09:47 28/05/2021

Thiệt đủ đường, OTA nội tính đường xuất ngoại

Trâm Anh

Cũng là đại lý du lịch trực tuyến (OTA) nhưng OTA nội địa thì oằn mình chịu 20% thuế thu nhập doanh nghiệp và 10% VAT còn OTA nước ngoài né được hai khoản thuế này. Thực tế trên khiến nhiều OTA nội địa tính đường ra nước ngoài đăng ký kinh doanh để né thuế...

Doanh nghiệp nội tính kế giành lại thị phần du lịch trực tuyến.
Doanh nghiệp nội tính kế giành lại thị phần du lịch trực tuyến.

Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trên thị trường du lịch trực tuyến (Online Travel Agent - OTA), các OTA trong nước chiếm thị phần vô cùng nhỏ và hầu hết đều chưa có lãi sau nhiều năm gia nhập thị trường.

Bởi vậy, các OTA thương hiệu toàn cầu như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Expedia.com đang chiếm tới 80% thị phần ở Việt Nam. Trong khi đó chỉ có trên 10 công ty Việt Nam kinh doanh du lịch trực tuyến như: Ivivu.com, Chudu24.com, Mytour.vn...

VỪA TRÁNH THUẾ, VỪA ÁP ĐẶT LUẬT CHƠI

Đây là nguyên nhân khiến các khách sạn ngày càng phụ thuộc nhiều vào đại lý du lịch trực tuyến trong việc kinh doanh phòng. Nhiều quản lý khách sạn Việt than phiền đang bị “hút máu” từ các OTA nước ngoài. Tại khách sạn Rex, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, hiện hơn 35% trong tổng doanh số bán phòng đến từ kinh doanh trực tuyến, trong đó kênh OTA chiếm hơn 40% doanh số.

Thậm chí, nhiều khách sạn cho biết tỷ lệ đặt phòng đến từ kênh OTA chiếm 50-60% trong cơ cấu doanh thu, dù muốn hay không họ vẫn đang bị phụ thuộc vào kênh này. Có đơn vị phải chịu trả đến 46% hoa hồng để được xuất hiện trên trang đầu tiên, còn bình thường dao động 15-20%, tuỳ mùa cao điểm hay thấp điểm.

Theo ông Đặng Thành Trung, đồng sáng lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ ezClound toàn cầu, việc kinh doanh phòng của các khách sạn ngày càng bị lệ thuộc vào đại lý, dẫn đến rủi ro khó tránh. Đầu tiên, chính sách giá và hoa hồng hoàn toàn do các kênh OTA nước ngoài quyết định. Khi có vấn đề liên quan đến khách hàng, trước đây các kênh OTA đứng ra xử lý, nhưng bây giờ đẩy cho khách sạn.

Thứ hai, không còn đơn giản là phí hoa hồng cao mà còn là chính sách giá, kỹ thuật, nếu OTA có trục trặc về kỹ thuật thì việc bán phòng của khách sạn cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Trung nhận xét: “Các khách sạn Việt Nam chưa được tư vấn về tính pháp lý, mà chỉ quan tâm đến việc kinh doanh. Nếu nảy sinh vấn đề, sẽ không có hợp đồng cụ thể để bảo vệ quyền lợi khách hàng”.

 

"Ở Việt Nam chưa có nền tảng OTA nào chuẩn, rất khó kể tên được OTA nào uy tín. Đa phần OTA Việt đều nửa vời, vừa kết hợp công nghệ, vừa chạy thủ công. Nếu booking OTA nước ngoài chỉ mất 3-5 phút, hoàn toàn chạy tự động, thì ở Việt Nam để lấy được một booking từ các kênh OTA phải mất một ngày".

Ông Đặng Thành Trung

Ngoài ra, các doanh nghiệp làm theo kiểu chớp cơ hội, lướt sóng, chỉ nghĩ làm sao bán được phòng, thu tiền, mà không quan tâm đến hạ tầng, quy trình nghiệp vụ, không quan tâm đến uy tín, xử lý vướng mắc với khách hàng khi có vấn đề xảy ra.

Hầu hết các đại lý du lịch bán đủ thứ, từ combo, bán kèm kết hợp với nhiều hình thức như phòng nghỉ, du lịch và các dịch vụ khác...; vì vậy, OTA Việt không có lợi thế trong cuộc chiến này.

Đại diện ezClound cho hay, chỉ khi làm chuẩn, tích hợp hệ thống khác nhau một cách dễ dàng, mới tăng được lượng khách hàng và doanh thu.

Ngoài thị phần thua thiệt, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cho biết thêm đang tồn tại sự bất bình đẳng về thuế giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành trong nước và các đại lý du lịch trực tuyến nước ngoài.

OTA NỘI ĐỊA THIỆT ĐƠN, THIỆT KÉP

Liên quan đến bất cập trên, Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng về việc trả lời các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, đặc biệt là bất cập về nghĩa vụ nộp thuế giữa các doanh nghiệp du lịch trong nước và các đại lý du lịch trực tuyến nước ngoài.

