Thủ đoạn huy động vốn, chiếm đoạt tiền của nhân viên tài chính
Mặc dù khách hàng đề nghị được đến trụ sở công ty để nộp tiền song Giang đưa ra lý do Tổng Giám đốc đi vắng nên Giang sẽ sang tận nhà để nhận tiền. Giang lấy phôi “sổ chứng nhận góp vốn đầu tư” trong két sắt của công ty rồi tự viết thông tin cá nhân khách hàng vào phôi sổ, giả mạo chữ ký của Tổng giám đốc, tự đóng dấu công ty vào sổ…

Đây là điểm chung ở một số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến góp vốn đầu tư tài chính diễn ra gần đây. Phương thức của các đối tượng là đưa các thông tin gian dối, đẩy lãi suất cao để khách hàng chú ý và tìm nhiều lý do để khách hàng chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của mình.
Ngày 21/7, TAND TP Hà Nội xử phạt bị cáo Chu Thị Thu Giang (SN 1989, ở xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì (cũ), Hà Nội) 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, từ năm 2014-2022 Giang là nhân viên hành chính của Công ty Cổ phần đầu tư tài chính và vàng Bắc Á. Do làm ăn thua lỗ cần tiền để trả nợ và chi tiêu cá nhân, Giang đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của người khác bằng cách đưa ra các thông tin gian dối.
Giang thông tin là công ty có dịch vụ nhận tiền gửi tiết kiệm bằng hình thức góp vốn đầu tư với lãi suất 12%/năm; cho người khác vay tiền với lãi suất từ 1,5% đến 8%/tháng; đầu tư vào các đơn hàng vàng, kim cương, đồng hồ ... với lãi suất cao từ 15% đến 25%/đơn hàng.
Để tạo lòng tin, Giang lấy phôi “sổ chứng nhận góp vốn đầu tư” do công ty phát hành rồi ký giả chữ ký Tổng giám đốc.
Do tin tưởng thông tin Giang đưa ra, từ ngày 24/10/2018 đến ngày 04/7/2022 có 3 bị hại đồng ý góp vốn, chuyển cho Giang tổng số tiền hơn 107 tỷ đồng. Sau khi nhận được tiền, để tạo sự tin tưởng Giang chuyển trả cho 3 bị hại hơn 97 tỷ đồng và thông báo đó là tiền gốc và tiền lãi.
Số tiền còn lại hơn 9,6 tỷ đồng, Giang chiếm đoạt, sử dụng trả nợ, chi tiêu cá nhân hết.
Trong đó nạn nhân bị chiếm đoạt nhiều nhất là chị Khổng Thị H. (SN 1989, bạn học cùng cấp 3 với Giang) mất hơn 6 tỷ đồng.
Theo đó, cuối năm 2018, Giang đưa ra thông tin gian dối, tự giới thiệu Công ty Bắc Á có nhiều khách hàng có nhu cầu vay tiền trong thời gian ngắn để đáo hạn ngân hàng với lãi suất từ 6 đến 8%/tháng/khoản góp vốn, nên rủ chị H. đầu tư vào các gói vay nêu trên.
Ngoài ra Giang còn đưa ra thông tin gian dối, tự giới thiệu Giang đang kinh doanh kim cương theo đơn của khách hàng nên rủ chị H. góp vốn đầu tư với mức lãi suất từ 14,5% đến 25%/đơn hàng.
Chị H. đồng ý đưa tiền cho Giang để đầu tư. Hai bên lập nhóm chát trên Facebook và nhóm chát trên ứng dụng Zalo có tên là "Green blue” để trao đổi thông tin góp vốn đầu tư. Để tạo lòng tin thì Giang chuyển trả chị H. tiền gốc và tiền lãi theo đúng cam kết. Chị H. tin tưởng Giang đầu tư kinh doanh có lãi suất cao nên rủ thêm 5 người nữa đưa tiền để đầu tư là hơn 24,4 tỷ đồng. Bản thân chị Huyền bỏ thêm hơn 76 tỷ đồng để đầu tư.
Như vậy, tổng cộng chị này chuyển cho Giang là hơn 100,7 tỷ đồng. Giang chuyển trả hơn 94,6 tỷ đồng, còn chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng.
Trường hợp khác là ông Nguyễn Văn C. (SN 1962) là hàng xóm với Giang. Khoảng đầu năm 2021, Giang giới thiệu với ông này là Công ty Bắc Á có dịch vụ nhận tiền gửi tiết kiệm bằng hình thức góp vốn đầu tư và trả lãi hàng tháng. Công ty đang huy động vốn với lãi suất 12%/năm. Do tin tưởng nên ông C. đồng ý gửi 800 triệu đồng và đề nghị được đến trụ sở Công ty để nộp tiền.
Tuy nhiên, Giang đưa ra lý do Tổng Giám đốc đi vắng nên Giang sẽ sang tận nhà để nhận tiền. Giang lấy phôi “Sổ chứng nhận góp vốn đầu tư” trong két sắt của công ty rồi tự viết thông tin cá nhân khách hàng vào phôi sổ, giả mạo chữ ký của Tổng giám đốc, tự đóng dấu công ty vào sổ.
Khoảng 18 giờ ngày 18/01/2021, Giang mang sổ góp vốn trên đến nhà ông C. để nhận số tiền 800 triệu đồng.
Ngày 19/02/2021, Giang nói dối công ty huy động vốn lãi suất cao, rủ ông C. góp vốn thêm 200 triệu đồng. Đến ngày 15/6/2021, ông C. có nhu cầu gửi thêm 800 triệu đồng. Sau đó, vợ ông C. tiếp tục gửi 480 triệu đồng.
Tổng cộng Giang nhận của ông này 2,28 tỷ đồng và không nộp về công ty. Cáo buộc thể hiện Giang chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng của ông C.
Xác minh tại Công ty Bắc Á xác định, công ty có huy động góp vốn và có phát hành “Sổ chứng nhận góp vốn đầu tư”. Song từ năm 2018, công ty đã dừng huy động vốn nên các sổ góp vốn vẫn còn tồn trong két sắt chưa tiêu hủy.
Trước đó, vụ án Vũ Thị Thu Nhung (SN 1977, cựu phó giám đốc ngân hàng), cơ quan tố tụng làm rõ phương thức chiếm đoạt hơn 2.705 tỷ đồng của khoảng 100 người.
Bị cáo đưa ra các thông tin gian dối về các chương trình gửi tiền cho khách hàng ưu tiên với lãi suất đến 32%/năm; đề nghị những người có nhu cầu chuyển tiền cho mình, sau đó bị cáo sẽ có trách nhiệm chuyển tiền vào tài khoản của ngân hàng và gửi lại chứng từ, trả tiền gốc, lãi...
Thực tế, bị cáo lấy tiền của người nộp sau trả cho người nộp trước, số tiền còn lại bị cáo chiếm đoạt sử dụng và chi tiêu cá nhân.