Thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số
Thị trường AI tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng gần 16% mỗi năm. Theo đó, nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ cao đang lớn dần và được dự báo tăng cao trong nhiều năm tới, nhất là ở những lĩnh vực công nghệ then chốt, mới nổi…
Theo thống kê về tương lai thị trường lao động của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2023, đến năm 2025 trí tuệ nhân tạo (AI) dự kiến sẽ tạo ra 12 triệu việc làm mới trên toàn cầu. Một nghiên cứu khác của McKinsey cũng cho thấy AI có thể đóng góp vào việc tạo ra từ 20 triệu đến 50 triệu việc làm mới trên thế giới vào năm 2030.
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam có cơ hội lớn để thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược, nền tảng của thời đại 4.0 như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, công nghệ sinh học, năng lượng mới,...
NGÀNH “HOT” NHÂN LỰC TRONG TƯƠNG LAI
Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tận dụng “đà” chuyển đổi số cùng với AI. Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường IMARC Group, thị trường AI tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng gần 16% mỗi năm, từ 547 triệu USD (13,8 nghìn tỷ đồng) năm 2023 lên hơn 2 tỷ USD (50,8 nghìn tỷ đồng) vào năm 2032, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số và những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Cũng trong báo cáo về tương lai việc làm của Diễn đàn kinh tế Thế giới cho thấy trong 10 công việc được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong 5 năm tiếp theo thì 9/10 công việc này đều liên quan đến công nghệ và máy móc như khai thác tài nguyên từ dữ liệu, AI, robot... Chỉ có một công việc đứng ở vị trí thứ 2 với dự đoán "siêu tăng trưởng" nhưng lại không liên quan tới công nghệ đó là chuyên viên phát triển bền vững (Sustainability Specialists).
Theo đó, giai đoạn 2023-2027 ở Việt Nam, 68% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng việc nghiên cứu ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến sẽ tạo thêm việc làm. Trong đó, 7 lĩnh vực công nghệ có tác động lớn nhất bao gồm công nghệ môi trường (65%), phân tích dữ liệu lớn (59%), trí tuệ nhân tạo (30%), điện toán đám mây (29%), các nền tảng và ứng dụng số (18%), công nghệ giáo dục và phát triển nhân lực (17%), IoT và các thiết bị kết nối (15%).
Song, trong một báo cáo khác của Công ty mạng và bảo mật CISCO, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng hoàn toàn cho việc áp dụng AI lại giảm từ 27% năm 2023 xuống còn 22% năm 2024. Điều này cũng cho thấy các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức trong việc triển khai và áp dụng AI.
ĐẨY MẠNH ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHO CÁC NGÀNH CÔNG NGHỆ CỐT LỖI
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 4/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi.
Chỉ thị nêu rõ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển công nghệ cao và ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 và Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".
Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ số cốt lõi giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án, chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0.
Hiện nay, việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao tại Việt Nam không chỉ được Chính phủ, các trường đại học quan tâm mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư, ký thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn công nghệ quốc tế nhằm đào tạo và nâng cao trình độ cho nguồn nhân lực công nghệ để bổ sung sự thiếu hụt.
Đơn cử, tháng 10 vừa qua, FPT Software đầu tư 125 tỷ đồng cho chương trình đào tạo hơn 3.000 nhân sự công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) chất lượng cao cho thị trường Nhật Bản. Khoản đầu tư được dùng để cấp học bổng cho sinh viên ICT học tiếng Nhật trong nước; học bổng trao đổi sinh viên tại Nhật Bản, triển khai đào tạo, giảng dạy tiếng Nhật tại các trường đại học...
Trước đó, Tập đoàn Công nghệ CMC (CMC) và Tập đoàn Máy tính Kyoto (KCG) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác (MOA) về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường Việt Nam và Nhật Bản. Theo đó, Tập đoàn KCG và Tập đoàn CMC sẽ trao đổi mô hình giáo dục và kinh nghiệm quản lý để giúp CMC phát triển CMC Education (CMC Edu) trở thành tổ chức giáo dục toàn cầu về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam và Nhật Bản.
Hay mới đây, lễ ký kết hợp tác chiến lược và hợp tác tuyển dụng giữa VTC Academy cùng hai đối tác là TAPTAP và Infinite Lambda đã được diễn ra. Hợp tác nhằm mang đến giải pháp công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực tích điểm và chăm sóc khách hàng. Sự hợp tác này tạo nên những cơ hội thực tập và việc làm cho học viên tại học viện, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường lao động.
Theo ông David Đỗ, Giám đốc điều hành Quỹ Vietnam Investments Group (VIG), kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị VTC Academy, trong bối cảnh Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ vào kỷ nguyên số hóa, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã trở thành yếu tố cốt lõi để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia.
“Với mỗi năm đào tạo hơn 1.000 nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực trọng yếu như lập trình, thiết kế và digital marketing, VTC Academy đang tạo ra lực lượng lao động trẻ sẵn sàng đáp ứng những thách thức của thị trường lao động trong thời đại số”, ông David Đỗ cho biết thêm.
Ngày 12/12, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã tổ chức hội nghị công bố kết quả các đề án thành phần thuộc Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế gồm 8 ngành: Công nghệ thông tin - Truyền thông (1), Cơ khí - Tự động hóa (2), Trí tuệ nhân tạo (3), Quản trị doanh nghiệp (4), Tài chính - Ngân hàng (5), Y tế (6), Du lịch (7), Quản lý đô thị (8).
Đề án nhằm đào tạo nhân lực bậc đại học và sau đại học có trình độ quốc tế đối với 8 ngành, góp phần phát triển lực lượng lao động có chất lượng cao. Từ đó, giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế cho TP.HCM và Việt Nam nói chung trong quá trình hội nhập trong chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng đổi mới toàn diện giáo dục và xu thế toàn cầu hóa lực lượng lao động.