Thị trường và nhà đầu cơ: Thử mà không có tôi...
Sự nhộn nhịp của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2006 đã giúp nhận dạng rõ hơn về vai trò của đầu cơ trong thị trường này
Sự nhộn nhịp của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2006 đã giúp nhận dạng rõ hơn về vai trò của đầu cơ trong thị trường này.
Sự biến động khá kịch tính của chỉ số VN-Index trong năm 2006 (và giữa các năm trước đấy) phần nào nói lên điều đó. Gọi là hàn thử biểu mà trồi sụt kiểu này thì khó hiểu. Thị trường như cô gái đẹp mà chảnh. Hễ nghiêm thì cô làm nư, còn thoải mái cô lung tung. Lý lẽ học thuật đôi khi vô ích...
Điều này lại hấp dẫn nhiều người và họ đang nhào vô. Tuy nhiên, dù đã đứng bên trong hay còn ngoài cửa, ta cũng không nên quên đây là thị trường chứ không phải người đẹp. Thị trường nghiệt ngã với thắng-thua-nóng-lạnh ấy rất cần sự hiểu biết thực thụ. Thật may, cùng với nỗ lực đưa thị trường tiến đến thị trường, sự quan tâm của người đầu tư và giới doanh nghiệp ngày càng sâu và bài bản hơn.
Có lẽ do vậy, trong các dịp trao đổi tại lớp, nhiều sếp - học viên đã hỏi tôi “ở đó có hay không đầu cơ?”. Và đây chính là câu chuyện...
Đầu cơ chứ còn gì nữa! Có điều, phải hiểu đầu cơ thế nào cho phải lẽ thôi. Trước tiên, cần biết người ta bày ra thị trường chứng khoán, cụ thể là thị trường thứ cấp, là để mời mấy ông bà chủ (cổ đông) đến đó chơi. Cách thu xếp này loại trừ khả năng đòi rút vốn khỏi doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trường vốn và yên chuyện làm ăn.
Khi các vị chủ đã đi chỗ khác chơi và đã chịu chơi, họ mặc nhiên biến khoản đầu tư của mình thành khoản đầu cơ. Cổ phiếu cứ thế nổi trôi... Người sở hữu có khi quên mất cái gốc cổ đông của mình, họ quan tâm nhiều hơn đến tư cách khách hàng.
Thật vậy, về mặt chuyên nghiệp, người làm ăn trên thị trường chứng khoán liên hệ chủ yếu với các công ty chứng khoán, để mua bán (kinh doanh) thứ hàng hóa gọi là chứng khoán, chứ ít ai nghĩ mình góp vốn vào doanh nghiệp. Tất nhiên không thể nói không có đầu tư (mua giữ dài hạn) ở thị trường thứ cấp, nhưng người làm ăn tại đây đặt kỳ vọng vào chênh lệch giá (đầu cơ) hơn là tạo ra giá trị tăng lên (đầu tư).
Theo nguyên lý, càng nhiều người tham gia đầu cơ thì thị trường càng lạc quan, điều này hóa giải cái lo kẹt tiền, kéo tiếp người chơi đến thị trường chứng khoán. Đầu cơ vậy là cần chứ đâu có xấu. Nhưng để có sự thấu hiểu, và xa hơn để thấy hết lợi ích của đầu cơ, ta sẽ tiếp cận vấn đề theo lý giải kinh tế và thị trường.
Trước tiên, cần biết trong thị trường chứng khoán không có khái niệm cấm đầu cơ. Tuy vậy, không riêng tại Việt Nam mà hầu như ở đâu trên thế giới xưa nay người ta vẫn cứ kiếm chuyện với đầu cơ. Cả nơi đẻ ra lý thuyết và phát triển hoạt động đầu cơ (là Anh và Mỹ) cũng vậy.
Đầu cơ không chỉ bị nghĩ xấu chung chung theo nghĩa dân gian, mà còn được chẻ từng miếng nhỏ để phân biệt với đầu tư, lấy đầu cơ làm cái phông phản diện để tôn anh đầu tư lên. Việc này không ngừng gây tranh cãi, làm tốn nhiều giấy mực.
Tuy bị phân biệt đối xử như vậy, đầu cơ vẫn có đất sống đàng hoàng. Trong nhiều nền kinh tế, đúng hơn là hoạt động kinh tế, người ta đã trân trọng xướng danh tư cách nhà đầu cơ là speculator, đặc biệt là tại các thị trường tài chính hàng hóa (commodity market). Đây giống như sự phân vai trong các vở kịch thị trường.
Vậy đấy, dù đầu cơ là cần, là không thể thiếu trong nền kinh tế, thì nhà đầu cơ vẫn còn bị phân biệt.
Lấy bối cảnh đầu cơ trong thị trường futures (mua bán kỳ hạn) để minh họa. Nhờ tham gia bán trước (short) các hợp đồng được chuẩn hóa theo kỳ hạn (hợp đồng futures), một người nuôi heo có thể cân nhắc chuyện lời lỗ để quyết định có nuôi hay không. Nhưng nếu người nuôi heo lo giá rớt thì người đầu cơ trong thị trường này có thể kỳ vọng ngược lại để đồng thời mua các hợp đồng futures đối ứng. (Đây chỉ là ví dụ đơn giản cho dễ hiểu, vì hoạt động thực sự của thị trường futures rất phức tạp).
