14:06 19/06/2008

“Thiếu USD, mới bất đắc dĩ phải xuất phôi thép”

Xuân Hương

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đưa ra giải pháp trước nguy cơ thiếu hụt nguồn dự trữ phôi thép trong nước

Theo ông Phạm Chí Cường, hiện mức chênh lệch giá giữa giá nguyên liệu với giá thành phẩm thép đã lên tới gần 2.500 USD
Theo ông Phạm Chí Cường, hiện mức chênh lệch giá giữa giá nguyên liệu với giá thành phẩm thép đã lên tới gần 2.500 USD
Cách đây nửa tháng, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - vẫn lạc quan cho rằng việc xuất ngược phôi chỉ là biện pháp tình thế của doanh nghiệp sản xuất thép.

>>“Nếu được tăng, giá thép nên tăng từ từ”

Nhưng hôm nay, khi trao đổi với phóng viên VnEconomy, ông đã không giấu nổi sự "xót ruột":

- Dự trữ phôi cho sản xuất tính đến ngày 31/5 chỉ có 550.000 tấn. Trong khi đó, nếu trong tháng 4/2008, các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu 7.200 tấn phôi thì con số này đã tăng vọt trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, cụ thể: tháng 5 xuất tới 67.000 tấn, và chỉ 10 ngày đầu tháng 6 đã là 37.000 tấn.

Chúng ta vẫn phải nhập khẩu tới 50% nhu cầu phôi, 100% nhu cầu cuộn cán nóng, cán nguội. Và theo tôi được biết, các nhà sản xuất ống thép có tồn kho nguyên vật liệu khá mỏng, và có khả năng tháng 7 hoặc tháng 8 sẽ thiếu nguyên liệu để sản xuất ống thép.

Tôi làm trong ngành thép tới vài chục năm, nhìn mà thấy xót ruột. Tôi lo lắng nếu các cơ quan chức năng không có các biện pháp kịp thời thì chỉ hơn chục ngày nữa, sẽ hết phôi dự trữ cho sản xuất. Và lúc đó không biết ngành thép trong nước sẽ như thế nào?

Tôi đang làm công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, nhưng tôi sẽ gửi qua e-mail ngay ngày hôm nay cho các cơ quan kịp xử lý.

Được biết trong cuộc họp gần đây giữa Bộ Công Thương với các bên liên quan xung quanh vấn đề xuất khẩu phôi thép, các cơ quan quản lý đã đưa ra những giải pháp cho vấn đề này. Ông có thể cho biết đó là những giải pháp nào?

Có ba giải pháp được các bên đề xuất: một là đánh thuế rất cao, thậm chí lên tới 20-40% (trong vòng 6 tháng). Thứ hai là cấm xuất.

Tuy nhiên, đây là hai giải pháp trái với tiến trình hội nhập. Trong tiến trình này, người ta tìm mọi biện pháp giảm thuế, không can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính trừ trường hợp khẩn cấp. Nếu vẫn phải thực hiện, đây là hai giải pháp không hay ho gì, thậm chí gây cho doanh nghiệp không còn đường thoát đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Hiện mức chênh lệch giá giữa giá nguyên liệu với giá thành phẩm thép đã lên tới gần 2.500 USD. Bởi vậy, ở cương vị là người đại diện cho các doanh nghiệp thép, tôi đã đề xuất giải pháp thứ ba là cho tăng giá thép gần với giá nguyên liệu, đồng thời đề nghị ngân hàng có biện pháp cho doanh nghiệp được mua USD đúng với tỷ giá liên ngân hàng đã công bố.

Trong khi đó, các ngân hàng đã bắt đầu ngừng giải ngân hạn mức tín dụng, ngừng việc mở L/C nhập khẩu hoặc yêu cầu doanh nghiệp nhận nợ các khoản thanh toán L/C nhập khẩu bằng VND với lãi suất cao gần gấp đôi so với nhận nợ bằng USD, trong lúc tỷ giá ngoại tệ cũng tăng đột biến.

Chưa kể doanh nghiệp phải mua USD với giá chợ đen. Thực tế, xuất ngược phôi cũng chỉ là giải pháp bất đắc dĩ mà doanh nghiệp phải làm để có USD trả lãi ngân hàng, để thanh toán các hợp đồng với đối tác.

Vì vậy, tôi cho rằng vấn đề giá thép phải được giải quyết trước, đi cùng là vấn đề tỷ giá cũng phải được giải quyết đồng bộ. Khi hai vấn đề này được giải quyết thì khó khăn không chỉ của các công ty sản xuất thép mà của cả các công ty xây dựng cũng không còn, cầu được kích.

Và như vậy thì không cần cấm, doanh nghiệp cũng tự động mang phôi về sản xuất trong nước.

Từ đầu tháng 3 tới giờ hầu hết các doanh nghiệp không ký thêm hợp đồng nhập phôi vì lo bị lỗ. Có nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp không thể lấy giá phôi đã nhập từ quý 1 mang ra so sánh với giá của quý 2 và kêu lỗ. Và trên thực tế, doanh nghiệp vẫn lãi?

Tôi đồng ý là có lãi nhưng cái lãi đó chỉ mang tính tượng trưng. Ý kiến trên tôi cho là không có tính thực tế.

Nếu anh buôn một chuyến thì có thể nói là anh lãi. Nhưng trong sản xuất thì thời điểm này anh có thể lãi 500 tỷ, nhưng không ít trường hợp chỉ tháng sau số lãi có thể về con số 0 hoặc bị âm.

Cách tính lãi phải là lấy giá trung bình giá phôi cộng giá bán cả năm. Và lãi hay không là nằm trong tổng kết tài chính cuối năm.

Báo giá từ các nhà phân phối cho thấy, trong mấy ngày vừa qua nhiều công ty đồng loạt công bố tăng giá bán thép từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn; trong đó không ít công ty là thành viên của Hiệp hội Thép?


Một số doanh nghiệp liên doanh và cổ phẩn do không chịu được sức ép nên đã tăng giá bán thép từ cuối tháng 5, đầu tháng 6. Cụ thể một số công ty như Pomina, Vinakyoei đã điều chỉnh tăng từ 250.000 - 350.000 đồng/tấn.

Hiện giá bán ở phía Nam cao hơn phía Bắc nhưng không đáng kể. Giá bán của doanh nghiệp Nhà nước đang thấp hơn giá "bên ngoài" tới gần 2 triệu đồng/tấn.