20:58 29/09/2023

Thị trường bán dẫn sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030

Đỗ Phong

Thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng 2 con số trong những năm tới để đạt 1000 tỷ USD vào năm 2030. Với những lợi thế so sánh chủ chốt, Việt Nam có dư địa, cơ hội để khai thác tiềm năng này, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các chuyên gia đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam “Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn khu vực Đông Nam Á” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á phối hợp tổ chức ngày 29/9/2023.

NGÀNH BÁN DẪN TĂNG TRƯỞNG MẠNH

Công nghiệp vi mạch bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định giá thành và làm tăng chức năng hoạt động của tất cả các hệ thống điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hoá, xe tự lái…

Các nghiên cứu dự báo gần đây cho thấy, doanh số của lĩnh vực bán dẫn vi mạch năm 2022 là xấp xỉ 600 tỷ USD và dự đoán đạt 1000 tỷ USD vào năm 2030.

Chia sẻ về sự phát triển cũng như dự báo triển vọng thị trường bán dẫn, ông Clark Tseng, Giám đốc cấp cao nghiên cứu thị trường của SEMI cho biết, trong nửa đầu năm 2023, doanh số chip đã giảm 25% và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong quý 3/2023. Dự báo trong năm 2023, doanh số chip sẽ giảm khoảng 15%.

Các chuyên gia thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam “Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn khu vực Đông Nam Á” .
Các chuyên gia thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam “Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn khu vực Đông Nam Á” .

Tuy nhiên, tình trạng này sẽ cải thiện, hồi phục trong năm 2024 với dự báo sẽ tăng khoảng 25% do sự gia tăng cầu và các thiết bị bộ nhớ. Với mức tăng trưởng kép trong những năm tới sẽ góp phần thúc đẩy doanh số của ngành bán dẫn toàn cầu dự báo đạt 1000 tỷ USD vào những năm 2030. Dự báo đầu năm 2030 toàn bộ thị trường bán dẫn trong ô tô sẽ đạt hơn 300 tỷ USD, chiếm hơn 30% tổng doanh số.

Trong những năm tới, sẽ có thêm nhiều nhà máy mới sản xuất sản phẩm điện tử nâng cao đi vào hoạt động với khoảng 50 nhà máy mới vào năm 2030 trên toàn thế giới. Đại diện SEMI cho biết, sẽ có thêm 12 nhà máy đi vào hoạt động vào năm 2026. Đông Nam Á sẽ là khu vực có tăng trưởng công suất lắp đặt lớn nhất so với các khu vực khác.

Hiện nay đang có những xu hướng thay đổi, dịch chuyển và có các nhà máy, doanh nghiệp trong ngành bán dẫn đã đến Việt Nam. Việt Nam có tiềm năng cơ hội trở thành một trong những trung tâm có sự tăng trưởng mạnh.

Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn  Đông Nam Á (SEMI SEA), cho biết theo nghiên cứu mới đây, dự đoán thị trường bán dẫn Việt Nam sẽ tăng trưởng đạt khảng 6,12% trong giai đoạn 2022-2027. Sự mở rộng trên sẽ dẫn đến sự gia tăng lớn về quy mô thị trường lên khoảng 1,65 tỷ USD, đồng thời có sự gia tăng đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn. Điều này minh chứng về khả năng và tiềm năng trở thành đối tác, tác nhân quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cũng như khu vực.

KHAI THÁC CƠ HỘI, THAM GIA SÂU VÀO CHUỖI CUNG ỨNG 

Theo các chuyên gia, hiện nay Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để có thể thâm nhập vào chuỗi cung ứng, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông Arnaud Ginolin, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn Boston Việt Nam (BCG) cho biết thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng 2 con số trong những năm tới để đạt 1000 tỷ USD vào năm 2030. Việt Nam có những lợi thế chủ chốt để nắm bắt cơ hội này với sự tham gia của các bên liên quan, thu hút đầu tư, phát triển hệ sinh thái bền vững.

Dư địa để Việt Nam tham gia vào các hoạt động của chuỗi giá trị là rất lớn. Đưa ra chiến lược song tuyến, chuyên gia cho rằng, điều này giúp tối đa hóa khai thác cơ hội ngành bán dẫn, mở rộng mảng lắp ráp, kiểm nghiệm, thúc đẩy sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng: Hy vọng Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu bằng các chiến lược quốc gia, kế hoạch dài hạn cũng như cam kết xây dựng lòng tin trong hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư, tham gia các công đoạn.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng: Hy vọng Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu bằng các chiến lược quốc gia, kế hoạch dài hạn cũng như cam kết xây dựng lòng tin trong hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư, tham gia các công đoạn.

Việc thực hiện chiến lược, cơ chế song tuyến để tận dụng cơ hội trong ngắn hạn và dàn hạn, tăng cường khả năng phát triển cơ sở sản xuất, thiết kế. Việt Nam có những lợi thế so sánh như thiết kế vi mạch IC quy mô nhỏ, kiểm nghiệm, đóng gói với sự tham gia mạnh mẽ của các đối tác nước ngoài. Trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn từ nguyên liệu, thiết bị, sản xuất…, Việt Nam có thể xem xét tham gia vào tiến trình này ở những khâu phù hợp và có lợi thế. Về mặt dài hạn có thể biến Việt Nam trở thành nước mạnh trong lĩnh vực này.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang làm rất tốt phần thiết kế và nên tập trung vào khâu này. Điều đó sẽ giúp Việt Nam tối ưu hóa nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và từng bước làm chủ công nghệ.

Nhìn nhận cơ hội với Việt Nam, một chuyên gia trong ngành cho hay, khoảng 75% sản phẩm vi mạch bán dẫn trên thị trường trên 28nm, tức là công nghệ trung bình. Đó là cơ hội cho các nước đang phát triển khi đó đủ kỹ sư có năng lực thiết kế, chế tạo những sản phẩm chip từ 28nm trở lên. Việt Nam có thể tham gia theo nhiều bước khác nhau, từ cung cấp nhân lực, dịch vụ, thiết kế từng phần tiến tới thiết kế toàn bộ.

Đông Nam Á là một trong những cứ điểm về đóng gói vi mạch bán dẫn. Các nước như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam có các nhà máy đóng gói vi mạch lớn, cung cấp 30-40% đóng gói sản phẩm vi mạch trên toàn cầu. Đó là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà máy đóng gói.

Hiện nay Việt Nam đã và đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, Chiến lược sẽ đề ra tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực, thu hút các doanh nghiệp bán dẫn trên toàn cầu hiện diện và sản xuất, nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.

Trước những biến đổi lớn của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, ông Dũng cho rằng, các quốc gia khu vực và Việt Nam cần nhanh chóng thích nghi để tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Có những thay đổi mà các nước ASEAN cần có kế hoạch phối hợp hành động tổng thể, sớm xác định sẽ tham gia vào những công đoạn nào trong chuỗi giá trị, xác định rõ thế mạnh của cộng đồng các nước ASEAN.

“Chúng tôi hi vọng Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu bằng các chiến lược quốc gia, kế hoạch dài hạn cũng như cam kết xây dựng lòng tin trong hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư, tham gia các công đoạn. Đặc biệt, chúng tôi cũng mong muốn Việt Nam sẽ trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn không chỉ phục vụ nhu cầu của Việt Nam mà còn đáp ứng nhu cầu khu vực và thế giới. Để làm được điều này, cần có sự chung tay hành động của Chính phủ, các hiệp hội, các tổ chức, doanh nghiệp bán dẫn và đặc biệt là các trường đại học công nghệ trong và ngoài nước”, ông Dũng nói.