Miền Tây Nam bộ bùng phát nhiều ổ dịch tại các nhà máy chế biến thủy hải sản
Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, nhiều ổ dịch Covid-19 đã bùng phát tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tập trung chủ yếu ở các nhà máy chế biến thủy hải sản đông lạnh tại các khu công nghiệp, cơ sở chế biến tạo mối lo về đợt bùng phát dịch bệnh mới trong khu vực.
Các tỉnh/thành Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu là những địa phương ghi nhận số ca dương tính SARS-CoV-2 và lây nhiễm Covid-19 cộng đồng tăng cao trong thời gian qua.
HÀNG LOẠT ĐIỂM NÓNG TỪ CÁC “Ổ DỊCH”
Có thể điểm qua một vài con số. Tuần cuối cùng của tháng 10 vừa qua, tại TP. Cần Thơ TP Cần Thơ ghi nhận khoảng 500 ca F0, trong đó hơn 180 ca tại năm doanh nghiệp ở ba khu công nghiệp Hưng Phú 2, Thốt Nốt và Trà Nóc.
Trước diễn biến dịch phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là trong các nhà máy sử dụng đông công nhân, ngày 30/10 vừa qua, Uỷ ban nhân dân TP.Cần Thơ đã điều chỉnh nguy cơ dịch ở địa bàn từ cấp 1 (vùng xanh) lên cấp 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình). Chính quyền Cần Thơ cho rằng ca F0 tăng mạnh trong thời gian gần đây khi các hoạt động kinh tế, xã hội tái hoạt động. Nhiều người dân, cơ quan phòng, chống dịch đã tỏ ra chủ quan trước diễn biến dịch bệnh.
Sóc Trăng đang là địa phương có diễn biến phức tạp về dịch Covid-19. Tính từ đầu đợt bùng phát dịch lần thứ tư đến ngày 31/10, Sóc Trăng ghi nhận 5.024 ca mắc Covid-19, tăng gần 4 lần so với thời điểm đầu tháng 10 (đến ngày 04/10 có 1.292 ca). Dịch bùng phát mạnh nhất ở huyện Trần Đề với 1.815 trường hợp. Tương tự như trường hợp ở Cần Thơ, tại doanh nghiệp thuỷ sản ở huyện Trần Đề, y tế địa phương đã phát hiện hơn 230 công nhân mắc Covid-19 (ở Cần Thơ, công doanh nghiệp chế biến thủy hải sản có 150/1000 công nhân bị mắc Covid-19, khiến doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để xử lý…).
Tại Bạc Liêu, tính đến chiều ngày 31/10 đã ghi nhận tổng cộng 3.167 ca mắc Covid-19; riêng trong ngày 31/10 là 415 ca Covid-19 với 31 ca tử vong, tăng hơn 7 lần so với đầu tháng 10 (ngày 04/10 ghi nhận có 434 ca). Trong số 415 ca mới này, có 149 ca cộng đồng, 70 ca liên quan chuỗi lây nhiễm trước đó tại một doanh nghiệp chế biến thuỷ sản ở huyện Giá Rai (nay là thị xã Giá Rai); ổ dịch này đến nay đã phát hiện hơn 300 ca Covid-19.
Tỉnh An Giang là địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng nhanh nhất trong thời gian qua, với 10.872 ca (tính đến chiều 31/10), tăng gần gấp đôi so với ngày 04/10 là 5.547 ca. Trong 7 ngày từ ngày 24/10, toàn tỉnh An Giang ghi nhận 1.922 ca Covid-19. Trong 14 ngày qua, số ca nhiễm tại An Giang tăng 54% so với 14 ngày trước đó và vẫn tiếp tục là “điểm nóng Covid” trong khu vực.
Tỉnh Kiên Giang cũng ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trong những ngày qua. Nếu như đến ngày 21/10 tỉnh này ghi nhận 7.369 ca nhiễm thì đến chiều ngày 31/10 con số ca nhiễm đã tăng lên 8.998, trung bình mỗi ngày khoảng 162 ca. Riêng ngày 31/10 tăng 295 ca Covid-19 với 86 ca tử vong. Ngành y tế tỉnh này cho biết, dịch bệnh tăng nhanh là do một số người trở về quê từ vùng dịch nhưng không tuân thủ khi cách ly tại nhà.
