06:00 22/09/2021

Thúc đẩy kinh tế tư nhân giúp Việt Nam trở lại lộ trình tăng trưởng cao

Kyle Kelhofer (*) và Carolyn Turk (**)

Việt Nam là một hình mẫu nổi bật khi nhanh chóng vươn lên đứng vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ. Tuy nhiên, Covid-19 xuất hiện và đe dọa khả năng hiện thực hóa mục tiêu này…

Thúc đẩy kinh tế tư nhân giúp Việt Nam trở lại lộ trình tăng trưởng cao - Ảnh 1

Trong các nền kinh tế mới nổi, Việt Nam là một hình mẫu nổi bật khi nhanh chóng vươn lên đứng vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ, với tỷ lệ nghèo giảm từ 50% vào năm 1990 xuống còn 2% sau gần 30 năm, vào năm 2018.

Thành công này có được nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh và bền vững, xuất phát từ chính sách mở cửa thương mại, tự do hóa nhiều ngành kinh tế, và mô hình tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu, với khu vực kinh tế tư nhân giữ vai trò chủ đạo. Thành công này cũng đã nuôi dưỡng một khát vọng mới: Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ trở thành nước có thu nhập cao.

COVID-19 VÀ CÂU HỎI ĐẶT RA CHO TƯƠNG LAI

Tuy nhiên, Covid-19 xuất hiện và đe dọa khả năng hiện thực hóa mục tiêu này. Nhưng Covid-19 cũng không phải là nguy cơ duy nhất. Ngay từ trước khi đại dịch tấn công, một số động lực tạo đà cho tăng trưởng cao của Việt Nam đã dần suy yếu. Dân số đang già hóa và những thay đổi liên tục về công nghệ đã khiến Việt Nam phải định hình lại chiến lược xuất khẩu theo định hướng sản xuất gia công giản đơn. Những thách thức khác như sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới luật pháp và thể chế, tăng cường cạnh tranh, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động, và mở rộng cơ hội tiếp cận tài chính cũng ngày càng trở nên rõ nét và đòi hỏi những giải pháp cấp bách.

Trong làn sóng Covid-19 đầu tiên, Việt Nam được coi là một điển hình toàn cầu về ứng phó thành công với đại dịch khi đã hành động nhanh chóng để kiểm soát dịch bệnh. Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế trên thế giới có được tăng trưởng dương trong năm 2020, và vào cuối quý II năm 2021 đã đạt sản lượng cao hơn mức trước đại dịch. Tuy nhiên, những biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng dẫn đến sụt giảm đáng kể hoạt động kinh tế và gây khó khăn cho cả hộ gia đình lẫn doanh nghiệp.   

Giờ đây, Việt Nam đang phải đối mặt với một làn sóng Covid khác - lần này là biến thể Delta với mức độ lây nhiễm cao trong khi tỷ lệ tiêm chủng toàn dân còn thấp. Các biện pháp mạnh mẽ được áp dụng nhằm ngăn chặn dịch bệnh đồng thời lại trở thành nguy cơ kéo lùi lộ trình phục hồi kinh tế của Việt Nam. Tình trạng giãn cách xã hội khiến lực cầu tiêu dùng giảm, tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế. Khối doanh nghiệp đang tiếp tục phải đối mặt với áp lực của giãn cách xã hội kéo dài trong các tháng gần đây. Nhìn chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và nông nghiệp tiếp tục trải qua những cú sốc sụt giảm doanh thu. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ không trả được nợ vay, và tình hình mỗi ngày lại xấu hơn do sự gia tăng liên tục các ca nhiễm Covid-19. 

Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh này, kinh tế Việt Nam sẽ phải tiếp tục theo hướng nào? Covid-19 đã gia tăng áp lực lên ngân sách nhà nước do chính phủ phải tập trung nguồn lực để ngăn chặn đại dịch lây lan và hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, giải pháp hợp lí là Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa vai trò của khu vực tư nhân để ngăn chặn đà sụt giảm, tăng cường khả năng chống chịu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và việc làm.

KINH TẾ TĂNG TỐC GẮN LIỀN VỚI KHU VỰC TƯ NHÂN

Đây là thông điệp chính của Báo cáo Nghiên cứu Đánh giá Khu vực Kinh tế Tư nhân Việt Nam (CPSD) do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới thực hiện với mục tiêu đánh giá khách quan hiện trạng nền kinh tế và đề xuất các giải pháp kịp thời và cụ thể để kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi toàn diện và bền vững. 

