Thị trường camera tỷ USD và cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt?
"Miếng bánh là rất lớn, đủ cho nhiều doanh nghiệp tham gia, vấn đề còn lại là doanh nghiệp giành được bao nhiêu % trong miếng bánh camera đang rất tiềm năng đó"
Trên 90% nguồn cung camera hiện nay là hàng trôi nổi và đến từ Trung Quốc, tạo ra những mối lo ngại về an ninh, an toàn cho người dùng. Thực tế trên đang đặt ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này.
Thị trường lớn cỡ nào?
Theo báo cáo thị trường của công ty công nghệ Comparitech tháng 7/2020, trên thế giới có 770 triệu camera đang hoạt động, dự kiến đến năm 2021 con số này sẽ tăng lên 1 tỷ. Tổng quy mô thị trường camera năm 2019 là 42,94 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 144,85 tỷ USD trong năm 2027 với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 14,6% (theo báo cáo thị trường của Allied Market Research, tháng 4/2020).
Tại thị trường Việt Nam, cũng theo báo cáo của Comparitech, năm 2019, tổng số camera đang hoạt động lại Việt Nam lên tới 2,6 triệu chiếc. Tính trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng camera nhập khẩu lên tới hơn 1,5 triệu chiếc. Dự kiến trong năm 2021, số lượng camera nhập khẩu cả năm tăng lên hơn 4 triệu chiếc.
Ông Trần Hữu Quyền, Chủ tịch VNPT Technology (thuộc tập đoàn VNPT), đơn vị mới đây cũng công bố chính thức tham gia vào thị trường camera, cho biết, thị trường camera tại Việt Nam hiện rất lớn. Theo ông, nhu cầu đối với sản phẩm này không khác gì thị trường băng rộng (Internet cáp quang – PV), tuy nhiên, mỗi gia đình chỉ cần một đường cáp quang, còn với camera thì có lên tới cả chục chiếc.
Ông Quyền nhẩm tính, Việt Nam hiện có gần 30 triệu hộ gia đình, số các cơ quan, tổ chức, nhà máy xí nghiệp,… tạm tính thêm khoảng 30 triệu đơn vị nữa. Theo đó, chỉ cần đáp ứng 60% nhu cầu camera thì đã có một thị trường vô cùng lớn. Mỗi đơn vị lại cần từ 10-20 chiếc camera, thậm chí vài chục hoặc vài trăm chiếc, như vậy tính ra, "miếng bánh" camera sẽ lên tới cả trăm triệu chiếc.
"Miếng bánh là rất lớn, đủ cho nhiều doanh nghiệp tham gia, vấn đề còn lại là doanh nghiệp giành được bao nhiêu % trong miếng bánh camera đang rất tiềm năng đó", vị Chủ tịch VNPT Technology nói.
Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav, doanh nghiệp mới đây đã xuất khẩu lô hàng camera AI đầu tiên vào thị trường Mỹ và đang lên kế hoạch xuất khẩu ra thị trường nhiều nước của châu Âu và châu Á, cũng cho rằng thị trường camera tại Việt Nam có giá trị lên tới cả tỷ USD. Bởi riêng nhu cầu về camera năm 2021 đã lên tới 4 triệu chiếc (ông Quảng dẫn báo cáo của Comparitech), tính riêng về số lượng là bằng ¼ thị trường smartphone (15 triệu máy).
"Tất cả các cơ quan nhà nước đều phải dùng, giờ đâu đâu ai cũng dùng camera cả, nó như là tai mắt, là xu hướng rồi", ông Nguyễn Tử Quảng nhìn nhận.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Hiện có khoảng 15 thương hiệu lớn trong ngành camera an ninh và hầu hết là của nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp sản xuất camera an ninh trong nước chưa nổi… 5 đơn vị, do đó, nguồn cung camera bởi các doanh nghiệp trong nước gần như mới bắt đầu ở điểm xuất phát.
Một số đơn vị sản xuất trong nước cho rằng, do sản phẩm camera của các thương hiệu lớn, có tên tuổi trên thế giới, giá tương đối đắt nên mới chỉ chiếm thị phần khiêm tốn. Còn lại, thị trường camera chủ yếu là hàng trôi nổi và đến từ Trung Quốc, chiếm khoảng 95% thị phần.
Vì thị trường camera trôi nổi nên tiềm ẩn nhiều mối nguy về an toàn an ninh, nếu không kiểm soát tốt mỗi camera sẽ thành một gián điệp tấn công, điều đó đặt ra bài toán về kiểm soát camera, đặc biệt là camera an ninh. Lo ngại về an toàn an ninh bảo mật của camera trôi nổi cũng đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Ông Trần Hữu Quyền cho biết, camera trước đây chủ yếu là công nghệ cũ (analog), còn xu hướng hiện nay là camera IP, camera AI. Vì thế, thời gian qua VNPT Technology đã nghiên cứu phát triển và làm chủ hoàn toàn sản phẩm IP Camera để đảm bảo kiểm soát an toàn thông tin từ thiết bị phần cứng tới các ứng dụng phần mềm.
"VNPT Technology có khả năng sản xuất 5.000 chiếc camera an ninh/ngày. Tuy nhiên, hiện tại VNPT Technology chưa sản xuất đến công suất đó mà còn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Mục tiêu của VNPT Technology là chiếm một thị phần đáng kể", vị lãnh đạo của doanh nghiệp nhà nước này chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Tử Quảng, trên phân khúc thị trường camera giá rẻ doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ gặp những khó khăn không nhỏ trong cạnh tranh với sản phẩm camera đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên ở phân khúc cao cấp hơn – camera AI, doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều cơ hội hơn do làm chủ được công nghệ và giá thành cũng thấp hơn những thương hiệu camera của các hãng lớn trên thế giới.
Ông Quảng cũng cho biết, sau khi bán sản phẩm camera AI ra thị trường quốc tế, trong nửa đầu năm 2021 Bkav sẽ bán sản phẩm này tại thị trường trong nước. "Mục tiêu trong năm sau chúng tôi sẽ bán được gần 100 nghìn sản phẩm camera", Chủ tịch Bkav kỳ vọng.