15:02 08/10/2024

Thời trang Việt: Từ cạnh tranh trên sân nhà đến xuất khẩu 100 tỷ USD

Minh Nguyệt

Việt Nam đã tích cực mở rộng quan hệ thương mại quốc tế, tuy nhiên, các doanh nghiệp thời trang trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về xuất xứ hàng hóa và tính bền vững của chuỗi cung ứng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm khẳng định, ngành dệt may Việt Nam phải “đi bằng hai chân”, vừa đẩy mạnh xuất khẩu, vừa phục vụ thị trường trong nước. Với dân số 100 triệu người và thu nhập của người dân ngày càng tăng, nếu khoảng 15% thu nhập của mỗi người dân dành cho tiêu dùng thì dung lượng của thị trường nội địa sẽ đạt khoảng 7 tỷ USD vào năm 2025. 

KHÔNG “LÉP VẾ” Ở THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, thị trường thời trang Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu thời trang ngoại nhập. Theo thống kê, hiện tại có hơn 200 thương hiệu thời trang quốc tế nổi tiếng như Chanel, Zara, H&M, và Uniqlo,... đã có mặt và không ngừng mở rộng hệ thống phân phối tại Việt Nam.

Tháng 8 vừa qua, nhãn hàng thời trang Uniqlo (Nhật Bản) đã mở thêm 2 cửa hàng mới tại các trung tâm thương mại Vincom Plaza Imperia (Hải Phòng) và Parc Mall (TP.HCM) nâng tổng số cửa hàng bán lẻ tại thị trường Việt Nam lên 26 cửa hàng sau gần 5 năm vận hành. Còn thương hiệu H&M sau khi ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2017 đến nay đã có mặt tại 5 tỉnh, thành phố khắp cả nước với 13 cửa hàng. Mới đây, thương hiệu này chính thức ra mắt cửa hàng trực tuyến hm.com tại thị trường Việt Nam với sản phẩm dành cho mọi đối tượng khách hàng. 

Thị trường thời trang Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu thời trang ngoại nhập.
Thị trường thời trang Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu thời trang ngoại nhập.

Các công ty xa xỉ như Dior, Louis Vuitton, Tiffany & Co và Berluti năm ngoái đã mở cửa hàng tại Việt Nam, trong khi nhiều thương hiệu thời trang châu Âu hợp tác với các công ty bản địa như DAFC – nhà phân phối chính của các thương hiệu cao cấp trong nước. Một số thương hiệu khác như Mango, CK, và Nike,... cũng đã không ngừng tăng cường hiện diện của mình, mở rộng cửa hàng và các chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ, qua đó tạo nên cuộc cạnh tranh gay gắt.

Do đó, song song với nỗ lực vươn ra thế giới, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện đang tập trung vào thị trường nội địa với nhiều chiến lược phát triển mới. Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt cho biết, bên cạnh thương hiệu truyền thống Grus đã gắn liền với thị trường trong nước hơn 30 năm qua, May 10 còn phát triển nhiều dòng sản phẩm tại thị trường nội địa như: May 10 Expert, May 10 Series, May 10 Classic, May10 Classic Suit… Tất cả những sản phẩm dành cho người tiêu dùng trong nước đều được kiểm tra chặt chẽ, thậm chí hơn hàng xuất khẩu.

Tương tự, từ đầu năm đến nay, Tổng công ty Đức Giang cũng liên tục mở mới các cửa hàng giới thiệu sản phẩm thuộc thương hiệu thời trang HeraDG, S.PEARL. Tổng Giám đốc Tổng công ty Đức Giang Phạm Tiến Lâm cho hay, công ty coi phát triển thị trường nội địa là một trong những chiến lược quan trọng. Trong điều kiện thị trường bán lẻ cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc Tổng công ty Đức Giang tiếp tục giới thiệu đến khách hàng trong nước không gian mua sắm mới là minh chứng cho việc phát triển thị trường nội địa bằng những sản phẩm thời trang chất lượng.

