Thị trường gạo thế giới: Khi cung không đáp ứng đủ cầu
Nguồn gạo cung được dự báo không đáp ứng đủ nhu cầu trong năm nay sẽ đẩy giá gạo tại các nước lên cao
Nguồn gạo cung được dự báo không đáp ứng đủ nhu cầu trong năm nay sẽ đẩy giá gạo tại các nước lên cao.
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) dự báo sản lượng gạo thế giới niên vụ 2006-2007 đạt 420,9 triệu tấn, so với niên vụ trước đạt 422 triệu tấn, giảm 0,24%; nhu cầu gạo năm 2007 cần khoảng 421 triệu tấn, tăng 1,1% so với năm 2006.
Châu Á được coi là vựa lúa gạo lớn nhất thế giới, dự báo niên vụ 2006-2007 đạt 380,8 triệu tấn gạo, giảm so với niên vụ trước 381,3 triệu tấn. Sản lượng thóc của các nước xuất khẩu gạo chủ yếu trên thế giới như Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ đều giảm trong năm qua.
Tranh thủ thời cơ Việt Nam duy trì lệnh tạm cấm xuất khẩu gạo cho tới tháng 2/2007, Thái Lan tung lượng gạo dự trữ, xuất khẩu đạt khoảng 8 triệu tấn trong năm 2006, cao hơn so với mức dự báo trước 7,5 triệu tấn, đạt doanh thu 2,5 tỷ USD.
Giá gạo Thái Lan hiện ở mức cao nhất trong 10 năm qua. Tuần đầu tháng 1/2007, tại Bangkok các nhà xuất khẩu gạo chào bán gạo 100% loại B ở mức 320 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với giá bán ngày 7/12/2006. Gạo Hương nhài loại B chào bán tăng từ 450 USD/tấn lên 510 USD/tấn. Gạo 5% tấm chào bán 315 USD/tấn, tăng 1-2 USD/tấn.
Tại thị trường Trung Đông và châu Á, nhu cầu gạo Thái Lan vẫn ngày càng cao.
Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, năm qua chỉ xuất khẩu đạt 4,7 triệu tấn. Bộ Thương mại và Hiệp hội Xuất khẩu gạo Việt Nam (VFA) cho biết: năm 2007 giảm lượng gạo xuất khẩu còn khoảng 4 triệu tấn, do dịch rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến vụ lúa đông xuân 2006-2007 tại ĐBSCL - vựa lúa lớn nhất cả nước.
Theo Reuters, tại New Dehli, Ấn Độ đạt sản lượng thóc gạo 90 triệu tấn hàng năm, mỗi năm xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo. Năm 2006, nước này xuất khẩu được 1,1 triệu tấn gạo thơm và 3,9 tấn gạo các loại khác. Thương hiệu gạo thơm Kohinoor và Basmati đã bán tại 60 quốc gia.
Quan chức phụ trách tài chính của Công ty Lương thực Ấn Độ Lohinoor Foods, Rajiv Mangla nói công ty này sẽ tăng 30% lượng gạo thơm Basmati xuất khẩu lên 41.600 tấn trong tài khoá kết thúc vào tháng 3/2007. Giá thóc thơm Ấn Độ hiện đã tăng 40% so với cách đây một năm, lên 18,50 Rupees (0,4 USD)/kg.
Các nhà nhập khẩu gạo và người tiêu dùng đương nhiên phải mua gạo với giá cao hơn nhiều. Giá gạo tại thị trường Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 2 năm qua. Giá gạo kỳ hạn tại Cục Thương mại Chicago (CBOT) cuối phiên giao dịch ngày 9/1, giao tháng 1/2007 đã tăng thêm 4 US cents, lên 10,39 USD/tạ (1 tạ Mỹ = 45,3 kg), giá gạo giao tháng 3/2007 tăng thêm 7 US cents lên 10,66 USD/tạ; do các nhà đầu cơ tăng lượng gạo mua vào và do nhu cầu cung cấp gạo cho Iraq cao. Iraq thoả thuận mua 267.000 tấn gạo của Mỹ và đã tiếp nhận 90.000 tấn.
Nhu cầu nhập khẩu gạo tăng, dự báo năm 2007 lượng gạo buôn bán trên thế giới đạt 28,9 triệu tấn, so với mức 28,6 triệu tấn năm qua, tăng 1%. Các nước phát triển nhập khẩu 4,6 triệu tấn gạo, tăng 7% so với mức năm 2006. Philippines nhập 1,5 triệu tấn; Trung Quốc nhập 1,3 triệu tấn; Nigeria nhập 1,7 triệu tấn và Iraq nhập 1,2 triệu tấn.
Để có lượng gạo lớn xuất khẩu, nhà trồng lúa ở một số nước đã tìm mọi biện pháp, kể cả kháng sinh, hoá chất kích thích các giống lúa cao sản tăng trưởng. Do vậy, gạo Thái Lan và gạo Ấn Độ xuất khẩu vào thị trường Nga đang bị siết chặt.
Cơ quan Liên bang Nga về giám sát vệ sinh động vật, thực vật (Rosselkhoznadozor) ngày 13/1 nói nhiều lô gạo Thái Lan và Ấn Độ nhập vào Nga đã vi phạm các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Cho đến ngày 1/4/2007, các lô gạo Thái Lan chỉ được phép vào thị trường Nga nếu có đầy đủ chứng từ xác nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi lô gạo phải kèm theo chứng từ ghi rõ những loại hoá chất nào đã sử dụng trong quá trình gieo cấy và bảo quản gạo và biên bản kết quả xét nghiệm an toàn theo đúng quy định của luật pháp Nga.
Nhập khẩu gạo luôn là vấn đề rất nhậy cảm đối với các nước Indonesia, Philippines, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc... Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono ngày 8/1/2007 nói nước này phấn đấu đạt sản lượng 58,11 triệu tấn thóc (36,7 triệu tấn gạo) năm nay, tăng 2 triệu tấn gạo so với mức 34,5 triệu tấn năm 2006, nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Chính phủ sẽ tăng ngân sách chi cho nông nghiệp từ 6.200 tỷ Rupiah năm 2006 lên 8.7000 tỷ Rupiah năm nay, trong đó có 1.000 tỷ Rupiah trợ cấp cho nông dân trồng 6 triệu ha lúa.
Do thiếu gạo, năm ngoái Chính phủ đã phải dỡ bỏ một phần lệnh cấm nhập khẩu gạo được áp đặt từ năm 2004 và cho phép Cơ quan Hậu cần Quốc gia (Bulog) được phép nhập khẩu gạo để cung cấp cho nhân dân. Tháng 9/2006, nước này đã phải nhập khẩu 210.000 tấn gạo của Việt Nam.
Việc Chính phủ Indonesia cho phép nhập khẩu gạo đã bị nông dân trong nước phản đối mạnh mẽ vì lo ngại giá gạo của nông dân bán ra giảm. Indonesia chỉ cho phép nhập khẩu gạo khi dự trữ quốc gia giảm xuống dưới 1 triệu tấn và giá gạo loại thường ở trong nước tăng lên hơn 3.550 Rupiah (0,388 USD)/kg .
Phát biểu với hãng tin Reuters mới đây, quan chức phụ trách Bộ Nông nghiệp Philippines (nước nhập khẩu nhiều gạo nhất châu Á), có kế hoạch mua 1,73 triệu tấn gạo năm 2007, cao hơn mức 1,65 triệu tấn năm 2006. Trong những năm gần đây lượng gạo nước này nhập khẩu liên tục tăng vì sản lượng gạo trong nước không đáp ứng được nhu cầu.