14:13 15/02/2022

Thị trường Hàn Quốc “nghiện” bạch tuộc chế biến từ Việt Nam

Khởi Anh

Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 41% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên các doanh nghiệp thủy sản vẫn gặp khó vì giá cước vận tải biển cao, nguồn nguyên liệu trong nước không đủ lớn.

Bạch tuộc của Việt Nam đang được thị trường Hàn Quốc ưa chuộng
Bạch tuộc của Việt Nam đang được thị trường Hàn Quốc ưa chuộng

Sau khi giảm trong quý 3/2021, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang Hàn Quốc phục hồi tốt trong quý 4/2021 với giá trị xuất khẩu đạt 82,1 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Cả năm 2021, giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường này đạt 247,9 triệu USD, tăng gần 7% so với năm 2020.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, bạch tuộc là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2021, trong đó nhiều nhất là các sản phẩm bạch tuộc đông lạnh chiếm tới 78% tổng giá trị xuất khẩu.

Việc được hưởng ưu đãi thuế quan 0% đã giúp Việt Nam tăng bạch tuộc tươi, sống và đông lạnh sang thị trường Hàn Quốc. Trái lại, xuất khẩu các sản phẩm mực khô, nướng và mực tươi, sống, đông lạnh giảm lần lượt 23% và 7%.

Giá trị xuất khẩu 2 nhóm sản phẩm bạch tuộc chế biến và bạch tuộc khô, muối, sống, tươi, đông lạnh tăng lần lượt 3% và 13%. Xuất khẩu mực chế biến tăng mạnh nhất 52%.

Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, bạch tuộc cắt khúc ướp đá, bạch tuộc chế biến đông lạnh, mực khô lột da, mực chế biến làm sạch đông lạnh, mực sushi đông lạnh, mực nang phile làm sạch đông lạnh, mực nang nguyên con làm sạch đông lạnh, mực cắt trái thông đông lạnh, mực nút đông lạnh...

Theo số liệu của ITC, nhập khẩu mực, bạch tuộc của Hàn Quốc từ các nước trong 11 tháng đầu năm 2021 giảm 6,7% đạt trên 880 triệu USD. Việt Nam đứng thứ 2 về cung cấp mực, bạch tuộc cho Hàn Quốc, sau Trung Quốc.

Theo số liệu của kita.org, Việt Nam là nguồn cung bạch tuộc đông lạnh (HS 030752) lớn nhất cho Hàn Quốc, chiếm 43% thị phần. Trung Quốc đứng thứ hai chiếm 41% thị phần.

Việt Nam và Trung Quốc là 2 nguồn cung bạch tuộc đông lạnh lớn nhất cho Hàn Quốc, chiếm thị phần áp đảo. Năm 2021, Hàn Quốc đều tăng mạnh nhập khẩu bạch tuộc đông lạnh từ 2 nguồn cung này trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh hơn từ Việt Nam.

Theo chuyên gia của VASEP, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam vẫn chịu tác động của dịch Covid-19 và nguồn cung nguyên liệu sản xuất hạn chế. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu cũng bị hạn chế bởi cước vận tải biển tăng cao. Hiện, Hàn Quốc, Thái Lan, EU, Mỹ vẫn là những thị trường có nhu cầu ổn định trong nhập khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam.

Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn từ các cơ quan quản lý nhà nước để tiếp tục giữ vững các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Trung Quốc... qua đó giúp ngành thủy hải sản đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu trong năm mới.