14:01 02/07/2021

Thu hồi dự án BOT đường nối đại lộ Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM – Trung Lương

Xuân Thái

Sau gần 6 năm thi công trì trệ, không có tiến triển, kể từ tháng 10/2015, dự án đầu tư xây dựng đường nối đại lộ Đông Tây (tức đại lộ Võ Văn Kiệt) đến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, đã bị thu hồi theo quyết định của UBND TP.HCM...

Sau gần 6 năm thi công, dự án làm được  12% với 3 trụ cầu. Trong ảnh: Trụ cầu vượt ở đầu tuyến tại nút giao Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1
Sau gần 6 năm thi công, dự án làm được 12% với 3 trụ cầu. Trong ảnh: Trụ cầu vượt ở đầu tuyến tại nút giao Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1

Dự án có chiều dài 2,7 km do Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư 1.550 tỷ đồng.

5 NĂM THI CÔNG ĐƯỢC 12%

Dự án đường nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM – Trung Lương (Tiền Giang) được khởi công từ tháng 10/2015, đến nay, mới làm được 12% tổng khối lượng xây lắp và đã… dừng thi công! Nhà đầu tư là Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh đang bị các cơ quan pháp luật xử lý vì liên quan đến nhiều vụ án khác.

Theo thiết kế, dự án có tổng chiều dài 2,7 km, bắt đầu từ nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1 đến điểm giao với đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương (nay là đường Võ Trần Chí), quy mô 2 đường song hành, mỗi đường có 1 làn xe hỗn hợp và 1 làn ô tô.

Dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2010, kinh phí gần 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên tháng 4/2015, UBND TP.HCM đề xuất Chính phủ cho phép Thành phố chỉ định nhà đầu tư. Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (là đơn vị thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương) năm 2016 được TP.HCM chọn làm đối tác, vốn đầu tư dự án giảm xuống còn 1.550 tỷ đồng. Theo đó, TP.HCM lo phần giải phóng mặt bằng, khoảng 560 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận giữa TP.HCM và chủ đầu tư thì Công ty Yên Khánh tự thu xếp vốn, trong đó vốn chủ sở hữu gần 15%, vốn vay từ ngân hàng 85%. Sau khi hoàn thành, Công ty Yên Khánh được đặt một trạm để thu phí hoàn vốn trong 17 năm 8 tháng.

Theo quy hoạch, ở đầu tuyến, nhà đầu tư sẽ hoàn thiện nút giao với quốc lộ 1 - Võ Văn Kiệt theo quy hoạch, ở cuối tuyến sẽ xây mới nút giao Tân Kiên (Bình Chánh). Dự án dự tính hoàn thành vào cuối năm 2017, song đến thời điểm đó chỉ mới đạt khoảng 12% khối lượng và ngừng thi công đến nay, do Công ty Yên Khánh không đủ năng lực và vướng vào nhiều vụ án hình sự sau này.

Tại báo cáo trình UBND TP.HCM đề xuất thu hồi dự án, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, hợp đồng BOT dự án này có thời gian thực hiện từ năm 2015 - 2017. Đến nay, dự án ước tính chỉ đạt 12% khối lượng xây lắp, trong khi thời gian thực hiện trong hợp đồng đã hết. Sở Giao thông vận tải Thành phố đã nhiều lần có các văn bản yêu cầu nhà đầu tư khắc phục các vi phạm hợp đồng nhưng nhà đầu tư vẫn chưa thể khắc phục và chưa chứng minh đủ phần vốn chủ hữu theo quy định. Song song, nhà đầu tư chưa có cam kết của ngân hàng về việc đảm bảo cho vay để tiếp tục hoàn thành dự án theo hợp đồng.

THU HỒI DỰ ÁN BOT, XÚC TIẾN PHƯƠNG ÁN KHÁC ĐỂ TIẾP TỤC HOÀN THÀNH 

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã chấp thuận đề nghị của Sở GTVT TP.HCM về việc chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT đối với dự án xây dựng tuyến đường nối Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Cụ thể, UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải cùng các sở/ngành làm việc với các đơn vị liên quan về những thủ tục để chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư. Đồng thời, các đơn vị nghiên cứu đề xuất phương án tiếp tục đầu tư hoàn thành dự án này theo quy định. Bên cạnh đó, UBND TP cũng giao UBND huyện Bình Chánh khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, nếu có khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo và đề xuất UBND TP xém xét, giải quyết kịp thời.

Đây là dự án thuộc cửa ngõ phía Tây Nam TP.HCM đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đây cũng là “điểm đen” về giao thông, là nguyên nhân khiến quốc lộ 1 đoạn Võ Văn Kiệt đi ra hướng Bình Điền (huyện Bình Chánh) để vào cao tốc TP.HCM – Trung Lương theo đường nối đại lộ Nguyễn Văn Linh, nhiều năm nay luôn bị kẹt xe trầm trọng vào các giờ cao điểm, lễ, tết do vị trí “thắt cổ chai” của đoạn đường độc đạo vòng xoay An Lạc – cầu vượt An Lạc - xa lộ Đại Hàn (quốc lộ 1 đi qua Bình Chánh, Bình Tân) đi cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Nói cách khác, xe đi từ trung tâm thành phố qua đường Võ Văn Kiệt, muốn vào cao tốc TP.HCM – Trung Lương phải đi quốc lộ 1A, vòng qua quận Bình Tân, sau đó đi đường Tân Tạo - Chợ Đệm hoặc vòng xuống huyện Bình Chánh rồi mới qua cao tốc.

Liên quan đến dự án BOT này, vào tháng 9/2019, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh TP.HCM thông báo bán khoản nợ có tài sản bảo đảm là quyền thu phí dự án BOT tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1), do Công ty Yên Khánh thực hiện. Thông báo này cho biết, khoản nợ tính đến ngày 02/4/2019 là hơn 457,6 tỷ đồng, trong đó 435,6 tỷ đồng là dư nợ gốc, lãi quá hạn là gần 22 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân Quận 1, TP.HCM.