15:59 12/10/2022

Thủ tướng: Chính phủ sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển

Vũ Khuê

Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp bối cảnh, tình hình mới; loại bỏ những quy định không còn phù hợp, đặc biệt là tháo gỡ những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh:VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh:VGP

Sáng 12/10/2022, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo...

Trong số 60 doanh nhân được trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022, có 10 người được vinh danh TOP10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.

NHIỀU DOANH NHÂN ĐÃ GÂY ĐƯỢC TIẾNG VANG TRONG KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI

Tổng hợp doanh nghiệp của 60 doanh nhân này năm 2021 có doanh thu trên 1,2 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 722 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 148 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 70 nghìn tỷ đồng và số lao động  trên 251 nghìn người.

Đây là các doanh nhân đang lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp thuộc đủ các thành phần kinh tế, có quy mô từ rất lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Người lớn tuổi nhất đã 82 tuổi và người trẻ nhất mới 34 tuổi, có 15 doanh nhân nữ, chiếm tỷ lệ 25%.

Trong số TOP10 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, có nhiều doanh nhân đã thành danh như tỷ phú Trần Bá Dương (Chủ tịch Tập đoàn ô-tô Trường Hải), ông Lê Mạnh Hùng (Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), ông Lý Ngọc Minh (Chủ tịch Công ty sứ Minh Long),… Mỗi doanh nhân đều là một tấm gương, một câu chuyện hay về tinh thần lập nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ và cả trách nhiệm xã hội.

Cộng đồng doanh nhân tại lễ trao tặng danh hiệu.
Cộng đồng doanh nhân tại lễ trao tặng danh hiệu.

Đến dự và trực tiếp trao tặng danh hiệu cho doanh nghiệp, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận những nỗ lực, đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, cả trong xây dựng, phát triển kinh tế đất nước, cả trong chung sức cùng cả nước chống đại dịch Covid-19 thời gian qua.

Thủ tướng cho rằng rất vui mừng vì hiện nay Việt Nam đã có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển và nâng cao về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.

Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới. Đồng thời, xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo.

Đội ngũ doanh nhân cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

Đặc biệt, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đội ngũ doanh nghiệp nêu cao tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng đất nước, vượt qua khó khăn, tự lực, tự cường, hỗ trợ lẫn nhau, nỗ lực thích ứng linh hoạt để duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động và ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19...

QUYẾT TÂM CAO ĐỂ PHỤC HỒI NHANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Đại hội XIII của Đảng đặt ra những mục tiêu và khát vọng phát triển của đất nước đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp….

Đại hội XIII cũng đã đề ra nhiệm vụ: "Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…" và đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%.

Thủ tướng cho rằng thời gian tới, tình hình thế giới dự báo phức tạp, khó lường hơn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng; chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất đứt gãy cục bộ; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, lạm phát tăng cao ở nhiều nước; thị trường quốc tế thu hẹp.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu nhanh hơn; thiên tai, dịch bệnh nhiều hơn. Trong nước, chúng ta có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Để phục hồi nhanh và phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần cùng nhau giải quyết các vấn đề đặt ra với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời và hiệu quả.

Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe với cộng đồng doanh nghiệp, trên với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cân đối, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp bối cảnh, tình hình mới; loại bỏ những quy định không còn phù hợp, đặc biệt là tháo gỡ những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân.

Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và quyết liệt giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Đẩy mạnh ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối trục lợi, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nghiệp và người dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển. Tạo điều kiện để khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia thực hiện các dự án, công trình, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội theo hình thức hợp tác công - tư.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu giới doanh nhân Việt Nam cần quan tâm xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh, hướng tới xây dựng đội ngũ doanh nhân có Tâm và Tài, có tinh thần dân tộc, phụng sự đất nước.