16:33 18/11/2011

Thép Việt bị Mỹ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp

Y Nhung

Ống thép cuộn các-bon của Việt Nam cùng một số quốc gia khác bị Mỹ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp

Sau túi nhựa PE, ống thép cuộn cacbon là sản phẩm thứ 2 của Việt Nam bị Mỹ kiện cả chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Sau túi nhựa PE, ống thép cuộn cacbon là sản phẩm thứ 2 của Việt Nam bị Mỹ kiện cả chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép cuộn các-bon (CWP) của bốn nước gồm Ấn Độ, Oman, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Việt Nam.

Theo thông tin từ Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), nguyên đơn trong vụ kiện này là các công ty Mỹ gồm Allied Tube & Conduit, JMC Steel Group, Wheatland Tube và Tập đoàn Sắt thép Mỹ

Sản phẩm bị điều tra thuộc các mã HS sau: 7306.19.1010, 7306.19.1050, 7306.19.5110, 7306.19.5150, 7306.30.1000, 7306.30.5025, 7306.30.5032, 7306.30.5040, 7306.30.5055, 7306.30.5085, 7306.30.5090, 7306.50.1000, 7306.50.5050, 7306.50.5070.

10 doanh nghiệp Việt Nam bị nêu trong đơn kiện gồm: Asia Huu Lien Joint Stock Co., Ltd; Daiwa Lance International Company, Ltd;  Hoa Phat Steel Pipe Co; Hoa Sen Group; Hyundai-Huy Hoang Pipe; SeAH Steel Vina Corporation; Tianjin Lida Steel Pipe Group; Vietnam Germany Steel Pipe JSC (“VG-Pipe”); Vinapipe và Vingal Industries Co., Ltd.

Theo nội dung đơn kiện, các chương trình bị cáo buộc về bán phá giá và trợ cấp là cho vay ưu đãi đối với các nhà xuất khẩu; cho vay ưu đãi đối với ngành thép; miễn hoặc giảm tiền thuê đất cho các nhà xuất khẩu; ưu đãi đất cho các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực hoặc khu công nghiệp được khuyến khích….

Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết, giai đoạn điều tra chống bán phá giá được thực hiện đối với 3 nước Oman, Ấn Độ, và UAE là từ 1/10/2010 – 30/9/2011. Với Việt Nam, giai đoạn điều tra sẽ là từ 1/4/2011 – 30/9/2011. Còn với vụ điều tra chống trợ cấp, giai đoạn điều tra sẽ thực hiện với cả 4 nước từ 1/1/2010 – 31/12/2010.

Việc lựa chọn bị đơn cũng sẽ có sự khác biệt giữa hai cuộc điều tra. Đối với chống bán phá giá, DOC sẽ gửi bản câu hỏi về khối lượng và giá trị đến các doanh nghiệp có tên trong đơn kiện. Các dữ liệu về khối lượng và giá trị này sẽ được dùng làm căn cứ để xác định các bị đơn bắt buộc.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp muốn được nhận mức thuế suất riêng rẽ dành cho các bị đơn tự nguyện sẽ phải nộp đơn đề nghị nhận thuế suất riêng.

Về trường hợp chống trợ cấp, DOC sẽ lựa chọn bị đơn căn cứ vào số liệu nhập khẩu sản phẩm bị điều tra của Hải quan nước này. Đơn xin nhận thuế suất riêng phải được nộp trong vòng 60 ngày sau ngày thông báo khởi xướng điều tra được công bố trên Công báo Liên bang Mỹ.

Như vậy, sau túi nhựa PE, ống thép cuộn các-bon là sản phẩm thứ 2 của Việt Nam bị Mỹ kiện cả chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ông Nguyễn Tiến Nghi cho hay, trong số 10 doanh nghiệp bị kiện có 3 công ty không hề xuất khẩu sản phẩm ống thép vào Mỹ đó là Hoa Sen Group, Vinapipe và Vingal Industries Co., Ltd. Còn một số doanh nghiệp khác như Hòa Phát, lượng xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2011 cũng chỉ ở mức 1.000 – 2.000 tấn.

Ông Nghi còn cho biết thêm, 3/10 doanh nghiệp bị kiện lần này không phải thành viên của Hiệp hội gồm Daiwa Lance International Company, Ltd; Tianjin Lida Steel Pipe Group và Hyundai-Huy Hoang Pipe. Hiện tại vẫn chưa biết chính xác doanh nghiệp nào sẽ bị điều tra, nhưng theo VSA, các đơn vị cần chuẩn bị cả về vật chất và tinh thần khi tham gia cuộc điều tra này.