Thị trường trái phiếu: Nâng cao tiêu chuẩn góp phần giảm thiểu rủi ro
Theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện phát hành, Nghị định 81 đã góp phần giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư mua trái phiếu
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thị trường trái phiếu tại HNX được vận hành an toàn và hiệu quả, tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Phong, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về thực trạng và triển vọng của thị trường trái phiếu.
Là đơn vị được giao nhiệm vụ trong việc quản lý và điều hành thị trường trái phiếu, HNX đánh giá thế nào về những kết quả đạt được trong năm 2020 đối với thị trường quan trọng này, thưa ông?
Năm 2020 nền kinh tế của chúng ta đã đối mặt với những khó khăn lớn nhất trong lịch sử khi chứng kiến dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) tại Sở GDCK Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc huy động vốn cho đầu tư phát triển, ổn định kinh tế - xã hội cũng như luân chuyển vốn giữa các tổ chức tài chính.
Về huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu, giá trị trái phiếu chính phủ huy động được qua đấu thầu đạt hơn 323 nghìn tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2019. Trong đó, trái phiếu kho bạc là hơn 299,8 nghìn tỷ đồng, tăng 51% so với cả năm 2019, Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động được hơn 18,8 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được hơn 4,3 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt lãi suất phát hành giảm trên tất cả các kỳ hạn, giúp tiết kiệm chi phí sử dụng vốn rất lớn cho Chính phủ. Đáng chú ý, kỳ hạn bình quân trái phiếu phát hành qua đấu thầu đạt 13,25 năm, đem lại sự chủ động và ổn định trong hoạt động đầu tư phát triển các dự án trọng điểm và dài hạn của Chính phủ.
Bên cạnh đó, trên thị trường giao dịch trái phiếu thứ cấp tiếp tục có sự tăng trưởng đáng ghi nhận, cả về quy mô niêm yết và thanh khoản. Giá trị niêm yết đạt 1,31 triệu tỷ đồng, tương đương 21,8% GDP năm 2019. Giá trị giao dịch trung bình lên tới 10 nghìn tỷ đồng mỗi phiên, tăng 10,9% so với năm 2019. Trong đó, phiên có giá trị giao dịch cao nhất đạt tới 19,8 nghìn tỷ đồng trong ngày 10/12, đây cũng là giá trị giao dịch phiên cao nhất từ trước đến nay.
Như vậy, có thể nói thị trường TPCP đã có sự hỗ trợ hiệu quả cho Chính phủ cũng như giúp đa dạng hoá danh mục đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư, điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trong năm 2020.
Song hành cùng TPCP, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng đang rất nóng. Là 1 đơn vị được giao nhiệm vụ tham gia phát triển thị trường này, cho tới thời điểm này, thị trường TPDN đã đi được đến đâu trong lộ trình đề ra?
Song song với phát triển thị trường TPCP, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã có những định hướng để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhằm hoàn thiện cơ cấu thị trường trái phiếu Việt Nam. Để minh bạch hóa thông tin trên thị trường TPDN, Bộ Tài chính đã giao HNX là đầu mối tiếp nhận nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ, đồng thời xây dựng hạ tầng công nghệ để vận hành Chuyên trang thông tin TPDN.
Theo đó, chuyên trang thông tin TPDN được tổ chức để cung cấp thông tin cho nhà đầu tư về trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ do doanh nghiệp công bố theo quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP. Chuyên trang thông tin TPDN sẽ công bố thông tin những nội dung cơ bản của tất cả các đợt phát hành riêng lẻ TPDN của các tổ chức thực hiện phát hành riêng lẻ, để phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin của mọi đối tượng nhà đầu tư, cũng như phục vụ công tác thống kê, báo cáo về các đợt phát hành riêng lẻ TPDN.
Theo thống kê của HNX, trong 11 tháng năm 2020, đã có 2.000 đợt phát hành TPDN riêng lẻ công bố thông tin qua Sở trong đó 1.970 đợt phát hành thành công với tổng giá trị phát hành đạt 348 nghìn tỷ đồng.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hành lang pháp lý đã dần được bổ sung và hoàn thiện. Theo đánh giá của ông, Nghị định 81 vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/9/2020 đã có tác động như thế nào đối với thị trường TPDN?
