11:59 13/03/2019

Thủ tướng Đức lên tiếng sau khi bị Mỹ gây sức ép vụ Huawei

An Huy

Bà Merkel nói rằng Đức sẽ tự định tiêu chuẩn an ninh của mình cho mạng 5G

Thủ tướng Đức Angela Merkel - Ảnh: Getty/CNBC.
Thủ tướng Đức Angela Merkel - Ảnh: Getty/CNBC.

Đức sẽ tự định tiêu chuẩn an ninh của mình cho mạng viễn thông thế hệ mới 5G, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố ngày 12/3, khi được hỏi về lời cảnh báo của Mỹ rằng Washington sẽ giảm chia sẻ dữ liệu với Berlin nếu Chính phủ Đức cho phép thiết bị 5G của Huawei được sử dụng.

"An ninh mạng 5G cũng như trong các lĩnh vực kỹ thuật số khác là một mối quan tâm rất lớn đối với Chính phủ Đức. Bởi vậy mà chúng tôi sẽ tự định tiêu chuẩn cho mình", hãng tin Reuters dẫn lời bà Merkel.

"Chúng tôi cũng sẽ thảo luận vấn đề này với các đối tác ở châu Âu, cũng như với cơ quan hữu quan ở Mỹ", nhà lãnh đạo Đức phát biểu.

Tuần trước, đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell gửi một bức thư tới Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Altmaier cảnh báo về những mối lo an ninh liên quan đến vai trò của Huawei trong việc xây dựng hạ tầng mạng 5G.

Nguồn tin là quan chức Mỹ nói với hãng tin CNN rằng trong bức thư trên, Mỹ cảnh báo Đức về việc sẽ giảm việc chia sẻ thông tin tình báo với các quốc gia sử dụng thiết bị mạng 5G do Huawei sản xuất.

Lá thư được xem là một phần trong chiến dịch của Chính phủ Mỹ kêu gọi các nước đồng minh tẩy chay Huawei - nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và đại diện cho sự sức mạnh công nghệ đang lên của Trung Quốc.

Trong chuyến công du châu Âu cách đây ít lâu, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngầm ra một "tối hậu thư" với các nước trong khu vực: chọn Huawei hoặc chọn Mỹ. Những cảnh báo này của Washington được đưa ra trên cơ sở cho rằng thiết bị Huawei có "cửa sau" nhằm giúp sức cho hoạt động tình báo của Bắc Kinh - một cáo buộc mà Huawei luôn bác bỏ.

Việc Mỹ vận động hành lang chống lại Huawei đang gây sức ép lên quan hệ giữa Washington với một số quốc gia đồng minh, đồng thời làm căng thẳng thêm mối quan hệ Mỹ-Trung vốn dĩ đã xuống thấp vì chiến tranh thương mại.

Về phần mình, Huawei cũng đang triển khai một chiến dịch "phản công" Chính phủ Mỹ, mà đỉnh điểm là việc tập đoàn này tuần trước đâm đơn kiện Chính phủ Mỹ. Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố ủng hộ Huawei kiện Washington.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Huawei đã xây dựng được một vị thế dẫn trước vững chắc về công nghệ 5G đến nỗi thiết bị Huawei trở nên gần như không thể thay thế đối với nhiều nhà mạng viễn thông. Nhiều nhà mạng cũng đã nói rằng chiến dịch của Mỹ làm khó cho nỗ lực của họ trong việc nâng cấp hệ thống mạng.

Theo CNN, vào hôm 7/3, Đức tuyên bố sẽ không cấm bất kỳ công ty nào đấu thầu xây dựng mạng 5G ở nước này. Trước đó, Anh cũng đưa ra quyết định tương tự. Berlin và London nói rằng họ có thể giảm nhẹ bất kỳ rủi ro nào, và quyết định của họ được cho là có thể khiến Mỹ khó thuyết phục các quốc gia nhỏ hơn cấm thiết bị Huawei.

Đến nay, Mỹ đã vận động cấm thiết bị 5G Huawei đối với các quốc gia như Anh, Australia, Ba Lan, Liên minh châu Âu (EU), Philippines, và một số nước khác. Trong đó, Australia đã cấm hoàn thiết bị Huawei, và New Zealand mới ban lệnh cấm một phần đối với thiết bị của hãng này.