08:54 19/08/2024

Thời trang cạnh tranh trong cuộc đua công nghệ

Minh Nguyệt

Màn “bắt tay” giữa thời trang và công nghệ giờ đây không chỉ dừng lại trong các show diễn trực tuyến hay người mẫu ảo, mùa mốt Thu - Đông 2024 đang đem đến nhiều sự hợp tác phát triển thú vị đáng kinh ngạc giữa hai lĩnh vực này...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại Tuần lễ thời trang London 2024, công chúng đã được chiêm ngưỡng một loạt trang phục do AI tạo ra. Những người trong ngành bày tỏ sự lạc quan về những gì công nghệ có thể làm cho lĩnh vực này, từ dự đoán xu hướng cải tiến vật liệu và rút ngắn con đường từ bàn thiết kế đến sàn diễn, đến đưa sản phẩm ra cửa hàng. Năm 2023, AI trên thị trường thời trang toàn thế giới đạt giá trị xấp xỉ 795,7 triệu USD và được dự báo sẽ đạt 23.936,3 triệu USD vào năm 2033, phản ánh tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 40,55%.

CÔNG NGHỆ MỚI GIÚP TĂNG SỨC CẠNH TRANH

Trước mắt, ngành công nghiệp thời trang đang nhanh chóng thích nghi với công nghệ AI tiên tiến để dự đoán xu hướng một cách chính xác và hiệu quả hơn nhờ khả năng phân tích lượng lớn dữ liệu trong một khoảng thời gian ngắn. Dữ liệu được thu thập từ các trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử, các buổi trình diễn thời trang… Xác định sớm xu hướng sẽ giúp các công ty có thể tung ra những sản phẩm thương hiệu của mình nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh, do đó giành được thị phần và cải thiện lợi nhuận.

Trong khâu sản xuất, công nghệ cũng đóng vai trò chủ đạo. Bằng cách xác định chính xác loại nguyên liệu và số lượng cần thiết, AI giúp hạn chế tối đa phế liệu vải. Nó cũng có thể tạo ra những bộ trang phục theo yêu cầu nhờ công nghệ mô hình hóa 3D. Những bộ trang phục này sau đó được bình chọn và chỉ những bộ nhận được sự ủng hộ cao nhất mới được sản xuất để hạn chế dư thừa. Theo báo cáo “The state of fashion” của McKinsey, 25% trong số những sản phẩm thời trang sản xuất ra thường không bán được và 40% không được bán nguyên giá.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, ngành thời trang đã chứng kiến sự chuyển đổi sâu sắc nhờ sự tích hợp công nghệ vào cải tiến vải và vật liệu. Thương thiệu On mới đây đã công bố mẫu giày thể thao mới nhất dành cho Olympic Paris mang tên Cloudboom Strike LS. Mẫu giày được sản xuất bằng cách sử dụng cánh tay robot phun nhựa nhiệt dẻo có thể tái chế, tạo ra phần trên của giày siêu nhẹ và liền khối. Sau đó, phần trên này được gắn vào đế giày bằng công nghệ kết nối nhiệt, một quy trình chỉ mất ba phút từ đầu đến cuối. Đây là sản phẩm nhẹ nhất của On từ trước đến nay với trọng lượng 170g cho phiên bản nam và 158g cho phiên bản nữ.

Bằng cách xác định chính xác loại nguyên liệu và số lượng cần thiết, AI giúp hạn chế tối đa phế liệu vải.
Bằng cách xác định chính xác loại nguyên liệu và số lượng cần thiết, AI giúp hạn chế tối đa phế liệu vải.

Mặc dù sự phát triển mới nhất này không liên quan trực tiếp đến Web3, nhưng nó chứng minh sự gia tăng của các thương hiệu chính thống áp dụng công nghệ mới nổi để tăng cường lợi thế cạnh tranh của họ. Trong khi đó, nhà mốt Tây Ban Nha Balenciaga ra mắt ứng dụng mới dành riêng cho tai nghe, cho phép người đeo xem các chương trình trình diễn thời trang, khám phá chi tiết các bộ sưu tập. Thương hiệu cũng đã công bố kế hoạch tăng cường các tiện ích khác, bao gồm cả việc cho phép khách hàng mua sắm các sản phẩm có sẵn trực tiếp từ trải nghiệm trên.

Thương hiệu nổi tiếng của Ralph Lauren – Polo Ralph Lauren – đã hợp tác với Snap để tạo ra một bộ lọc tương tác mới dựa trên các miếng vá của nhãn hiệu. Còn Cult Gaia – thương hiệu Los Angeles nổi tiếng với các sản phẩm túi xách, đã ra mắt chương trình membership Web3 hợp tác với nền tảng Try Your Best. Để chào mừng sự ra mắt, 2.500 vật phẩm NFT đã được cung cấp cho khách hàng của thương hiệu. Các vật phẩm NFT đóng vai trò như một tấm vé giúp mở khóa quyền truy cập độc quyền vào nội dung, thử thách, sự kiện và phần thưởng.

Không chỉ các thương hiệu cao cấp, một số nhà bán lẻ thời trang nhanh cũng đã sử dụng công nghệ để cải thiện hoạt động kinh doanh của mình. Nhờ tích hợp AI vào quy trình vận hành, Zara có thể kiểm tra dữ liệu từ phản hồi của khách hàng và kết quả bán hàng. H&M sử dụng AI để dự đoán nhu cầu và giảm thiểu số lượng quần áo tồn kho bằng cách phân tích kiểu dáng và kích cỡ nào có khả năng bán chạy nhất. Stitch Fix cung cấp giải pháp thời trang cá nhân hóa dựa trên sở thích và kinh nghiệm của khách hàng, giúp tăng tỷ lệ hài lòng và giảm tỷ lệ hoàn trả hàng...

Thực tế, 89% công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau đang tích cực ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, ngành thời trang cũng không là ngoại lệ. McKinsey & Company ước tính AI tạo sinh có thể tăng lợi nhuận lên tới 275 tỷ USD cho ngành may mặc, thời trang và hàng xa xỉ trong vòng 3 -5 năm tới. Báo cáo của BoF cũng ước tính, AI tạo sinh có thể tăng năng suất tiếp thị từ 5 - 15% trong tổng chi tiêu tiếp thị. 1/4 giá trị tiềm năng của thế hệ AI trong thời trang có thể được thúc đẩy bởi các trường hợp sử dụng trong thiết kế và phát triển sản phẩm...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 34-2024 phát hành ngày 19/8/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thời trang cạnh tranh trong cuộc đua công nghệ - Ảnh 1