18:04 20/04/2023

Thiếu quỹ đất cho ngành chăn nuôi, ba Hiệp hội cùng đệ đơn kiến nghị

Chương Phượng

Đất nông nghiệp ở Việt Nam rất lớn, thế nhưng chỉ có đất cho trồng trọt, lâm nghiệp và thủy sản, mà chưa quy hoạch đất riêng cho chăn nuôi. Nếu Luật đất đai không có quy định rõ ràng về đất chăn nuôi, thì sẽ không thể có đất cho việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực cấm chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi và Luật Môi trường…

Không gian chăn nuôi của Việt Nam ngày càng thu hẹp và điều kiện chăn nuôi ngày càng khắt khe.
Không gian chăn nuôi của Việt Nam ngày càng thu hẹp và điều kiện chăn nuôi ngày càng khắt khe.

Ba Hiệp hội chăn nuôi lớn, gồm: Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, kiến nghị xem xét bổ sung danh mục đất cho chăn nuôi vào Luật Đất đai sửa đổi, rà soát lại các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi cho phù hợp với thực tiễn…

NGÀNH CHĂN NUÔI “LÉP VẾ” TRONG VẤN ĐỀ ĐẤT ĐAI

Trong công văn, Ba hiệp hội đồng tình cho rằng chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng, không chỉ trong vấn đề an ninh dinh dưỡng mà còn là sinh kế của hàng chục triệu người nông dân.

Tuy nhiên, hiện nay sản xuất chăn nuôi trong nước đang xuất hiện rất nhiều bất cập và ngày càng khó khăn, nhiều hộ chăn nuôi và các doanh nghiệp đang bị thua lỗ triền miên, có nguy cơ phá sản hàng loạt trong thời gian tới.

Một trong những nguyên nhân có tác động trực tiếp đến hoạt động chăn nuôi, đó là không gian chăn nuôi của Việt Nam ngày càng thu hẹp và điều kiện chăn nuôi ngày càng khắt khe.

Công văn của 3 hiệp hội chăn nuôi.
Công văn của 3 hiệp hội chăn nuôi.

Theo kết quả điều tra thống kê năm 2020, tổng diện tích đất nông lâm ngư nghiệp cả nước là 27.983.482 ha, Trong đó, đất trồng trọt 11.718.391 ha, đất lâm nghiệp 15.404.790 ha, đất nuôi trồng thủy sản 786.184 ha, đất làm muối 15.586 ha và đất nông nghiệp khác 58.532 ha.

Trong khi các nước trên thế giới đều dành một tỷ trọng rất lớn đất cho chăn nuôi; nhất là các nước châu Âu, thường đất đồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi luôn chiếm từ 50-70 % diện tích đất nông nghiệp, cá biệt như Ireland có tới trên 90% diện tích đất nông nghiệp là đồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi...

Chủ tịch của 3 hiệp hội chăn nuôi lớn nêu trên của Việt Nam kiến nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét bổ sung danh mục đất cho chăn nuôi vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Lý do của kiến nghị này, theo đại diện 3 hiệp hội, hiện nay, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đang chiếm khoảng 24% trong toàn bộ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong khi lại không có quỹ đất rõ ràng cho chăn nuôi.

Bên cạnh đó, đại diện 3 hiệp hội cho biết quỹ đất cho nhu cầu di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi (bao gồm: khu dân cư, nội thành, nội thị, khu công cộng, du lịch... theo quy định của Luật Chăn nuôi), hạn cuối cùng phải thực thi là ngày 01/01/2025 là rất lớn, đây đang được xem là "cuộc đại di dời trong sản xuất nông nghiệp" của nước ta.

 

"Nếu không có quy định rõ ràng, thì trên thực tế các địa phương và ngành chăn nuôi sẽ không thể xử lý được những bất cập về đất đai, mặt bằng cho nhu cầu xây dựng chuồng trại, mở rộng sản xuất và hoàn thành việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực cấm chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi và Luật Môi trường..."

Theo Công văn của Ba hiệp hội ngành chăn nuôi.

