Thu ngân sách tháng 8 giảm mạnh
Thu nội địa tháng 8/2023 giảm mạnh so với mức thu bình quân 7 tháng đầu năm, kéo tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng lao dốc hơn 40% so với mức thu bình quân 7 tháng đầu năm. Dù vậy, về cơ bản, tiến độ thu vẫn bám sát dự toán...
Chiều ngày 7/9, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 8 và kế hoạch triển khai chương trình công tác tháng 9/2023.
CHỈ 9/53 ĐỊA PHƯƠNG TĂNG THU HƠN CÙNG KỲ, THU NỘI ĐỊA SỤT MẠNH
Theo Bộ Tài chính, cập nhật số liệu trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis), thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 4/9/2023 đạt 1.130,9 nghìn tỷ đồng, bằng 69,78% dự toán. Trước đó, trong báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện tháng 8 ước đạt 88,1 nghìn tỷ đồng, bằng 5,4% dự toán và chỉ bằng 59,5% mức thu bình quân 7 tháng đầu năm, tương ứng giảm 60 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 71,8 nghìn tỷ đồng, bằng 5,4% dự toán, giảm khoảng 50,9 nghìn tỷ đồng so với mức thu bình quân 7 tháng đầu năm.
Sở dĩ thu nội địa đạt thấp do tăng trưởng kinh tế đến nay vẫn thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm mạnh. Cùng với đó, thị trường bất động sản chậm phục hồi, thị trường xuất nhập khẩu khó khăn.
Thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết 4/9/2023 đạt 1.130,9 nghìn tỷ đồng, bằng 69,78% dự toán. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 72,8% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 65,5% dự toán. Hết tháng 8/2023, có 9/12 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán. Nổi bật là các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh, ước đạt 70,3% dự toán, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Đây là khoản thu quan trọng, chiếm 53,3% dự toán tổng số thu nội địa.
Đã vậy, ngành tài chính triển khai hàng loạt chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất mới ban hành làm giảm thu ngân sách.
Cũng theo Bộ Tài chính, về số thu nội địa, đến hết tháng 8/2023, có 9/12 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán. Nổi bật là các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh, ước đạt 70,3% dự toán, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Đây là khoản thu quan trọng, chiếm 53,3% dự toán tổng số thu nội địa. Một số khoản thu khác cũng có tiến độ thu khá như: thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ước đạt 84% dự toán, tăng 20,1% so với cùng kỳ; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ước đạt 94,9% dự toán, tăng 4% so với cùng kỳ...
Tuy nhiên, có ba khoản thu không đạt tiến độ dự toán gồm: thu thuế bảo vệ môi trưởng ước đạt 37,2% dự toán, giảm 32,3% so cùng kỳ; các loại phí, lệ phí ước đạt 63,4% dự toán, giảm 12,2% so với cùng kỳ; các khoản thu về nhà, đất ước đạt 45,6% dự toán, giảm 54,2% so với cùng kỳ.
Về số thu trên địa bàn, ước tính có 27/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng đạt trên 68% dự toán. Tuy nhiên, đáng quan ngại chỉ có 9/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ; trong khi có tới 54 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Còn thu từ dầu thô tháng 8/2023 ước đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, bằng 10,5% dự toán. Lũy kế 8 tháng thu từ dầu thô ước đạt khoảng 39,7 nghìn tỷ đồng, bằng 94,6% dự toán, giảm 25,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Báo cáo tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 973.000 tỷ đồng, bằng 70,9% dự toán pháp lệnh. Đánh giá về kết quả thu ngân sách, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng nhìn chung về tổng thể tiến độ thu ngân sách 8 tháng của năm 2023 vẫn cơ bản tiến độ thu do ngành thuế quản lý là “bám sát so với dự toán” dù số thu có dấu hiệu giảm từ đầu năm đến nay.
Do đó, Tổng cục Thuế liên tục cùng các cục thuế địa phương đánh giá tình hình và bàn các giải pháp để đảm bảo nhiệm vụ thu từ nay đến cuối năm.
Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của tình hình chính trị, kinh tế thế giới ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của Việt Nam, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành bày tỏ lo ngại về những dấu hiệu giảm thu.
"Nếu loại trừ số thu phát sinh đột biến thì từ tháng 1 đến nay số thu ngân sách do ngành thuế quản lý giảm. Nếu như tháng 1/2023, số thu đạt 94 nghìn tỷ đồng thì đến tháng 8/2023 chỉ còn 75 nghìn tỷ đồng", lãnh đạo Tổng cục Thuế thông tin.
Đánh giá về tiến độ thu ngân sách do ngành hải quan quản lý, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho rằng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng phù hợp với kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 12% khiến thu giảm xấp xỉ 18% so với cùng kỳ. Sở dĩ số thu thuế xuất nhập khẩu giảm là do một số chính sách giảm thuế và xuất siêu 8 tháng qua ước tính khoảng 20 tỷ USD nên số thu ngân sách giảm tương ứng.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, ngành hải quan tập trung chống buôn lậu và gian lận thương mại. Tính chung 8 tháng qua, cơ quan hải quan các cấp bắt giữ xấp xỉ 1,5 tấn ma túy. Đây là kết quả cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cơ quan hải quan trong chống buôn lậu và gian lận thương mại.
CHI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC
Về chi ngân sách nhà nước, thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 8/2023 ước đạt 139 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 8 tháng đạt khoảng 1.081,2 nghìn tỷ đồng, bằng 52,1% dự toán, tăng 13% cùng kỳ.
Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 297,7 nghìn tỷ đồng, bằng 41% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 42,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 40,3% cùng kỳ, tương ứng tăng khoảng 85,4 nghìn tỷ đồng. Chi trả nợ lãi ước đạt khoảng 65,9 nghìn tỷ đồng, bằng 64,1% dự toán. Còn chi thường xuyên ước đạt 715,9 nghìn tỷ đồng, bằng 61,1% dự toán, tăng 5,7%.
Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 8 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.
Đồng thời, ngân sách chủ động nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu (từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và tăng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng thuộc ngân sách nhà nước đảm bảo từ 1/7/2023...
Về cân đối ngân sách nhà nước, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 24/8/2023 phát hành 227,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,42 năm, lãi suất bình quân 3,45%/năm.
QUYẾT LIỆT CHỐNG THẤT THU, ĐẢM BẢO THU ĐÚNG, THU ĐỦ
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng thời gian tới tình hình có nhiều khó khăn, thách thức, do đó, toàn ngành tài chính trong đó có ngành thuế cần tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp quản lý thu thuế, tập trung thu đúng, thu đủ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước những tháng cuối năm 2023.
Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Thuế tập trung triển khai hoàn thiện đối với dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Đồng thời, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính khẩn trương tập trung phối hợp với các cơ quan Quốc hội và Văn phòng Chính phủ để kịp thời trình Quốc hội ban hành nghị quyết trong năm 2023 và áp dụng từ năm 2024 đối với dự án nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu...
Bên cạnh nhiệm vụ hoàn thiện chính sách pháp luật, người đứng đầu ngành tài chính cũng đặc biệt lưu ý các đơn vị trong toàn ngành tập trung triển khai các giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước đề ra. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành tài chính, trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn như hiện nay.
Theo đó, Tổng cục Thuế cần tiếp tục đẩy nhanh ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện các doanh nghiệp có rủi ro chuyển cho các cục thuế kịp thời thanh tra, kiểm tra theo quy định; triển khai xây dựng bản đồ số về vị trí đất để phục vụ thu thuế chuyển quyền sử dụng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích trong việc mua hàng lấy hóa đơn, cảnh báo người nộp thuế khi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để trốn thuế, gian lận hoàn thuế; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số.
Đối với các nhiệm vụ khác, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị tích cực giải ngân vốn đầu tư công trong nội ngành; chống thất thu thuế, tập trung chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, giữ vững vị trí dẫn đầu trong khối các bộ, ngành; tập trung công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là những vấn đề dư luận quan tâm.