13:54 18/05/2022

Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh tại tỉnh Lâm Đồng

Chương Phượng

Dự án “Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam” được triển khai trong 3 năm tại tỉnh Lâm Đồng. Dự án được thiết kế với 3 hợp phần: Xây dựng trang trại thông minh từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ; Phát triển hệ thống phần mềm điều hành, giám sát canh tác, phân tích dữ liệu hỗ trợ ra quyết định; Xây dựng chiến lược tổng thể quốc gia về nông nghiệp thông minh…

Lễ khởi động dự án chuỗi giá trị nông sản thông minh
Lễ khởi động dự án chuỗi giá trị nông sản thông minh

Ngày 17/5/2022 tại Đà Lạt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức lễ khởi động Dự án “Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam”.

Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Hàn Quốc Hong Kiok, Giám đốc Chương trình nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam Hyun Jong Nea.

CHUYỂN GIAO MÔ HÌNH TRANG TRẠI TỪ HÀN QUỐC

Tại buổi lễ, ông Ngô Thế Hiên, Giám đốc Trung tâm Tin học và Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Dự án “Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cục Đào tạo, Xúc tiến và Dịch vụ Thông tin về Lương thực, Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản - Bộ Nông nghiệp, thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc và đối tác phía Việt Nam là Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

"Dự án “Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại với kinh phí 3,5 tỷ Won, tương đương với hơn 2,8 triệu USD". 

Ông Ngô Thế Hiên, Giám đốc Trung tâm Tin học và Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Dự án được triển khai tại Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa (PVFC) - Đà Lạt, Lâm Đồng và xử lý cơ sở dữ liệu lớn tại Trung tâm Tin học và Thống kê từ nguồn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc với thời gian thực hiện là 3 năm từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2024.

Mục tiêu của Dự án là cung cấp thực phẩm chất lượng cao và an toàn cho người tiêu dùng, tăng năng suất và thu nhập cho nông dân thông qua ứng dụng mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh theo chuỗi giá trị nông sản.

Dự án được triển khai 3 hợp phần. Ở hợp phần một, sẽ xây dựng trang trại thông minh từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ đối với 3 loại sản phẩm dâu tây, cà chua cherry, ớt ngọt với hệ thống 16 nhà kính, kho lạnh, cửa hàng. Qua đó, Dự án chuyển giao và áp dụng các kỹ thuật tiên tiến theo mô hình trang trại thông minh của Hàn Quốc phù hợp với điều kiện tại Việt Nam. 

Hợp phần 2 hướng tới phát triển hệ thống phần mềm điều hành, giám sát canh tác, phân tích dữ liệu hỗ trợ ra quyết định. Từ kết quả của dự án, hợp phần 3 sẽ hỗ trợ xây dựng chiến lược tổng thể quốc gia về nông nghiệp thông minh. 

Ông Ngô Thế Hiên cho rằng, với các mục tiêu đã được đặt ra cùng với sự triển khai hết sức khẩn trương, tích cực của các bên, Dự án sẽ sớm tạo ra một mô hình sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch điển hình, có khả năng cạnh tranh cao, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân và là mô hình chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực trồng trọt để nhân ra diện rộng.

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN THÔNG MINH

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hàn Quốc đã nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược và đã có sự phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục và nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Theo ông Tiến, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, năm 2021, nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng 2,9%.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại sự kiện
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại sự kiện

Ngoài đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân,  kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2021 cũng đạt cao kỷ lục với 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020, vượt xa chỉ tiêu 42 tỷ USD do Chính phủ giao.

 

"Cách mạng công nghiệp 4.0 đã biến nông nghiệp không còn là một ngành sản xuất nông sản thuần túy. Bởi lẽ, những ứng dụng công nghệ thông tin (như IOT, Big data, Blockchains…) trong nông nghiệp có thể giúp bón phân cho cây trồng đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng quy cách… từ đó có thể tiết kiệm chi phí, dự báo chính xác cho mùa màng…, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm. Tất cả đều được nằm trong giải pháp của nông nghiệp thông minh (smart-farm)".

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Tiến đánh giá, để đạt được thành công như trên, ngoài sự nỗ lực phấn đấu, ngành nông nghiệp đã nhận được nhiều sự hợp tác, giúp đỡ rất thiết thực của các bạn bè quốc tế, trong đó có sự giúp đỡ và hỗ trợ hiệu quả của Hàn Quốc, thông qua các chương trình dự án tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ, đầu tư và trao đổi thương mại nông lâm thủy sản. 

Mô hình sản xuất thông minh do Hàn Quốc chuyển giao sẽ tập trung khắc phục những điểm hạn chế chính trong toàn bộ chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đưa nông sản trực tiếp đến người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

"Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra một mô hình sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch điển hình, có khả năng cạnh tranh cao, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng tin tưởng rằng với sự nỗ lực, quyết tâm của các bên liên quan, sự phối hợp chặt chẽ của UBND tỉnh Lâm Đồng, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Cục Đào tạo, Xúc tiến, và Dịch vụ thông tin lương thực, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Hàn Quốc, dự án sẽ thành công tốt đẹp, xây dựng được mô hình trồng trọt thông minh và hiện đại, là cơ sở cho việc nhân rộng mô hình cho lĩnh vực trồng trọt, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.