NHIỀU TỈNH TẬP TRUNG TRUY VẾT F0, PHONG TỎA PHẠM VI HẸP
Trước tình trạng số ca lây nhiễm cộng đồng và tại các cơ sở sản xuất tập trung đông công nhân,tăng nhanh trong thời gian gần đây, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã khẩn trương tập trung nguồn lực truy vết F0, phong tỏa hẹp tại một số khu vực nguy cơ cao, rất cao, trong đó đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19.
Tại An Giang, Uỷ ban nhân dân tỉnh này đã yêu cầu các ban ngành, huyện thị trong tỉnh tăng cường giám sát và kiểm soát dịch Covid-19 khi triển khai thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ. Tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát tất cả người đi về từ các tỉnh, thành phố có số mắc Covid-19 cao (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…), các địa bàn dịch thuộc cấp độ 3, 4. Theo ngành y tế An Giang, đến nay tỷ lệ tiêm vaccine của tỉnh này mũi 1 đạt trên 75%, mũi 2 đạt gần 11%. An Giang cũng ghi nhận có gần 65.000 người từ TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An,… trở về, trong đó ghi nhận hơn 1.000 ca mắc Covid-19 trong số những người về quê này.
Tại Sóc Trăng, tỉnh đang tập trung công tác dịch tễ đồng thời đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19 với kế hoạch tiêm phủ 100% vaccine. Tính đến nay đã có 82,32% người trên 18 tuổi tiêm mũi 1 và gần 18% được tiêm mũi 2. Dân số tỉnh Sóc Trăng hiện nay là 1.289.441 người (thống kê năm 2021).
Tại Cần Thơ, địa phương này đã điều chỉnh nguy cơ dịch ở địa bàn từ cấp 1 (vùng xanh, bình thường mới) lên cấp 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình). Theo nhận định của Sở Y tế Cần Thơ, việc mở lại các hoạt động kinh doanh, mua bán, dịch vụ ăn uống, đi lại,… sẽ phải chấp nhận dịch bệnh có thể lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc phong tỏa phải tổ chức theo diện hẹp như nhà, khu vực, khu phố theo chỉ đạo chung.
Theo ông Phạm Duy Tính, Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, hiện các cơ sở sản xuất, nhà máy chế biến đã xây dựng phương án vừa sản xuất vừa phòng chống dịch tại đơn vị mình. Nhưng nhiều doanh nghiệp, nhà máy đã không còn duy trì phương án “3 tại chỗ” như trước đây mà hầu hết trở về sinh hoạt bình thường mới. Các doanh nghiệp chịu trách nhiệm vừa thực hiện các phương án đảm bảo phòng dịch vừa sản xuất. Khi có ca nghi nhiễm xảy ra trong nhà máy, bộ phận y tế doanh nghiệp, nhà máy phải báo cho y tế địa phương, xét nghiệm nhanh, khoanh vùng từng phân xưởng; khu vực nào bị thì cách ly tạm, nơi nào không thì vẫn phải sản xuất để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, tại Long An, địa phương đứng thứ tư cả nước về tổng số ca Covid-19 (sau TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai), với 34.774 ca, trong đó có 492 ca tử vong (tính đến chiều 31/10). Tuy nhiên, từ khi thực hiện Nghị quyết 128, như nhiều địa phương khác, tỉnh Long An đã tiến hành xác lập, phân vùng để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và bảo đảm công tác phòng, chống Covid-19 tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An (LAEZA), thực hiện theo đúng chủ trương của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Long An, việc phát hiện các F0 hiện nay trong các doanh nghiệp, nhà máy không để ảnh hưởng nhiều đến quá trình sản xuất tại các doanh nghiệp. Nếu phát hiện có F0, doanh nghiệp tự liên hệ với cơ quan y tế địa phương để phối hợp, sẽ tạm dừng hoạt động để thực hiện các bước kiểm tra, truy vết, xét nghiệm lại, khử khuẩn trong vòng 24 giờ. Sau đó doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch đã được quy định của Bộ Y tế.