đoán. Đây sẽ là mức thấp nhất trong 8 năm và là mức giảm mạnh so với thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch năm 2020.

Kering đã đưa ra nhiều cảnh báo lợi nhuận trong năm nay, điều hiếm thấy trong lĩnh vực hàng xa xỉ. Doanh số bán hàng của Gucci tiếp tục giảm sâu trong quý 3/2024, với doanh thu giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, tệ hơn dự kiến của các nhà phân tích. Gucci chiếm khoảng 50% doanh thu và khoảng 70% lợi nhuận hoạt động của tập đoàn, khiến việc phục hồi thương hiệu này trở nên quan trọng đối với Kering. Đã vậy, doanh số bán hàng tại thương hiệu Saint Laurent của Kering cũng giảm 12%, làm gia tăng khó khăn cho tập đoàn.

Giám đốc Tài chính của Kering, bà Armelle Poulou, cho biết quý vừa qua của Kering gặp nhiều khó khăn do nhu cầu giảm tại Nhật Bản, châu Á - Thái Bình Dương và Bắc Mỹ. Thêm vào đó, doanh thu từ Trung Quốc giảm khoảng 35%. Niềm tin của người tiêu dùng tại Trung Quốc đã bị ảnh hưởng trong bối cảnh nước này chịu tác động từ khủng hoảng trên thị trường bất động sản kéo dài, còn các biện pháp kích thích của chính phủ vẫn chưa phát huy tác dụng.

Bộ sưu tập Xuân - Hè 2025 của Saint Laurent.
Bộ sưu tập Xuân - Hè 2025 của Saint Laurent.

Trong khi đó, sự tăng giá của các thương hiệu xa xỉ đã khiến nhiều người tiêu dùng Trung Quốc chuyển hướng sang các mặt hàng bình dân trong nước, thị trường đồ cũ hoặc thị trường "chợ xám". Đây là thuật ngữ kinh tế chỉ các hoạt động trao đổi hàng hóa hợp pháp nhưng không chính thức, không được ủy quyền và nó nằm ngoài kênh phân phối của nhà sản xuất. Với giá trị ước tính lên tới 57 tỷ đô la mỗi năm, thị trường chợ xám hàng xa xỉ tại Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ nhờ các nền tảng như DeWu. 

Re-Hub ước tính doanh số của 48 thương hiệu trên nền tảng DeWu đã tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 2, đạt hơn 7 tỷ nhân dân tệ (tương đương 984,4 triệu USD). Tuy nhiên, doanh số bán lẻ của Trung Quốc chỉ tăng trưởng nhẹ 3,2% vào tháng 9, điều này cho thấy sự yếu kém trong mức tiêu thụ nội địa. Sự chậm lại này là một tín hiệu không mấy tích cực cho các công ty xa xỉ toàn cầu, đặc biệt khi Trung Quốc chiếm khoảng 25% doanh thu toàn cầu của ngành này.

Theo dự báo Triển vọng ngành công nghiệp năm 2025 của bộ phận nghiên cứu, dự báo Economist Intelligence Unit thuộc Economist Group, thị trường bán lẻ của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4% trong năm tới, bằng một nửa mức tăng năm 2019. Tình hình kinh tế, thị trường bất động sản khó khăn và sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng trở thành thách thức đối với ngành hàng xa xỉ tại Trung Quốc. Lúc này, Ấn Độ lại trở thành “miếng bánh béo bở” đối với ngành công nghiệp hàng hoá cao cấp, theo Jing Daily.

Theo tạp chí Forbes, có 186 người trong danh sách tài phiệt đại diện cho nền kinh tế của Ấn Độ. Họ có sức ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết mọi hoạt động tiêu dùng, đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Theo Knight Frank's, khoảng 1,66 triệu người ở Ấn Độ được dự đoán sẽ sở hữu tài sản ròng hơn 1 triệu USD vào năm 2027. Nhóm những người có tài sản ròng 30 triệu USD được dự báo sẽ tăng gần 60% trong 5 năm kể từ năm 2022. Đây chính là những người giàu thế hệ mới và họ có nhiều khác biệt so với những người trong giới thượng lưu trước đây.  

Economist Intelligence Unit thuộc Economist Group cho rằng thị trường bán lẻ của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4% trong năm 2025.
Economist Intelligence Unit thuộc Economist Group cho rằng thị trường bán lẻ của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4% trong năm 2025.

