09:51 14/12/2015

Thủ đô Trung Quốc sẽ tính điểm cấp hộ khẩu

Diệp Vũ

Số người có hộ khẩu Bắc Kinh đã vượt 20 triệu, lớn hơn cả dân số London và New York gộp lại

Có hộ khẩu Bắc Kinh là niềm mơ ước của nhiều người ngoại tỉnh nhập cư ở thành phố này - Ảnh: AP.<br>
Có hộ khẩu Bắc Kinh là niềm mơ ước của nhiều người ngoại tỉnh nhập cư ở thành phố này - Ảnh: AP.<br>
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc sắp thiết lập một hệ thống tính điểm nhằm cho phép người ngoại tỉnh nhập cư được cấp hộ khẩu nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Hãng tin Bloomberg cho biết, đây là nỗ lực nới lỏng các quy định cấp hộ khẩu ngặt nghèo khiến 7,6 triệu người ngoại tỉnh nhập cư ở Bắc Kinh không thể tiếp cận với những dịch vụ công cộng quan trọng như y tế và trường học.

Theo dự thảo kế hoạch được chính quyền thành phố công bố hôm 10/12, người được cấp hộ khẩu phải dưới 45 tuổi, đã có đăng ký tạm trú ở Bắc Kinh, và đóng phí an sinh xã hội ở thành phố này ít nhất 7 năm liên tiếp. Các yếu tố tình trạng việc làm, học vấn, trình độ kỹ năng, đóng thuế, lịch sử tín dụng, và các chi tiết khác sẽ được quy đổi thành điểm.

Dự thảo kế hoạch này sẽ lấy ý kiến phản hồi của người dân cho tới ngày 30/12. Dự thảo được đưa ra sau một cuộc gặp cấp cao về cải cách do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì hôm 9/12. Cuộc họp đã cam kết sẽ cải thiện tình hình cho những người không có hộ khẩu Bắc Kinh và gặp khó khăn trong việc xin cấp hộ khẩu.

“Đăng ký hộ khẩu hợp pháp là một quyền cơ bản của người dân Trung Quốc. Đó cũng là tiền đề cho người dân tham gia vào các vấn đề xã hội, hưởng quyền và thực hiện các nghĩa vụ”, một tuyên bố sau cuộc họp có đoạn viết.

Kế hoạch cải cách hộ khẩu của Bắc Kinh được công bố hơn một sau năm sau khi Hội đồng Nhà nước Trung Quốc vào tháng 7/2014 quyết định cải tổ hệ thống đăng ký hộ khẩu trên toàn quốc. Phương pháp tính điểm để đăng ký hộ khẩu đã được áp dụng ở Thượng Hải, Quảng Châu và Thiên Tân.

“Đây là một hướng đi đúng và có thể đạt hiệu quả tốt ở Bắc Kinh”, ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc thuộc công ty nghiên cứu Capital Economis ở Singapore, nhận xét. “Tuy nhiên, cách làm này sẽ đối mặt thách thức nếu được mở rộng toàn quốc. Chuyển hộ khẩu từ nông thôn lên thành thị đồng nghĩa với người chuyển khẩu mất quyền đối với đất nông nghiệp, mà về sau mảnh đất của họ có thể sẽ rất có giá”.

Ở Trung Quốc, nhiều người ngoại tỉnh rất muốn có hộ khẩu những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải. Mặc dù vậy, họ lại không hào hứng lắm với hộ khẩu ở những thành phố nhỏ hơn vì lợi ích không lớn như hộ khẩu thành phố lớn.

Được áp dụng từ thập niên 1950, hộ khẩu cho phép người dân có sổ hộ khẩu ở mỗi địa phương Trung Quốc quyền tiếp cận với các dịch vụ công cộng và chế độ phúc lợi xã hội của địa phương đó. Do không có hộ khẩu thành phố, rất nhiều người ngoại tỉnh Trung Quốc di cư tới các thành phố ven biển trong suốt 3 thập kỷ qua không được hưởng quyền lợi như những người có hộ khẩu tại đó.

Ngoài một số vấn đề khác, khó khăn trong việc xin cấp hộ khẩu còn là một lý do quan trọng khiến người Trung Quốc buộc phải cố gắng tiết kiệm để phòng thân, dẫn tới cản trở tiêu dùng.

Số người có hộ khẩu Bắc Kinh đã vượt 20 triệu, lớn hơn cả dân số London và New York gộp lại. Người dân có hộ khẩu Bắc Kinh được hưởng cơ hội giáo dục tốt hơn, hỗ trợ việc làm, chăm sóc khi về già, và các chế độ phúc lợi xã hội khác.

“Hệ thống mới sẽ cho phép người ngoại tỉnh nhập cư có cơ hội tốt hơn để trở thành một phần thực sự của thành phố”, hãng thông tấn Tân Hoa Xã viết.