Thị trường Mỹ chiếm 1/3 giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp
Hoa Kỳ đã vươn lên trở thành thị trường lớn nhất, chiếm 33,05 trong tổng thị phần xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Thông tin trên được đưa ra tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - ông Daniel Kritenbrink vào ngày 13/4.
XUẤT KHẨU SANG MỸ TĂNG VƯỢT TRUNG QUỐC
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đánh giá cao vai trò của ngài Đại sứ Daniel Kritenbrink vì những thành tựu đã làm được trong nhiệm kỳ vừa qua, đã tạo ra nhiều dấu mốc quan trọng trong sự phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt - Mỹ, đặc biệt là những con số về thương mại nông sản giữa hai quốc gia. Theo ông Hoan, nếu như vào năm 2018, khi ngài Đại sứ bắt đầu nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, thì thương mại hai chiều giữa hai quốc gia mới ở mức 51 tỷ USD, đến năm 2020 đã 90 tỷ USD. Dự kiến con số này sẽ tăng lên 100 tỷ USD trong năm 2021, tức là tăng gấp đôi chỉ sau gần 4 năm.
"Dấu ấn quan trọng nhất trong thương mại với Mỹ chính là giao thương nông sản. Trước kia, suốt hàng chục năm, Trung Quốc luôn là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam, nhưng đến năm 2020, Mỹ đã vươn lên trở thành thị trường lớn nhất", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bộ trưởng viện dẫn số liệu, năm 2020, mặc dù chịu vô vàn khó khăn do ảnh của đại dịch Covid -19 toàn cầu gây đứt gãy chuỗi cung ứng vận chuyển nông sản, thế nhưng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản từ Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng trưởng tới 23,2% so với năm 2019. Kết quả này đã đưa thị trường Mỹ chiếm tới 26,7% thị phần trong tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam năm 2020.
Trong khi đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc giảm 5,3%, khiến thị trường này chỉ còn chiếm 25,1% giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp Việt. Các thị trường đứng thứ ba là Nhật Bản cũng mới chỉ chiếm 8,3% trong xuất khẩu nông sản nước ta. Trong hai tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 2,04 tỷ USD, tăng 57,3% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 33,05% trong thị phần giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.
CẦN RÚT NGẮN THỜI GIAN CẤP PHÉP
"Hiện nay Mỹ đang quan tâm đến một số vấn đề của nông nghiệp Việt Nam như khai thác thủy sản, xuất xứ hàng hóa, sản phẩm gỗ hay bảo vệ động vật hoang dã. Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi khẳng định chúng tôi đã có nhiều nỗ lực cải thiện trong thời gian qua, trước tiên là các thể chế chính sách. Điều đó thể hiện quan điểm của Việt Nam về một nền nông nghiệp có trách nhiệm, mang hình ảnh quốc gia.
Không chỉ cho Mỹ mà còn cho cả thế giới hiểu rằng Việt Nam là một đất nước có trách nhiệm, đầu tiên và với các chuẩn mực quốc tế và sau đó là hướng tới người tiêu dùng", ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Ông Hoan cho rằng, Việt Nam có những khó khăn trong việc thực thi chính sách khi có một tỷ lệ cao dân số làm nông nghiệp, nhưng không vì khó mà không làm. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có những lộ trình đầy đủ, rõ ràng để xây dựng một nền nông nghiệp có trách nhiệm, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp an toàn, trước hết là cho người dân Việt Nam. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ các cam kết của mình đối với Mỹ và tất cả các quốc gia có quan hệ thương mại với Việt Nam".
Trò chuyện với Đại sứ Mỹ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan còn kể lại một kỷ niệm, đó là khi những thùng xoài đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp được xuất khẩu sang Mỹ, đem lại cho ông nhiều cảm xúc dâng trào. Bởi, tỉnh Đồng Tháp mà khi đó ông Hoan là Bí thư Tỉnh ủy cùng với nhân dân Đồng Tháp phải mất tới 10 năm ròng rã thay đổi, chuyển hướng để sản xuất xoài theo quy trình nghiêm ngặt, nhằm đáp ứng các yêu cầu của phía Mỹ. Phải mất tới một thập kỷ phấn đấu, Mỹ mới cho phép xoài Việt Nam được xuất khẩu vào Mỹ.
"Có nhiều nông sản nói chung, xoài nói riêng của Việt Nam muốn "đặt chân" được vào đất Mỹ phải trải qua thời gian nỗ lực quá dài. Chúng tôi mong muốn, trong tương lai 2 bên sẽ nỗ lực để rút ngắn khoảng thời gian các nông sản được cấp phép xuất khẩu sang thị trường của nhau, nhằm đem lại lợi ích cho nông dân 2 nước", Bộ trưởng Hoan nói.
MỸ QUAN TÂM TỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Đại sứ Daniel Kritenbrink bày tỏ với Bộ trưởng: Tôi đã sắp hết nhiệm kỳ tại Việt Nam và không chắc chắn có được tiếp tục đảm nhiệm công việc tại đây trong thời gian tới hay không? Tổng thống Biden sẽ sớm công bố người kế nhiệm tôi hy vọng Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ tiếp tục ủng hộ người sắp đảm nhận vị trí Đại sứ Mỹ tại Việt Nam như đã ủng hộ tôi.
Theo Đại sứ Daniel Kritenbrink, Tổng thống Biden rất quan tâm đến vấn đề đối phó với biến đổi khí hậu và đây sẽ là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ này của ông Biden. Do đó, đây có thể sẽ trở thành lĩnh vực hợp tác mới, rất quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đại sứ quán Mỹ nên thiết lập hình thức một nhóm làm việc song phương về biến đổi khí hậu, để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm và lên kế hoạch hợp tác. Việt Nam có thể nêu ra các vấn đề và phía Mỹ đưa ra phương án hỗ trợ. Hiện một số cơ quan phía Mỹ đang hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn để tăng cường khả năng chuẩn bị đối phó với thiên tai của Việt Nam.