13:00 08/03/2022

Thiết bị thông minh “định hình” lại gian bếp

Tường Bách

Công nghệ đã trở thành một phần thiết yếu, hiện diện trong từng khía cạnh của cuộc sống. Ngày nay, sự ra đời của thiết bị gia dụng thông minh còn được cho là sẽ đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội, giúp thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nhiều hơn...

Trong thời kỳ đại dịch Covid, khi hầu hết mọi người ở nhà nhiều hơn, thời gian nấu nướng nhiều hơn đồng nghĩa với nhận thức về không gian bếp và các dụng cụ nấu nướng tăng lên rất mạnh. Các nhà bán lẻ thiết bị nhà bếp và nội thất ở châu Âu, Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng nhu cầu khi con người ở nhà. Một cuộc khảo sát từ Made.com cho thấy trong hai năm đại dịch, 64% người tiêu dùng đã quyết định đầu tư đồ gia dụng mới cho ngôi nhà của họ.

NHỮNG BÀ NỘI TRỢ THỜI  4.0

Điều tuyệt vời của căn bếp thông minh ngày nay là sự tùy chọn. Hay nói cách khác, người nội trợ có thể tùy ý lựa chọn phương thức nấu nướng theo sở thích, thói quen của mình. Người nội trợ vẫn hoàn toàn có thể thực hiện mọi thao tác theo cách truyền thống (như trực tiếp kiểm tra tình trạng thức ăn trong lò trước khi rời nhà, hay bật điện bằng công tắc). Nhưng nếu người nội trợ đã nóng lòng muốn tận hưởng những tiện ích ưu việt mà trí tuệ nhân tạo đem đến, thì căn bếp thông minh cũng đã sẵn sàng.

Các nhà sản xuất gần đây đã liên tiếp “trình làng” các sáng kiến công nghệ nhà bếp thông minh mới. Trước tiên, không thể không kể đến phát kiến về những chiếc tủ lạnh thông minh được trang bị camera bên trong cánh tủ. Phát minh này cho phép người nội trợ có thể nắm được lượng thức ăn, nguyên liệu đang được cất trữ trong tủ lạnh trong lúc đang đi mua sắm tại siêu thị. Màn hình LCD cảm ứng cũng cho phép người nội trợ mua hàng online ngay khi đang đứng cạnh tủ lạnh. Bên cạnh đó, chỉ bằng một vài thao tác nhấn chọn dễ dàng trên màn hình cảm ứng, người nội trợ sẽ thu được những công thức nấu nướng vô cùng đa dạng,…

Bên cạnh yếu tố tiện ích, các thiết bị nhà bếp thông minh là trợ thủ đắc lực giúp người nội trợ rút ngắn thời gian nấu nướng. Minh chứng điển hình là hệ thống mạng không dây cho phép người nội trợ có thể kích hoạt, làm nóng lò nướng từ xa. Hoặc là công nghệ quét – nấu (scan-to-cook) - một phát kiến công nghệ đột phá cho lò nướng. Người nội trợ chỉ cần dùng app điện thoại, quét mã code của sản phẩm in trên bao bì. Bỏ đồ ăn cần chế biến vào trong lò. Vậy là xong! Chiếc lò nướng sẽ tự động được kích hoạt ở nhiệt độ và thời gian phù hợp.

Điều tuyệt vời của căn bếp thông minh ngày nay là sự tùy chọn.
Điều tuyệt vời của căn bếp thông minh ngày nay là sự tùy chọn.

Những phát kiến công nghệ tiếp theo đang chuẩn bị “làm mưa làm gió” trong những căn bếp thời đại 4.0 chính là tính năng điều khiển bằng giọng nói thông qua loa thông minh (smart speakers) của Hãng Amazon Echo và Google Home. Giờ đây, người nội trợ có thể điều khiển các thiết bị nhà bếp bằng giọng nói – điều làm nên sự khác biệt hoàn toàn với phương thức nấu ăn truyền thống. Ví dụ, bạn có thể bật – tắt điện hay mở – đóng vòi nước chỉ bằng những câu lệnh đơn giản khi đang mải thực hiện các thao tác chế biến món ăn khác.

Đối với tiện ích giúp nấu nướng thông minh, những con robot nấu ăn thực sự là chìa khóa để chị em có thêm thời gian chăm sóc bản thân. Một con robot nấu ăn được lập trình để có thể  thực hiện một loạt nhiệm vụ trong nhà bếp, từ việc cân đo đúng định lượng, chọn đúng nhiệt độ cho từng công đoạn thực hiện, nấu theo thời gian định sẵn, điều chỉnh tốc độ xử lý,...

