08:23 20/07/2024

Thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đạt 2,8 triệu tỷ đồng

Huỳnh Dũng

Tín dụng tiêu dùng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là giải pháp hạn tình trạng “tín dụng đen”. Dù vậy, tình trạng "bùng nợ", lừa đảo diễn ra nhan nhản khiến các đơn vị cho vay gặp rủi ro cao dẫn đến e ngại cho vay...

Tại Hội thảo Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen” do Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) tổ chức mới đây, ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đánh giá tín dụng tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng không chỉ đáp ứng nhu cầu tài chính của người dân mà còn giúp hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức như "tín dụng đen", góp phần giảm thiểu các hệ lụy tiêu cực và đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Theo Phó Thống đốc, hiện nay quy mô của thị trường tín dụng tiêu dùng toàn cầu đã tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 11 nghìn tỷ đô la năm 2023 và tiếp tục duy trì xu hướng tăng, dự kiến đạt 15 nghìn tỷ đô la trong 5 năm tới. Tại Việt Nam, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Báo cáo từ 16 tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn cho thấy, hiện có hơn 30 sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang được triển khai như gói 20 nghìn tỷ đồng của Agribank hay gói tín dụng tiêu dùng 20 nghìn tỷ đồng của HD Saison và FE Credit cho khách hàng là công nhân lao động.

 

Thông tư 12/2024/TT-NHNN cho phép các khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin tối thiểu về mục đích sử dụng vốn vay và khả năng tài chính cho các tổ chức tín dụng trước khi quyết định cho vay đối với các khoản vay tối đa dưới 100 triệu đồng.

Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước.

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng chương trình tín dụng, các gói cho vay tiêu dùng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid... phù hợp với nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

Bên cạnh đó, những chương trình tín dụng đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại như phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đăng ký vay trực tuyến, nộp hồ sơ ekYC, ký hợp đồng điện tử qua kênh internet/mobile banking... đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này. 

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam còn tồn tại những vấn đề ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng nói riêng và sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung. Cụ thể như tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội khi tổ chức nhiều hội nhóm truyền bá, hướng dẫn cách “trốn” nợ hay công ty mạo danh, lừa đảo…

Để khai thác tiềm năng của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam và giải quyết những tồn tại, thách thức, các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp và kiến nghị cụ thể.

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và cho vay tiêu dùng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo ra môi trường pháp lý minh bạch, thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Thứ hai, tăng cường công tác quản lý, thanh tra và giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng và cho vay phục vụ đời sống của các tổ chức tín dụng, đảm bảo các hoạt động này tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tránh các sai phạm và bảo vệ người tiêu dùng khỏi các rủi ro tiềm ẩn.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện cơ chế và chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, bao gồm hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, đồng thời phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm công nghệ cao.

Thứ tư,  tăng cường sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp hiểu đúng về các kênh cung cấp tín dụng chính thức cũng như thấy được các hệ lụy, hậu quả của “tín dụng đen”. Bản thân các tổ chức tín dụng cần rà soát, đổi mới phương thức cung cấp thông tin, cách thức tiếp cận khách hàng vay để người dân hiểu đúng, đầy đủ về các sản phẩm, dịch vụ.

Thứ năm, các tổ chức tín dụng cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an trong việc kết nối và khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc này giúp đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng dữ liệu trong hoạt động tín dụng tiêu dùng, đảm bảo an toàn và hiệu quả hơn trong quy trình thẩm định và quản lý rủi ro.

Thứ sáu, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".