Nghị định 81 có hiệu lực từ ngày 1/9/2020 với những sửa đổi cơ bản về điều kiện phát hành, giới hạn quy mô phát hành riêng lẻ phù hợp với quy mô vốn của doanh nghiệp... Qua theo dõi thông tin công bố qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, chúng tôi đánh giá từ thời điểm Nghị định 81 có hiệu lực, hoạt động phát hành TPDN có một số biến động khá mạnh cả về quy mô phát hành, kỳ hạn phát hành và cơ cấu phát hành.
Về quy mô phát hành, do quy định khắt khe hơn về điều kiện phát hành, tình hình phát hành TPDN đã có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, ngay sau khi Nghị định 81 có hiệu lực từ ngày 1/9, giá trị đăng ký phát hành tháng 9 đã giảm 80% so với tháng 8/2020, và đến tháng 10 giá trị phát hành giảm tới 90% so với tháng 8/2020. Trong đó, giá trị phát hành thành công trong 2 tháng này lần lượt đạt 10,52 nghìn tỷ đồng và 9,5 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/4 giá trị phát hành thành công của tháng 8/2020.
Về kỳ hạn phát hành, kỳ hạn phát hành trong tháng 9 và tháng 10 có xu hướng tăng. Nếu như trong tháng 8/2020, kỳ hạn phát hành bình quân là 3,97 năm thì tháng 9 và tháng 10/2020 kỳ hạn phát hành bình quân là 4,07 năm và 5,47 năm, cho thấy doanh nghiệp có xu hướng tập trung vào các kỳ hạn trung và dài hạn so với việc phát hành nhiều tại kỳ hạn ngắn như trước đó.
Về cơ cấu phát hành, có sự thay đổi về tỷ trọng phát hành giữa các nhóm doanh nghiệp. Trong tháng 8/2020, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản là nhóm có tỷ trọng phát hành TPDN lớn nhất, chiếm 30,39% tổng giá trị phát hành toàn thị trường. Tuy nhiên, sang tháng 9 và tháng 10/2020, khối doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tổ chức tín dụng là nhóm có tỷ trọng phát hành TPDN lớn nhất, lần lượt chiếm tỷ trọng 90,2% và 38,99% tổng giá trị phát hành toàn thị trường.
Như vậy, với các quy định theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện phát hành, Nghị định 81 đã góp phần giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư mua trái phiếu.
Để phát triển bền vững thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, HNX ưu tiên những mục tiêu nào trong năm 2021, thưa ông?
Thị trường trái phiếu năm 2020 đã có những sự phát triển rất đáng khích lệ. Để phát triển bền vững thị trường trái phiếu, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức tốt công tác đấu thầu và giao dịch TPCP, trong đó ưu tiên một số mục tiêu.
Đối với thị trường TPCP sơ cấp, năm 2021, HNX đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thiện nghiệp vụ đấu thầu, mua lại, hoán đổi trái phiếu có lãi suất thả nổi và nghiệp vụ phát hành trái phiếu đảm bảo thanh khoản cho các nhà tạo lập thị trường (PD), hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực tài chính xanh và các hoạt động phát triển thị trường trái phiếu.
Đối với thị trường TPCP thứ cấp, HNX sẽ hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin của hệ thống giao dịch TPCP để hỗ trợ các hoạt động giao dịch, trong đó ưu tiên hoàn thành các hoạt động kết nối thanh toán với hạ tầng thanh toán mới của VSD.
Riêng đối với thị trường TPDN, khung pháp lý tiếp tục được hoàn thiện giúp thị trường có những bước phát triển bền vững hơn, sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường trái phiếu, điển hình là Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, Nghị định thay thế Nghị định 163...
Nhằm tăng cường sự minh bạch trên thị trường, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ đưa chuyên trang thông tin TPDN vào vận hành chính thức sẽ giúp nhà đầu tư tiếp cận với thông tin nhanh, dễ dàng và toàn diện hơn. Bên cạnh đó, Sở đang bước đầu tiến hành công tác nghiên cứu thị trường giao dịch thứ cấp TPDN, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc tổ chức hoạt động giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Việc tổ chức thị trường giao dịch thứ cấp sẽ tăng cường tính công khai, minh bạch, giúp cơ quan quản lý có đầy đủ thông tin từ khâu phát hành đến giao dịch, đồng thời tăng tính thanh khoản của TPDN.