Hiện đại hơn, mỗi con robot đều được tích hợp một con chip với hàng nghìn món ăn từ tất cả các nền ẩm thực trên toàn thế giới, người sở hữu chỉ cần bấm nút “next” và hoàn thành món ăn một cách nhàn nhã. Với robot nấu nướng, những cái nhăn mặt vì món này mặn, món kia nhạt sẽ là quá khứ bởi chất lượng sản phẩm từ những đầu bếp đặc biệt này đã được kiểm chứng là “ngon như nhà hàng”…

HIỆN ĐẠI CŨNG BỘC LỘ MẶT TRÁI

Theo dự đoán của Arizton Advisory & Intelligence, thị trường đồ gia dụng thông minh sẽ vượt mốc 600 triệu USD vào năm 2024. Tương lai này có thể diễn ra sớm hơn khi Covid-19 đã và đang tác động trên mọi khía cạnh của cuộc sống, khiến nhu cầu và tần suất sử dụng thiết bị gia dụng của các gia đình thay đổi đáng kể. Ngoài khả năng xử lý, giá thành hay độ bền, người dùng còn kỳ vọng ở món đồ gia dụng sự đa công năng, dễ vệ sinh và tiết kiệm năng lượng.

Tuy nhiên, đầu tư vào một món đồ gia dụng hiện đại, có phải lúc nào cũng đạt kết quả như ý? Vì muốn đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng, nhiều thương hiệu đã phát triển dòng sản phẩm thông minh tích hợp đa chu trình. Thế nhưng, điều này vô tình tạo ra phản ứng ngược, khiến người dùng hoang mang trước “ma trận" tính năng và nút điều khiển. Không ít người tiêu dùng đau đầu suy nghĩ quy trình phù hợp với nhu cầu bản thân. Chưa kể, một số người khác lại chỉ thường trung thành với một chế độ duy nhất hoặc “nhấn đại" để đỡ cất công chọn lựa.

Bên cạnh đó, sự phát triển tốc độ của công nghệ gia dụng liệu có thật sự “giải phóng” chị em? Bà Ruth Schwartz Cowan đề cập trong cuốn “The ‘Industrial Revolution’ in the Home” (Cách mạng công nghiệp trong ngôi nhà), việc nhà có thể được chia làm ba loại chính: Việc nhà mang tính chất lặp lại hàng ngày - lao động thể chất (rửa bát, lau quét nhà, giặt đồ,...); Mua sắm và đi lại - lao động thể chất (đi chợ/ siêu thị, chạy việc vặt gia đình, đưa đón con,...); Chăm sóc con cái - lao động tinh thần và cảm xúc (chơi với con, cho con bú, tắm rửa, dạy học,...)

Ngoài khả năng xử lý, giá thành hay độ bền, người dùng còn kỳ vọng ở món đồ gia dụng sự đa công năng, dễ vệ sinh và tiết kiệm năng lượng.
Ngoài khả năng xử lý, giá thành hay độ bền, người dùng còn kỳ vọng ở món đồ gia dụng sự đa công năng, dễ vệ sinh và tiết kiệm năng lượng.

Có thể thấy rõ, việc sở hữu các sản phẩm gia dụng tối tân chủ yếu giúp giải quyết được vấn đề bề mặt - chính là việc nhà có tính chất lặp lại hàng ngày, không hoàn thành dứt điểm được (ví dụ bát rửa xong lại có bát bẩn từ bữa ăn khác) cũng như một phần các công việc mua sắm. Việc rút ngắn thời gian thực hiện cho những việc loại một và hai đồng nghĩa với việc tăng thêm thời gian cho loại thứ ba. Phụ nữ giờ đây chịu thêm áp lực vô hình là vì việc nhà đã được máy móc hỗ trợ nên việc chăm sóc con cái phải tốt hơn, nếu không họ sẽ bị đánh giá là sống sung sướng hơn, tiện nghi hơn nhưng/nên không chu toàn được như thế hệ những người bà, người mẹ đi trước.

Dr. Yolande Strengers, một nghiên cứu sinh tại Trung tâm nghiên cứu về đô thị, đại học RMIT, Úc cho biết, những món đồ công nghệ thâm nhập vào gia đình đã nâng tầm chuẩn mực sạch sẽ, đồng thời khiến phụ nữ được kỳ vọng sẽ quản lý việc nhà hiệu quả hơn và làm việc nhà năng suất hơn. Nghịch lý hơn cả, việc có thêm những máy móc nhiều chức năng này sinh ra thêm một công việc không tên cho những người sử dụng chính (chủ yếu vẫn là phụ nữ) phải học cách sử dụng chúng thuần thục, trong khi tìm hiểu về công nghệ chưa chắc đã là sở thích của giới nữ.

 

Như vậy, chúng ta không tháo gỡ được áp lực đè nặng trên vai phụ nữ mà chỉ đang đặt lên vai họ một loại áp lực khác. Do đó, điều quan trọng không phải tính năng sản phẩm tuyệt vời như thế nào, là cứu tinh cho phụ nữ ra sao, mà là những khuôn mẫu và định kiến xã hội cần phải được nhìn nhận và thay đổi. Sự thay đổi tiên quyết chính là phi giới tính hóa công việc chăm sóc nói chung và công việc nhà nói riêng.