Ta thấy khi người chăn nuôi muốn quăng rủi ro đi thì đã có anh đầu cơ nhảy vô nhận. Tất nhiên nếu giá lên họ sẽ thắng, và có thể thắng to nhưng thua thì cũng dễ bị đậm. Và nếu họ chỉ sống bằng cái nghề phản diện này thì cũng xứng đáng.
Thế nhưng người ta cũng từng ví đầu cơ với đánh bạc. Cách ví này là quá đáng. Tại sao? Vì đầu cơ trong hoạt động thị trường nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng có logic tầm nhìn chứ không là may rủi như cờ bạc.
Trong canh bạc, chính con bạc tạo ra rủi ro, rủi ro chưa có cho tới khi họ ngồi lại đặt tiền và chia bài. Còn trong thị trường, rủi ro đang và luôn có sẵn. Rủi ro biến động giá luôn hiện hữu đồng thời với sự thay đổi thất thường của yếu tố cung cầu.
Người chăn nuôi, trồng cà phê... lo giá rớt khi thu hoạch; kẻ chế biến sợ giá nguyên liệu tăng vào cao điểm sản xuất. Khi người nông dân hay giới chế biến tìm cách phòng tránh rủi ro - tức là các hedger tiến hành phòng thủ bằng các hợp đồng futures, họ sẽ tránh được rủi ro về giá cả.
Thế nhưng rủi ro ấy không phải đã bị loại ra khỏi nền kinh tế, mà được chuyển qua giới đầu cơ. Và điều gì là rủi với các hedger (nông dân hay người chế biến) có thể sẽ là cơ hội đối với các speculator. Thị trường do vậy có thể ví như một hạ tầng sang nhượng rủi ro. Điều cần lưu ý, nhiều tranh luận về đầu tư hay đầu cơ có thể chỉ là để phân biệt, để phục vụ cho mục đích giáo khoa, chứ không để bài bác.
Nhìn ở góc rộng, đầu cơ là hoạt động hóa giải cái lo rủi ro cho nền kinh tế. Nói cách khác, nhà đầu cơ nhìn rủi ro qua lăng kính cơ hội, và họ đầu tư vào các cơ hội đó (đầu cơ). Họ là những nhà mạo hiểm can đảm. Nhờ có sự mua bán năng động của họ mà thị trường ổn định và có thanh khoản. Thanh khoản lại là phần hồn không thể thiếu của thị trường. Theo ước tính ở các thị trường futures phát triển, cứ mỗi giao dịch phòng thủ của hedgers (nguồn cung hàng) thì bình quân có đến 20 giao dịch mua đi bán lại của speculators.
Nhân đây, ta hãy xem nhà đầu tư mạo hiểm (venture capital) là ai vậy. Với tiêu chí mạo hiểm tìm cơ hội, có thể xem họ là nhà đầu tư đi đầu cơ hay ngược lại. Thế nên, đừng nghĩ họ sẽ ăn đời ở kiếp với một doanh nghiệp nào. Họ có thể là đối tác chiến lược đấy, có công làm bật lên nhiều tài năng mới, lại hào phóng, nhưng đừng quên họ mong ngày trông đêm để “chào tạm biệt” anh. Mục đích của họ là vỗ béo các khoản đầu tư để bán nhanh kiếm lợi và tìm cơ hội khác. Chấm hết!
Do có sự sàng lọc cao trong portfolio (danh mục đầu tư) của mình, các nhà đầu tư mạo hiểm thường chỉ chú trọng phát hiện những trai thanh gái tú (doanh nghiệp trẻ, giỏi mà nghèo) và rất ngại ôm vào những anh to. Dù có thể ẩn dưới một số dạng, các quỹ này cũng được xem là những nhà đầu cơ cỡ bự, nên người ta còn gọi đây là vốn đầy rủi ro.
Có thể nói cảm ơn đầu cơ trước sự nhộn nhịp của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2006 để nhận dạng một thực tế đang chín tới (nếu không nói chín muồi). Ngoài việc luật lệ đã rộng rãi với các hình thức đầu tư tài chính (portfolio investment), dư luận xã hội nay cũng đã cởi mở nhiều.
Yêu cầu phát triển đồng bộ thị trường tài chính theo lộ trình hội nhập cũng buộc ta có nếp tư duy đồng bộ: Cần xem hoạt động đầu cơ trong thị trường chứng khoán là bình thường, bởi công suất của các thị trường chứng khoán tùy thuộc nhiều vào thứ nhiên liệu hay năng lượng này.
Thay vì chống hay dị ứng với đầu cơ, trong thị trường chứng khoán người ta cấm thao túng thị trường bằng động tác giả, và đây mới là vấn đề cần tập trung trong giai đoạn mới.