15:44 08/12/2023

Thừa Thiên Huế: Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 ước đạt 7,03%

Ngô Anh Văn

Với quyết tâm, nỗ lực của các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách; trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án trọng điểm, nhờ đó kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi tích cực...

Festival Huế-nét đặc sắc "Văn hóa Huế", "Con người Huế".
Festival Huế-nét đặc sắc "Văn hóa Huế", "Con người Huế".

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 của tỉnh ước đạt 7,03%; trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,12%; khu vực dịch vụ tăng 8,64%; khu vực nông nghiệp tăng khoảng 5,88%; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng khoảng 6,94%.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 73.230 tỷ đồng (giá hiện hành), GRDP bình quân đầu người ước đạt 62,6 triệu đồng (2.665 USD/người), tăng 9,5% so cùng kỳ.

Báo cáo cho biết, cơ cấu nền kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo đúng định hướng; trong đó nông nghiệp chiếm 10,9%, công nghiệp và xây dựng chiếm 32,6%; dịch vụ chiếm 48% (thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 8,5%).

Về thu ngân sách nhà nước cả năm của tỉnh Thừa Thiên Huế ước đạt khoảng 11.000 - 11.500 tỷ đồng, vượt 10,8% dự toán. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 31.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ...

Điểm sáng trong bức tranh chung nền kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023, là lĩnh vực du lịch đã phục hồi mạnh mẽ, thông qua nhiều hoạt động kích cầu du lịch trong khuôn khổ Lễ hội Festival bốn mùa; tỉnh đã xây dựng, khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch và dịch vụ mang thương hiệu đặc trưng như: “Huế - Thành phố Lễ hội”,  “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”;…

Du lịch âm nhạc ở Huế, một tiềm năng cần thúc đẩy.
Du lịch âm nhạc ở Huế, một tiềm năng cần thúc đẩy.

Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa di sản tập trung ở khu vực Đại Nội và một số hoạt động mới bổ sung tại Quần thể Di tích Cố đô, sản phẩm du lịch đêm ở phố đi bộ khu vực Hoàng thành Huế và Hai Bà Trưng.

Cùng với đó, tỉnh đã chú trọng phát triển các chương trình, sản phẩm du lịch gắn với các làng nghề truyền thống như: Làng gốm Phước Tích, làng nón Phú Cam, nghề đúc đồng Phường Đúc, điêu khắc Mỹ Xuyên, đan lát Bao La, hoa giấy Thanh Tiên, Thanh Toàn, Ghành Lăng, Parle, A Nôr, A Roàng,.... Các chương trình du lịch về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, du lịch đồng quê, du lịch kết hợp chữa bệnh tại khu nước khoáng Thanh Tân, Mỹ An..., các loại hình sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc miền núi, các tour du lịch homestay tại khu vực thành phố Huế và phụ cận cũng được tổ chức thường xuyên.

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với bản sắc văn hóa và con người Huế được phát huy và giới thiệu di sản văn hóa Cố Đô tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ngoài ra, ngành Du lịch Thừa Thiên Huế cũng đã đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch, kết nối miền Di sản với các địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, dự kiến năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh ước đạt 3,2 - 3,3 triệu lượt khách; trong đó, khách du lịch nội địa chiếm khoảng 75%; tổng thu từ khách du lịch đạt từ 7.000 - 8.000 tỷ đồng.

Nhờ du lịch phục hồi, tăng trưởng mạnh, kéo theo là hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá; nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, hàng hóa dồi dào, đa dạng luôn đáp ứng kịp thời cho người dân. Năm 2023, lĩnh vực thương mại ước thực hiện tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 60.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.

Hoạt động vận tải hành khách năm 2023 ước đạt 30.000 nghìn lượt khách, tăng 35,6% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa ước đạt 21.500 nghìn tấn, tăng 15,8%; doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước…

Ông Nguyễn Văn Phương nhận định năm 2023, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế còn gặp những khó khăn, thách thức; đặc biệt là tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay, thị trường xuất khẩu và đơn hàng sụt giảm; nhiều dự án đầu tư, dự án bất động sản bị đình trệ, chậm triển khai; một số dự án sản xuất tạo động lực mới cho ngành công nghiệp chậm đưa vào hoạt động,… đã tác động rất lớn đến tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhưng được sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt của UBND tỉnh cùng với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, Thừa Thiên Huế đã từng bước tháo gỡ vướng mắc, khắc phục khó khăn, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn; đôn đốc tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, có tác động lan tỏa tạo động lực phát triển…

“Đến nay, kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế đã phục hồi tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2023 ước 7,03%, đây là mức tăng trưởng khá, xếp thứ 28/63 tỉnh/ thành cả nước, thứ 9/14 tỉnh/thành trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước (ước đạt 4,7-5,8%); Thu ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 11.000 - 11.500 tỷ đồng, vượt dự toán HĐND tỉnh giao”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.