09:15 02/11/2022

Thống đốc giải trình về các quy định có yếu tố định tính trong Luật Phòng, chống rửa tiền

Dấu hiệu giao dịch đáng ngờ là định tính và chỉ là bước khởi đầu phát hiện ra có một dấu hiệu đáng ngờ, dấu hiệu cảnh báo ban đầu...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 1/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Theo Thống đốc, một trong những nhóm vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều trong thảo luận liên quan đến nội dung “dấu hiệu đáng ngờ” và “báo cáo giao dịch đáng ngờ”,

Về vấn đề này, dấu hiệu đáng ngờ chủ yếu mang tính định tính và đây cũng là cách cơ quan soạn thảo tổng hợp từ kinh nghiệm cũng như tính phổ biến tại nhiều quốc gia áp dụng hiện nay, trên cơ sở có cân nhắc những đặc thù về các hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm… của Việt Nam.

“Dấu hiệu giao dịch đáng ngờ là định tính và chỉ là bước khởi đầu phát hiện ra có một dấu hiệu đáng ngờ, dấu hiệu cảnh báo ban đầu. Sau đó, các đối tượng báo cáo, các chủ thể báo cáo sẽ phải tiến hành thu thập thông tin để xem xét xem rằng liệu dấu hiệu này có thực sự theo đánh giá của đối tượng báo cáo xem có nghi ngờ hay không? Họ sẽ phải đánh giá xem là lịch sử giao dịch của khách hàng này ra sao hay đối chiếu lại với thông tin khi mà khách hàng đến tổ chức này để thực hiện giao dịch. Tức là thông tin xác thực khách hàng và kiểm tra đánh giá xem giao dịch này nó có phù hợp với hoạt động kinh doanh của chủ thể thực hiện giao dịch này hay không”, Thống đốc nhấn mạnh.

Khi các chủ thể đối tượng báo cáo thấy nghi ngờ sẽ gửi cho Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước sẽ là đơn vị tiếp nhận những thông tin này cũng tiến hành phân tích, xử lý trên các hệ thống thông tin hiện có cũng như là đối chiếu và nếu thấy thực sự nghi ngờ sẽ chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra, xác minh. Giao dịch này là giao dịch rửa tiền hay là không sẽ được xác định thông qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật.

“Ở dự thảo Luật không quy định về định lượng. Bởi vì, nếu như chúng ta quy định nhiều về các dấu hiệu mang tính định lượng, có thể các chủ thể tham gia giao dịch, thực hiện giao dịch sẽ có những cách thức lách các quy định”, Thống đốc báo cáo trước Quốc hội.

Về ý kiến của một số đại biểu đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật này là các công ty cung cấp dịch vụ tài sản ảo hay kinh doanh tài chính tiền tệ trên nền tảng về công nghệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đã đưa các hoạt động này vào trong dự thảo Luật nhưng trong quá trình tham vấn ý kiến qua nhiều vòng, các ý kiến cho rằng các hoạt động này chưa được quy định trong các văn bản quy định pháp luật hiện hành vì vậy chưa nên đưa vào dự thảo luật. Chính vì vậy, quy định này sẽ giao Chính phủ bổ sung đối tượng báo cáo sau khi được sự chấp thuận, đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Ngoài ra, Thống đốc cũng giải trình về nhóm vấn đề liên quan đến các vấn đề về trì hoãn giao dịch. Theo đó, để tránh lạm dụng với ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân dự thảo luật cũng đã quy định thời hạn trì hoãn không quá ba ngày kể từ ngày thực hiện và đối tượng báo cáo được miễn trách nhiệm pháp lý nếu thực hiện theo đúng các quy định của luật…

Về nhóm nội dung liên quan đến bảo mật thông tin khách hàng và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định trong xuyên suốt dự thảo Luật đều quy định trách nhiệm của các đối tượng báo cáo, kể cả trực tiếp làm hay thuê một công ty, tổ chức thứ ba đều phải tuân thủ các quy định về bảo mật của Nhà nước cũng như bảo mật những thông tin xác minh của khách hàng. Trong đó, cũng quy định rất rõ trách nhiệm và nếu không thực hiện thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về quy định “Định kỳ 5 năm Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền tại Việt Nam", một số đại biểu cho rằng việc quy định 5 năm mới đánh giá như vậy là dài, chưa phù hợp với tốc độ phát triển và nguy cơ rủi ro về rửa tiền.

Tuy nhiên, theo Thống đốc, ngay sau khi có báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia 5 năm sẽ có kế hoạch để triển khai và trong kế hoạch triển khai này sẽ được thực hiện rà soát hàng năm, liên tục và bất cứ khi nào có rủi ro phát sinh đều thực hiện chứ không phải chờ đến 5 năm mới thực hiện.