Thị trường quá khó, nhiều doanh nghiệp “tay ngang” lỗ nặng vì đầu tư chứng khoán
Thị trường chứng khoán lao dốc suốt thời gian vừa qua phá vỡ nhiều ngưỡng hỗ trợ khiến không chỉ nhà đầu tư, các quỹ lỗ nặng mà nhiều doanh nghiệp “tay ngang” đầu tư vào chứng khoán cũng “chỏng vó”...
Điển hình nhất phải kể đến Licogi 14. Nếu không vì đầu tư tài chính, doanh nghiệp này đã có thể báo lãi trong quý 2 vừa qua. Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ L14 đạt 87,8 tỷ đồng, lãi gộp 42 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng gấp 6 lần dẫn đến L14 phải báo lỗ 367 tỷ đồng.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, riêng khoản dự phòng giảm giá các khoản đầu tư ngắn hạn, dài hạn là 375 tỷ đồng. Tức là khoản đầu tư chứng khoán của Licogi 14 đang lỗ 375 tỷ đồng.
Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2021, danh mục đầu tư của Licogi 14 gồm gần 7,8 triệu cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O và 2,9 triệu cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp). Tuy nhiên, theo lý giải của ban lãnh đạo doanh nghiệp, hiện nay tất cả các mã chứng khoán công ty đầu tư vào đều có tiềm lực mạnh về các dự án bất động sản, tài chính vững mạnh, thương hiệu, uy tín trên thị trường. Công ty xác định đầu tư ổn định lâu dài khi thị trường phát triển tốt sẽ linh hoạt điều hành để hiệu quả hơn.
Tương tự, tại Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN), trong quý 2/2022, NDN chỉ ghi nhận doanh thu thuần 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ gần 185 tỷ đồng. Trong khi hoạt động cốt lõi là chuyển nhượng bất động sản, Công ty không ghi nhận bất kỳ khoản doanh thu nào. Doanh thu hoạt động tài chính 9,8 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng 11 lần khiến NDN báo lỗ 119 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái báo lỗ 104 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm đến nay, Nhà Đà Nẵng lỗ 97 tỷ đồng trong khi năm ngoái lãi 164 tỷ đồng.
Danh mục đầu tư của NDN tập trung chủ yếu ở 2 cổ phiếu là SHB và TCB. Theo thuyết minh của Công ty, giá trị khoản đầu tư ở 2 cổ phiếu này tại thời điểm 30/06/2022 giảm lần lượt hơn 37% và 31% so với thời điểm mua vào. Ngoài ra, NDN cũng đang ghi nhận lỗ ở các mã khác như ABB, ORS, QTP, VHM, VNM.
Trước đó, năm 2021, Nhà Đà Nẵng này từng lãi hàng trăm tỷ đồng từ đầu tư chứng khoán. Năm ngoái, doanh thu hoạt động tài chính của NDN đạt hơn 200 tỷ, với trên 130 tỷ đồng lãi từ đầu tư chứng khoán, gấp 6 lần cùng kỳ 2020.
Một hiện tượng trên thị trường hiện nay phải kể đến Công ty cổ phần Hóa An DHA) – một doanh nghiệp chuyên sản xuất đá, vật liệu xây dựng. Dù doanh thu sụt giảm không đáng kể chưa tới 0,2% so với cùng kỳ, song Hóa An bốc hơi 92% lợi nhuận, chỉ đạt hơn 1,7 tỷ đồng, do lỡ tay ôm cổ phiếu HPG.
Tính tới thời điểm cuối quý 2/2022, DHA đang nắm giữ hơn 2,5 triệu cổ phiếu HPG, tăng nhiều so với chỉ 300.000 cổ phiếu hồi đầu năm. Trong quý 2, cổ phiếu HPG đã giảm 35% giữa lúc giá thép liên tục lao dốc. Thị giá nhóm thép dự báo sẽ còn giảm nữa khi mà giá thép thế giới và trong nước luôn trong xu hướng giảm thời gian gần đây, trong khi ở nội địa, tháng 8-9 mùa mưa, nhu cầu tiêu thụ sắp vào mùa thấp điểm. Việc nắm giữ 2,5 triệu cổ phiếu HPG dự kiến sẽ còn khiến DHA khó khăn nữa trong thời gian tới.
Mặc dù nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ giúp cho lợi nhuận quý 2 của Vĩnh Hoàn đã tăng gấp 3 lần cùng kỳ, đạt trên 784 tỷ đồng. Tuy nhiên, nữ hoàng cá tra cũng ngậm đắng nuốt cay với các khoản lỗ từ danh mục đầu tư cổ phiếu.
Báo cáo tài chính quý II/2022 của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho thấy, tính đến cuối tháng 6, công ty này đầu tư chứng khoán tới gần 200 tỷ đồng. Cụ thể, Vĩnh Hoàn đã rót 40 tỷ đồng mua mới cổ phiếu KBC của Công ty cổ phần Đô thị Kinh Bắc và tạm lỗ 17,7 tỷ đồng.
Vĩnh Hoàn cũng tăng mạnh khoản đầu tư vào cổ phiếu NLG của Nam Long từ 24 tỷ đồng lên 69 tỷ đồng, tạm lỗ gần 24 tỷ đồng; đồng thời tiếp tục duy trì khoản đầu tư 53,2 tỷ đồng vào cổ phiếu DXS của Đất Xanh Services và cũng tạm lỗ 35,5 tỷ đồng.