11:07 10/11/2022

Thị giá CII rơi 77% từ đỉnh, vợ Tổng giám đốc đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu

Thu Minh

Bà Phạm Thị Thúy Hằng, vợ ông Lê Quốc Bình - Tổng giám đốc CII vừa đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu CII trong bối cảnh thị giá giảm 77% từ đầu năm...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bà Phạm Thị Thúy Hằng, vợ ông Lê Quốc Bình - Tổng giám đốc CII vừa đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu CII nâng tỷ lệ sở hữu từ 1 triệu cổ phiếu tương đương 0,40% lên 3 triệu cổ phiếu tỷ lệ 1,19%. Thời gian thực hiện từ ngày 15/11 đến 14/12 mục đích nhằm tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu CII, thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Trên thị trường, giá cổ phiếu CII sáng nay lau sàn còn ở 13.300 đồng/cổ phiếu giảm 50% từ tháng 8 và giảm 77% từ đỉnh đạt được vào đầu năm 2022. Tạm tính theo giá này, bà Hằng có thể phải chi ra 26,6 tỷ đồng.

Trước tình trạng bi đát của cổ phiếu nhóm bất động sản, cổ đông CII mới đây đã gửi câu hỏi đến ban lãnh đạo Công ty là “Tình hình thị trường bất động sản hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh; điều này có tác động trực tiếp hay gián tiếp đến hoạt động và dòng tiền của CII không?”

Trước thắc mắc của cổ đông, CII khẳng định Công ty là doanh nghiệp đầu tư tài chính trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chứ không phải doanh nghiệp bất động sản.

Theo đó, từ năm 2001 đến nay, hoạt động kinh doanh cốt lõi của CII là đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT, BOO, BT… Đây là mảng kinh doanh mang lại nguồn thu chính, ổn định, lâu dài và tăng trưởng đều mỗi năm. Hiện nay, các dự án BOT về cầu đường giao thông của CII đều đã hoàn thành quá trình xây dựng và đang trong thời gian khai thác hoàn vốn cho dự án. Doanh thu bình quân một ngày của các dự án BOT mà CII đang khai thác (bao gồm cả dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới đi vào thu phí từ 11/08/2022) đạt khoảng 6,37 tỷ đồng/ngày, tương đương khoảng 2.325 tỷ đồng/năm.

Diễn biến thị giá CII từ đầu năm đến nay. 
Diễn biến thị giá CII từ đầu năm đến nay. 

Trong quá trình đầu tư các dự án hạ tầng, ngoài những dự án BOT được phép thu phí sau khi đưa vào sử dụng, CII còn tham gia đầu tư những dự án BT (Xây dựng - Chuyển giao) theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Những dự án này giúp Công ty xây dựng được một quỹ đất sạch với ưu điểm là CII có thể chủ động trong tiến độ xây dựng hạ tầng để hoạch định chiến lược phát triển dự án bất động sản ở thời điểm thích hợp.

Còn về hoạt động đầu tư bất động sản, đối với Dự án đầu tư xây dựng Cao ốc văn phòng tại địa chỉ số 152 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM theo hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) kết hợp Xây dựng - Chuyển giao (BT), CII cho biết khối văn phòng đã đưa vào hoạt động và khai thác từ quý 4/2021; còn khối căn hộ đã nghiệm thu, thu hồi vốn và bàn giao nhà cho khách hàng trong năm 2022.

Đối với những quỹ đất còn lại, CII thông tin khi được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bàn giao mặt bằng để thi công dự án BT, Công ty mới tiếp tục triển khai đầu tư. Do đó, CII chưa phát sinh chi phí để phát triển những dự án bất động sản này.

Từ những phân tích trên, CII lần nữa khẳng định doanh nghiệp là nhà đầu tư tài chính trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng chứ không phải công ty kinh doanh bất động sản thuần túy.

Tính đến thời điểm hiện nay (04/11), CII công ty mẹ không có tồn kho bất động sản. Các dự án bất động sản của CII trước đây đều đã được hoàn tất công tác đầu tư và khai thác, gần như đã thu hồi hết vốn và lợi nhuận. Giá trị sản xuất kinh doanh dở dang liên quan đến bất động sản của CII công ty mẹ gần như bằng 0. Bên cạnh đó, CII cũng không có dư nợ vay (hoặc trái phiếu) đối với các dự án bất động sản do Công ty làm chủ đầu tư.