09:40 15/11/2023

Thừa Thiên Huế tích cực thử nghiệm sán phẩm mới để kích cầu du lịch

Tường Bách

Phát huy lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên, thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch xanh với mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bảo tồn nguyên vẹn về cảnh quan tự nhiên, môi trường sống...

Ảnh: The Hue of Huế
Ảnh: The Hue of Huế

Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngành du lịch và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ hình thành và phát triển nhiều sản phẩm, tour du lịch gắn với bảo tồn sinh thái, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng.

THU HÚT ĐẦU TƯ, KHỞI NGHIỆP

Cụ thể, đến nay trên địa bàn tỉnh có khá nhiều tour du lịch xanh như: Tour "Hoàng hôn phá Tam Giang"; tour "Thăm Làng cổ Phước Tích - Đan lát Thủy Lập - Thôn Ngư Mỹ Thạnh - Phá Tam Giang"; tour "Đạp xe về Phá Tam Giang"; tour "Thăm làng Phước Tích - Phá Tam Giang"; tour "Từ đồng rau xanh đến ánh vàng đầm phá" và tour "Khám phá Tam Giang"…

Các tour du lịch này không chỉ phù hợp với du khách, các đoàn đi theo dạng team building, mà còn thích hợp với hoạt động dã ngoại cuối tuần của người dân địa phương. Ngoài ra, để thu hút du khách trong thời gian khó khăn vừa qua, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã xây dựng các gói sản phẩm du lịch xanh như: nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp khám chữa bệnh, hình thành các điểm vui chơi giải trí mới, các điểm dịch vụ về đêm như tuyến phố đi bộ Hoàng Thành; các trạm xe đạp chia sẻ thông minh trên địa bàn thành phố Huế...

Đến nay trên địa bàn tỉnh có khá nhiều tour du lịch gắn với bảo tồn sinh thái, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng.
Đến nay trên địa bàn tỉnh có khá nhiều tour du lịch gắn với bảo tồn sinh thái, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng.

Mới đây, Sở KH&CN phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Diễn đàn Thúc đẩy hoạt động đầu tư, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Tham dự diễn đàn có các startup và đại diện các Sở, ban ngành, hiệp hội để cùng xác định "bài toán" đặt hàng của chính quyền trong lĩnh vực du lịch. Kêu gọi các nhà đầu tư, Trưởng làng Công nghệ, các startup đến cung cấp các giải pháp để giải quyết các nhu cầu đặt ra của lĩnh vực du lịch.

Cụ thể, các đại biểu đã lắng nghe các tham luận như: kết nối các Làng Công nghệ Quốc gia trong liên kết phát triển sản phẩm du lịch Thừa Thiên Huế; Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài" gắn với phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo trong phát triển du lịch Huế; Chuyển đổi số trong du lịch từ góc nhìn trải nghiệm của khách hàng - cơ hội của các doanh nghiệp và startup; Vai trò nguồn nhân lực trong định hướng phát triển du lịch sáng tạo Thừa Thiên Huế; Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch sinh thái - du lịch trải nghiệm nông nghiệp - du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng, làng nghề thủ công truyền thống…

Theo ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế, việc đẩy mạnh liên kết hệ sinh thái Cố đô Khởi nghiệp với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia, thu hút nguồn lực không chỉ các doanh nghiệp trên địa bàn mà còn thu hút cả nguồn lực ở ngoài địa phương và nguồn lực quốc tế, đưa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trở thành một phần động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Các startup và đại diện các Sở, ban ngành, hiệp hội đã cùng xác định "bài toán" đặt hàng của chính quyền trong lĩnh vực du lịch.
Các startup và đại diện các Sở, ban ngành, hiệp hội đã cùng xác định "bài toán" đặt hàng của chính quyền trong lĩnh vực du lịch.

Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tuy lượng khách tháng 10/2023 ước đạt 208.383 lượt, đạt 95.63% so với tháng trước nhưng nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì kết quả khả quan (ước đạt 122,56% so cùng kỳ năm 2022). Sở Du lịch cũng cho biết, đáng mừng là lượng khách quốc tế trong tháng 10 ước 77.199 lượt, đạt 113,42% so với tháng trước và  259,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

THỬ NGHIỆM CÁC SẢN PHẨM DU LỊCH MÙA ĐÔNG

Những tháng cuối năm vốn được xem là mùa thấp điểm đối với khách nội địa, song năm nay, Thừa Thiên Huế đã mạnh dạn lựa chọn tổ chức sự kiện lễ hội du lịch giữa mùa thấp điểm. Theo kế hoạch, Lễ hội mùa đông - Festival Huế 2023 sẽ có nhiều hoạt động, trong đó đáng chú ý như Tuần lễ Du lịch chăm sóc sức khỏe; Chương trình nghệ thuật “Chuyện kể Mùa đông xứ Huế”; Festival Âm nhạc Quốc tế…

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, chuỗi các hoạt động du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe dự kiến được tổ chức trong tháng 11. Sự kiện này sẽ có những chương trình famtrip, các diễn đàn, tọa đàm. Các đơn vị lữ hành cũng đang nỗ lực khai thác tour đưa khách đi Ấn Độ và từ Ấn Độ đến Huế trải nghiệm.

Bên cạnh đó, dựa trên các khảo sát nhu cầu của khách, các đơn vị lữ hành thiết kế và vận hành các tour du lịch trong nhà, hệ thống bảo tàng, trải nghiệm ở không gian trưng bày, trải nghiệm nghệ thuật kỹ thuật số đầu tiên của Việt Nam... Ngoài ra, những trải nghiệm thưởng trà, đi xích lô ngắm mưa, đi thuyền rồng ngắm mưa cũng là những trải nghiệm thú vị.

Đại diện các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, những tháng cuối năm, khi bước vào mùa mưa lạnh, lượng khách đến Huế có chiều hướng giảm. Giai đoạn này Huế có thể đưa vào sử dụng những sản phẩm hấp dẫn, có tính mới lạ để thu hút khách hơn. Đây là thời điểm tốt nhất để thử nghiệm những ý tưởng, những sản phẩm du lịch mới mà chưa được triển khai. Từ đó có những điều chỉnh phù hợp và lên kế hoạch áp dụng cho thì tương lai.

Đây là thời điểm tốt nhất để thử nghiệm những ý tưởng, những sản phẩm du lịch mới mà chưa được triển khai.
Đây là thời điểm tốt nhất để thử nghiệm những ý tưởng, những sản phẩm du lịch mới mà chưa được triển khai.

Trước bối cảnh mới, ông Nguyễn Văn Phúc kêu gọi các doanh nghiệp du lịch nỗ lực nghiên cứu, xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách, trong đó làm sao để khách đến Huế mùa đông vẫn có nhiều trải nghiệm. Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh cũng đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong vùng, nhất là Đà Nẵng, Quảng Nam để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ du khách. Mới đây, ngành du lịch ba địa phương đã tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch tại Malaysia và Singapore, kỳ vọng khách du lịch từ Malaysia, Singapore và khu vực Asean cũng như từ các thị trường chuyển tiếp khác sẽ tăng trưởng trở lại.

Trước đó, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra thông báo cắt giảm việc sử dụng các sản phẩm nhựa, thay thế, chuyển đổi dần để tiến tới cấm một số sản phẩm nhựa dùng một lần trong các doanh nghiệp du lịch. Trước mắt, ngành du lịch tỉnh này áp dụng tại 207 khách sạn, 73 đơn vị kinh doanh lữ hành, các cơ sở dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, các điểm du lịch.

Ngoài ra, ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng 5 đến 6 tour du lịch, điểm du lịch cộng đồng không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; Phấn đấu đến năm 2024, 50% khách sạn từ 3 - 5 sao không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và tăng lên 80% vào năm 2025.