Pháp luật Việt Nam quy định áp dụng kê khai và nộp thuế đối với những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam... nhưng những đơn vị OTA nước ngoài không hoạt động theo luật Việt Nam, không đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, không có văn phòng đại diện tại Việt Nam thì không có cơ sở quy trách nhiệm kê khai và nộp thuế.

Ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, chỉ rõ: theo quy định tại Công văn 848/BTC-TCT ngày 18/01/2017 về chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của dịch vụ đặt phòng trực tuyến của Bộ Tài chính, những doanh nghiệp tại Việt Nam có hợp tác với các kênh OTA nước ngoài sẽ là bên thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Lúc này, nếu doanh nghiệp Việt Nam nâng giá phòng hoặc giá dịch vụ, thu thêm của khách (để bù đắp chi phí thuế) sẽ không được vì giá đã được niêm yết. Còn nếu khấu trừ theo đúng quy định sẽ đối diện với nguy cơ bị đối tác dừng hợp tác.

 

Hiện các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn đang phải phụ thuộc rất nhiều vào lượng khách đặt dịch vụ qua các OTA nước ngoài nổi tiếng nên đành phải “móc hầu bao” nộp thuế thay.

Đã vậy, còn thêm bất cập khác là sự khác nhau trong vấn đề xuất hóa đơn giữa OTA nội địa và OTA nước ngoài. Khi khách hàng đặt dịch vụ thông qua OTA nội địa, thì OTA nội địa sẽ xuất hóa đơn trực tiếp cho khách hàng, còn khách sạn sẽ xuất hóa đơn cho OTA nội địa. Chính vì vậy, ngoài việc đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, OTA nội địa phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng 10%.

Trong khi đó, khách hàng đặt dịch vụ thông qua OTA nước ngoài sẽ chỉ cung cấp hóa đơn xác nhận thanh toán chứ không xuất hóa đơn giá trị gia tăng tại Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp cho rằng bên cạnh việc không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, OTA nước ngoài cũng không phải nộp thuế giá trị gia tăng 10%.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, thực tế này dẫn đến tình trạng các OTA nội địa do không thể cạnh tranh về giá với các OTA nước ngoài nên một số OTA nội địa lên kế hoạch chuyển sang đăng ký kinh doanh tại các quốc gia như Singapore để tránh nghĩa vụ nộp thuế, nhằm cạnh tranh OTA nước ngoài.

Trả lời thắc mắc này, dẫn các quy định pháp luật tại Luật Quản lý thuế, Thông tư 105 của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính cho rằng chính sách thuế hiện hành không có quy định phân biệt về thuế đối với đại lý du lịch trực tuyến Việt Nam hay nước ngoài.

Bộ Tài chính cho rằng, để đảm bảo nghĩa vụ thuế của các đại lý du lịch trực tuyến nước ngoài nói riêng và các cá nhân, tổ chức hoạt động thương mại điện tử nói chung, hiện nay Luật Quản lý thuế 2019 và các văn bản hướng dẫn đã quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức tín dụng phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý thuế đối với các hoạt động này. Đồng thời, cũng đã hướng dẫn các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế.

Theo đó, đại lý du lịch trực tuyến nước ngoài không có cơ sở thường trú ở Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam được xác định là nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam có trách nhiệm đăng ký thuế trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.

Qua tìm hiểu của phóng viên VnEconomy, Bộ Tài chính đang triển khai xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế và Nghị định 126. Dự thảo dự kiến hướng dẫn cụ thể thủ tục đăng ký thuế, khai, nộp thuế của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác có phát sinh thu nhập tại Việt Nam...

Dự thảo được xây dựng trên cơ sở quy định tại Luật Quản lý thuế và các luật về chính sách thuế đảm bảo phù hợp với mô hình kinh doanh của các tổ chức nước ngoài, phù hợp với thông lệ quốc tế và nhằm hạn chế việc tránh và trốn thuế.

 
Ông Đặng Thành Trung, CIO,Đồng sáng lập Công ty Công nghệ ezClound Toàn cầu
Ông Đặng Thành Trung, CIO,
Đồng sáng lập Công ty Công nghệ ezClound Toàn cầu

Thu thuế cần phải đảm bảo công bằng, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển tốt nhất, chứ không thể bất cập như hiện nay. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, lĩnh vực du lịch gặp rất nhiều khó khăn. Năm đầu có thể cầm cự, nhưng bước sang năm Covid thứ hai, lĩnh vực này chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp tê liệt, khách sạn phải rao bán, cắt giảm nhân sự. Là một nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, ezClound chịu ảnh hưởng bởi làn sóng F2, sau chủ khách sạn và các đơn vị kinh doanh lữ hành, nhưng doanh thu tụt dốc thẳng đứng, giảm 50% so với năm ngoái”.