Thứ nhất, họ phân bổ trên khắp cả nước. Nhiều người trong số họ cảm thấy cần rằng không cần phải sống ở các thành phố hạng nhất như Mumbai, Delhi hay Bangalore để được công nhận sự giàu có. Chuyên gia Rakesh Singh của HDFC, ngân hàng lớn nhất Ấn Độ theo vốn hóa thị trường, cho biết ông đã chứng kiến ​​các khoản đầu tư lên đến nửa triệu USD từ những cá nhân đến từ các thành phố nhỏ.

Sự thay đổi thứ hai là về độ tuổi trung bình của những người giàu có. Trong khi trước đây, người giàu ở Ấn Độ có thể có tuổi trung bình trên 50, thì những triệu phú 30 - 40 tuổi hiện nay rất phổ biến. Sự thay đổi lớn thứ ba là về cách những người giàu thế hệ mới sử dụng tiền của họ, cả về đầu tư và tiêu dùng. Họ thoải mái hơn nhiều với thế hệ trước.

Nitin Chengappa, người đứng đầu mảng ngân hàng tư nhân tại Standard Chartered cho biết: "Thế hệ giàu mới của Ấn Độ sẵn sàng bỏ ra các khoản tiền lớn để phục vụ nhu cầu giải trí. Bay sang nước ngoài du lịch là một thú vui phổ biến, cũng như đám cưới xa hoa và những chiếc xe sang trọng”.

Tata, một tập đoàn lớn của Ấn Độ, đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực hàng xa xỉ và khách sạn năm sao, đặc biệt là từ các thành phố nhỏ hơn. Tập đoàn dự kiến sẽ mở 25 khách sạn trong năm nay, nhiều trong số đó là khách sạn cao cấp. Trong bối cảnh này, các thương hiệu xa xỉ đồng loạt chuyển hướng sang thị trường Ấn Độ.

Trong khi dự báo Economist Intelligence Unit thuộc Economist Group cho rằng thị trường bán lẻ của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4% trong năm 2025, thì lĩnh vực bán lẻ Ấn Độ lại tăng trưởng trung bình 5% mỗi năm. Những con số này biến Ấn Độ trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn.

Các thương hiệu xa xỉ sẽ chuyển hướng từ Trung Quốc sang thị trường Ấn Độ? - Ảnh 1
Các thương hiệu xa xỉ sẽ chuyển hướng từ Trung Quốc sang thị trường Ấn Độ? - Ảnh 2
 
Sự trỗi dậy của thị trường cá nhân có giá trị ròng cao ở Ấn Độ đang thực sự thu hút những thương hiệu hạng sang.
Sự trỗi dậy của thị trường cá nhân có giá trị ròng cao ở Ấn Độ đang thực sự thu hút những thương hiệu hạng sang.

Công ty tư vấn toàn cầu EY dự đoán Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế trị giá 26.000 tỉ USD vào năm 2047. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt mức 15.000 USD và xu hướng tiêu dùng của người dân nơi đây tăng dần những giá trị xa xỉ. Dự báo này khiến nhiều thương hiệu xa xỉ toàn cầu ngày càng tăng đầu tư vào Ấn Độ.

Cụ thể, trung tâm mua sắm Jio World Plaza khai trương cuối năm 2023, hiện đã có nhiều thương hiệu danh tiếng đăng ký thuê gian hàng như: Burberry, LVMH, Kering và Richemont, Cartier, Bulgari, Louis Vuitton, Dior và Gucci, IWC Schaffhausen, Rimowa…

Vài năm trở lại đây, ngay cả Hermes International, Christian Louboutin và những thương hiệu siêu sang khác đã thành lập cửa hàng, sẵn sàng trả giá thuê tăng vọt của khu vực lân cận để có được không gian trong bất động sản lịch sử và tiếp cận tầng lớp thượng lưu đang lên.

"Sự trỗi dậy của thị trường cá nhân có giá trị ròng cao ở Ấn Độ đang thực sự thu hút những thương hiệu hạng sang", Anurag Mathur, một đối tác tại Bain & Company ở New Delhi, cho biết. “Các thương hiệu xa xỉ rõ ràng có mong muốn tìm kiếm một thị trường mới và Ấn Độ, với sự thay đổi của mình, đã mang lại điều đó".