Thu thuế quan của Mỹ lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD
Kết quả này có thể củng cố quan điểm của ông Trump rằng thuế quan là một công cụ quan trọng để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách lẫn thâm hụt thương mại...

Thu thuế quan của Mỹ tiếp tục tăng mạnh trong tháng 6 vừa qua, đưa tổng thu thuế quan từ đầu năm tài khóa vượt mốc 100 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử nước này, nhờ đó giúp Washington đạt được trạng thái thặng dư ngân sách hiếm hoi - theo số liệu được Bộ Tài chính Mỹ công bố cách đây ít ngày.
Báo cáo của cơ quan này cho thấy thuế quan bắt đầu trở thành một nguồn thu ngân sách quan trọng của Chính phủ liên bang Mỹ. Tổng thu ngân sách từ thuế quan trong tháng trước đạt 27,2 tỷ USD, sau khi hoàn thuế còn 26,6 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, mức thu thuế quan của tháng 6 tăng gấp 4 lần và là mức cao kỷ lục.
Kết quả này có thể củng cố quan điểm của ông Trump rằng thuế quan là một công cụ quan trọng để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách lẫn thâm hụt thương mại của Mỹ. Hôm thứ Ba tuần trước, ông Trump tuyên bố “số tiền khổng lồ” sẽ bắt đầu chảy vào quốc khố Mỹ một khi ông bắt đầu áp đầy đủ thuế quan đối ứng lên các đối tác thương mại từ ngày 1/8.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X vào ngày thứ Sáu vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent nói kết quả thu thuế quan của tháng 6 cho thấy Mỹ “đang gặt hái thành quả” từ chiến lược thuế quan của ông Trump. “Khi Tổng thống nỗ lực để lập lại chủ quyền kinh tế quốc gia, báo cáo hàng tháng ngày hôm nay của Bộ Tài chính cho thấy số tiền kỷ lục thu được từ thuế quan, mà lạm phát không tăng!” ông Bessent viết.
Trong 9 tháng đầu tiên của tài khoá 2005, thu thuế quan của Mỹ đạt kỷ lục 113,3 tỷ USD, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 100 tỷ USD trong một năm tài khóa. Sau khi trừ đi các khoản hoàn thuế, con số ròng của thu thuế quan trong 9 tháng đạt 108 tỷ USD, gần gấp đôi so với cùng kỳ của tài khóa trước.
Năm tài khóa của Chính phủ Mỹ kết thúc vào ngày 30/9 hàng năm.

Theo kết quả đã đạt được, thuế quan hiện đã trở thành nguồn thu ngân sách lớn thứ tư của Chính phủ liên bang Mỹ, chỉ sau thuế thu nhập cá nhân do chủ sử dụng lao động khấu trừ trực tiếp - nguồn đóng góp 2,683 nghìn tỷ USD vào ngân sách liên bang từ đầu năm tài khóa đến nay; thuế thu nhập cá nhân không khấu trừ trực tiếp (965 tỷ USD); và thuế thu nhập doanh nghiệp (392 tỷ USD).
Chỉ trong vòng 4 tháng trở lại đây, tỷ trọng của thu thuế quan trong ngân sách liên bang đã tăng gấp hơn 2 lần, đạt khoảng 5%, từ mức 2% trước đó. Nhờ vậy, trong tháng 6, ngân sách chính phủ Mỹ thặng dư 27 tỷ USD, từ chỗ thâm hụt 71 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Thu ngân sách cả tháng 6 đạt 526 tỷ USD, mức kỷ lục của tháng 6 hàng năm, tăng 60 tỷ USD, tương đương tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách giảm 7% trong tháng, tương đương giảm 38%, còn 499 tỷ USD - Bộ Tài chính Mỹ cho hay.
Tuy nhiên, tính từ đầu tài khóa tới nay, thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ tăng 5%, tương đương tăng 64 tỷ USD, lên 1,337 nghìn tỷ USD. Chi tiêu tăng tập chung ở các chương trình chăm sóc y tế, lương hưu, quốc phòng, lãi nợ công, và chi tiêu của Bộ An ninh nội địa.
Thu ngân sách của 9 tháng đầu tài khóa tăng 7%, tương đương tăng 254 tỷ USD, đạt kỷ lục 4,008 nghìn tỷ USD. Chi ngân sách tăng 6%, tương đương tăng 53 tỷ USD, lập kỷ lục 5,346 nghìn tỷ USD.
Tiền lãi trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng, vượt tất cả các hạng mục chi khác, lên tới 921 tỷ USD trong 9 tháng, tăng 6%, tương đương tăng 53 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, theo một quan chức Bộ Tài chính Mỹ, lãi suất bình quân mà Chính phủ Mỹ phải trả vào thời điểm cuối tháng 6 đã ổn định ở mức 3,3%, chỉ tăng 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuần vừa rồi, ông Bessent nhận định trong một cuộc họp nội các rằng trong năm 2025, tổng thu thuế quan của Mỹ có thể đạt mức 300 tỷ USD. Nhưng nếu dựa trên tốc độ tăng của tháng 6, thu thuế quan của Mỹ sẽ đạt mức 276,5 tỷ USD sau 6 tháng nữa, chưa tới con số như ông Bessent đưa ra.

Giám đốc kinh tế Ernie Tedeschi của tổ chức nghiên cứu Budget Lab thuộc Đại học Yale cho rằng có thể sẽ cần thêm nhiều thời gian để đạt tới mức thu thuế quan như ông Bessent nói tới, bởi người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ thời gian qua đã đẩy mạnh việc mua sắm và nhập khẩu hàng hóa để tránh thuế quan cao hơn. Khi ông Trump bắt đầu áp thuế quan cao hơn từ mốc 1/8, lượng hàng hóa nhập khẩu có thể giảm xuống, dẫn tới việc số tiền thuế quan thu được có thể chỉ tăng thêm 10 tỷ USD mỗi tháng.
“Tôi cho rằng có một rủi ro lớn là chúng ta ‘mắc nghiện’ thu thuế quan”, ông Tedeschi nhận xét, cho rằng thu thuế quan có thể suy yếu theo thời gian vì doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ điều chỉnh hành vi.
Tuần vừa rồi, ông Trump có thêm một loạt động thái áp thuế quan mới, gồm thuế quan 50% đánh vào kim loại đồng nhập khẩu, mức thuế 35% đối với Canada, 50% đối với Brazil, và 30% đối với Liên minh châu Âu (EU) và Canada, tất cả đề có hiệu lực từ ngày 1/8.