Nhiều nhãn hàng Việt Nam khác như: Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, Tổng công ty May Nhà Bè - CTCP, Tổng công ty cổ phần Dệt May Hòa Thọ… cũng đã liên tục mở rộng điểm bán tại thị trường nội địa. Chất lượng sản phẩm gắn với xu hướng xanh và tiêu dùng tiện ích đang được các doanh nghiệp phát huy nhằm nỗ lực thúc đẩy ưu tiên “người Việt dùng hàng Việt”.

Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang tập trung vào thị trường nội địa với nhiều chiến lược phát triển mới.
Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang tập trung vào thị trường nội địa với nhiều chiến lược phát triển mới.

ĐẢM BẢO NGUỒN NGUYÊN LIỆU ĐỊA PHƯƠNG

Việt Nam hiện trở thành nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Trong khi đó, ngành dệt may Việt Nam đang tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển đơn hàng toàn cầu. Nhờ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), các doanh nghiệp đã chủ động mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, và cuối cùng là gia tăng quy mô xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), thách thức lớn đang hiện hữu liên quan đến phát triển xanh, phát triển bền vững, đặc biệt yêu cầu minh bạch và tự chủ nguyên liệu sản xuất đầu vào nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu, tận dụng tốt hơn lợi thế từ các FTA. 

Chưa thực sự tự chủ nguồn nguyên phụ liệu đã và đang là điểm yếu không nhỏ đối với dệt may Việt Nam. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, chỉ khi chủ động được nguyên phụ liệu trong nước mới có thể nói tới phát triển công nghiệp thời trang. Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ ban hành từ cuối năm 2022 có đề cập câu chuyện phát triển nguyên phụ liệu, song đến nay chưa đi vào thực tiễn đời sống.

“Chúng ta đang làm thời trang trên nguyên liệu của người khác. Ngành công nghiệp sản xuất vải của Việt Nam đang không bắt kịp với xu thế ngành công nghiệp thời trang thế giới, nên chúng ta phải nhập khẩu phục vụ sản xuất. Muốn làm thương hiệu phải có cái gốc là nguyên liệu, hay nói cách khác, nếu không có nguyên liệu không thể làm được thương hiệu. Muốn khắc phục điều này cần có một chiến lược rõ ràng từ Trung ương tới địa phương”, ông Giang quả quyết.

Tại Hội thảo quốc tế “Hiệp định CPTPP: Tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với các đối tác châu Mỹ” diễn ra mới đây, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO), đã nhấn mạnh rằng việc đảm bảo nguồn nguyên liệu địa phương, chiếm 65% chi phí sản phẩm, là rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của ngành. Để đạt được mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2030, xuất khẩu thời trang Việt Nam cần phải tự cung tự cấp trong việc tìm kiếm nguyên liệu.

Chỉ khi chủ động được nguyên phụ liệu trong nước mới có thể nói tới phát triển công nghiệp thời trang.
Chỉ khi chủ động được nguyên phụ liệu trong nước mới có thể nói tới phát triển công nghiệp thời trang.

Để hiện thực hóa tham vọng này, một Trung tâm Giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang mới đang được xây dựng. LEFASO đã đề xuất dự án này với mục tiêu củng cố chuỗi cung ứng nội địa và giảm sự phụ thuộc của đất nước vào nguyên liệu nhập khẩu, giúp nguồn cung nguyên phụ liệu được minh bạch hơn. Đại diện LEFASO khuyến nghị, việc này cần có sự tham gia của nhiều bên, và đặc biệt là chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong việc tạo thuận lợi về các thủ tục, chính sách liên quan tới kho vận, nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu…

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất giải pháp, kiến nghị cụ thể về chính sách, điều kiện môi trường, vốn đầu tư… để sớm hình thành trung tâm. Rất mong những người có kinh nghiệm hỗ trợ tư vấn thêm cho chúng tôi”, bà Xuân nói. Dự kiến, Trung tâm giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang sẽ được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa, thu hút sự tham gia của các nhà cung ứng sản phẩm nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất dệt may, da giày trong nước và nước ngoài.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là đề xuất mang tính chiến lược, có vai trò rất quan trọng trong việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguồn nguyên liệu, nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng Việt.