Lấy ví dụ từ tỉnh Đồng Nai, đại diện 3 hiệp hội cho biết theo Quyết định số 296, ngày 24/02/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, số cơ sở chăn nuôi phải di dời của tỉnh này tính đến ngày 01/01/2025 là 3.006 cơ sở. Nếu tính mức tối thiểu diện tích trung bình cho 1 cơ sở chăn nuôi trang trại nhỏ và vừa hiện nay dao động từ 1,0-5,0 ha, thì Đồng Nai phải cần từ 3.000 - 15.000 ha đất lõi để xây dựng chuồng trại (chưa tính đến không gian, đảm bảo có khoảng cách tối thiểu cho vấn đề kiểm soát môi trường, dịch bệnh theo quy định hiện hành).

"Hiện nay, tỉnh Đồng Nai và các cơ sở chăn nuôi buộc phải di dời đang gặp phải khó khăn lớn nhất đó là đất đai và mặt bằng phải đáp ứng được với yêu cầu đủ điều kiện chăn nuôi. Như vậy, nếu tính đủ nhu cầu đất đai cho việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực cấm chăn nuôi trên phạm vi cả nước từ nay đến năm 2025 sẽ cần đến hàng trăm ngàn hecta", văn bản nêu rõ.

Do vậy, đại diện 3 hiệp hội kiến nghị cần đưa vào phần giải thích từ ngữ của Luật Đất đai khái niệm làm rõ đất cho chăn nuôi tập trung để các địa phương áp dụng trong quy hoạch, vì chăn nuôi tập trung có tính đặc thù cao: "Là đất nông nghiệp, có thể xây dựng được chuồng trại lâu dài, đảm bảo yêu cầu vệ sinh phòng bệnh cho con người, vật nuôi và môi trường sinh thái...".

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CHĂN NUÔI

Đối với việc đánh giá tác động môi trường đối với cơ sở chăn nuôi, các hiệp hội chăn nuôi cho rằng việc đánh giá tác động môi trường của các cơ sở chăn nuôi là việc làm rất cần thiết, nhằm hạn chế tác động của hoạt động chăn nuôi đến môi trường, nhất là Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, mà chăn nuôi là một trong những lĩnh vực gây tác động đáng kể đến vấn đề này, nên không thể không kiểm soát.

 

"Việc đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi do cơ quan cấp Bộ đánh giá hiện nay đang gây khó khăn cho cả cơ quan đánh giá và người chăn nuôi, vì số lượng các cơ sở chăn nuôi trên toàn quốc là rất lớn, do đó Bộ nên phân cấp việc này về cho các cơ quan chức năng quản lý môi trường ở địa phương".

Theo công văn kiến nghị của Ba hiệp hội ngành chăn nuôi.

Tuy nhiên, việc rà soát lại các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi, thực sự phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tiễn Việt Nam, đảm bảo tính khả thi để người chăn nuôi thực hiện nghiêm túc sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn rất nhiều so với việc đưa ra những quy định quá cao mà người chăn nuôi không thể làm hoặc làm quá tốn kém, khi đó họ sẽ đối phó, càng làm cho công tác kiểm soát môi trường trở nên phức tạp và dễ phát sinh các tiêu cực.

Theo phản ánh của người chăn nuôi, hiện nay thời gian đánh giá công nhận cho một cơ sở chăn nuôi trang trại đủ điều kiện sản xuất thường phải kéo dài hàng năm (trung bình là 1-2 năm), với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng. Mỗi năm có tới hàng trăm cơ sở đăng ký mới, chưa kể các cơ sở phải đánh giá lại, hơn nữa các cơ sở chăn nuôi thường hay ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng cao...

“So với các ngành kinh tế khác trong hội nhập, ngành chăn nuôi là ngành chịu nhiều tác động rủi ro hơn và việc xử lý môi trường cũng tốn kém hơn, do vậy Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ đặc thù về vấn đề kiểm soát môi trường cho lĩnh vực chăn nuôi, giúp người chăn nuôi giảm thiểu khó khăn để đầu tư khôi phục, phát triển sản xuất”, các hiệp hội chăn nuôi kiến nghị.