Báo cáo CPSD nhận định việc đưa Việt Nam trở lại lộ trình phát triển tốc độ cao – và hiện thực hóa những khát vọng tương lai – gắn liền với việc thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế. Cần nhấn mạnh là khu vực kinh tế tư nhân đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Quốc gia này đã gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu trong các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động, trở thành nhà xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, và có khu vực kinh tế tư nhân trong nước sôi động với ngày càng nhiều các tập đoàn mới nổi mở rộng hoạt động trên khắp khu vực Đông Á.

Chính trong bối cảnh Việt Nam phải tập trung đối phó với đại dịch, thì khu vực tư nhân đã cho thấy khả năng ứng phó với trạng thái “bình thường mới” bằng việc nhanh chóng áp dụng các nền tảng kỹ thuật số. Thương mại điện tử đã gia tăng mạnh. Doanh nghiệp và cả người tiêu dùng đã đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ số, qua đó thúc đẩy quá trình dịch vụ hóa các hoạt động sản xuất và sự hội nhập thương mại khu vực sâu hơn.

Việc phát triển các kỹ năng ứng dụng công nghệ số cho người lao động, cũng như kỹ năng nghiệp vụ và quản lý, sẽ trở thành yếu tố sống còn để chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng theo định hướng đổi mới sáng tạo. Tăng trưởng của các ngành xuất khẩu thâm dụng tri thức, ngành công nghiệp dịch vụ và đẩy mạnh tự động hóa trong các ngành kinh tế báo hiệu sự cần thiết phải chuẩn bị một lực lượng lao động với các kỹ năng tương ứng cũng như hạ tầng cần thiết cho quá trình nâng cao tay nghề và cải thiện kỹ năng liên tục .

Việt Nam cũng có cơ hội gia tăng năng suất lao động bằng cách thu hẹp khoảng cách giới trong vấn đề tiền lương và sự tham gia vào thị trường lao động. Ước tính, việc tạo điều kiện tốt hơn cho sự  tham gia bình đẳng của cả nam và nữ vào thị trường lao động có thể mang lại cho nền kinh tế  khoảng 40 tỷ USD vào năm 2025.

 
Chính trong bối cảnh Việt Nam phải tập trung đối phó với đại dịch, thì khu vực tư nhân đã cho thấy khả năng ứng phó với trạng thái “bình thường mới” bằng việc nhanh chóng áp dụng các nền tảng kỹ thuật số.

Đồng thời, tăng trưởng xanh đang và sẽ tiếp tục là trung tâm của những nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong những năm tới. Chính phủ và doanh nghiệp cần phải đưa các giải pháp xanh vào lộ trình phát triển cho tương lai. 

Tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Việt Nam đã đi kèm với suy thoái về môi trường và thiên nhiên, đồng thời Việt Nam cũng là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và thiên tai. Việt Nam đã nhận thức được vấn đề này và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh nhiều lần về tầm quan trọng của phục hồi kinh tế xanh và xây dựng một nền kinh tế xanh, từ đó cũng sẽ giúp mở ra các thị trường mới thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo xanh.  

Để duy trì lợi thế cạnh tranh, Việt Nam cũng phải tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng - và báo cáo CPSD đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện lĩnh vực năng lượng và kho vận. 

Việc mở cửa hơn nữa lĩnh vực năng lượng cho khu vực tư nhân sẽ giúp đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng và đòi hỏi cấp thiết phải chuyển hướng từ các nguồn không thể tái tạo sang các nguồn tái tạo. Báo cáo CPSD chỉ ra rằng, để đạt được mục tiêu đã đề ra về phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam cần đầu tư 23,7 tỷ đô la Mỹ từ nay cho tới 2030. 

Để đầu tư cho tương lai, báo cáo CPSD cũng đề xuất một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy cơ hội tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, và tăng cường nguồn tài chính dài hạn, để giúp doanh nghiệp tư nhân mở rộng, sáng tạo, và đa dạng hóa phát triển các hoạt động mới có năng suất cao trong các lĩnh vực hạ tầng và dịch vụ.

Cơ hội đã sẵn có. Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế có sẵn từ một tầng lớp trung lưu đang không ngừng lớn mạnh, cùng quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa mạnh mẽ. Sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân cũng có thể tạo khác biệt đáng kể trong những lĩnh vực như kinh doanh nông nghiệp và du lịch, thông qua tăng cường đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh, mở cửa và dỡ bỏ các rào cản gia nhập, khắc phục những bất cập về quy định pháp luật, và xây dựng khung chính sách rõ ràng và minh bạch cho sự tham gia của khu vực tư nhân.

Cam kết của chính phủ trong việc tạo lập một môi trường thuận lợi cho kinh doanh đã góp phần đưa đến những thành tựu kinh tế đáng kể. Việc thúc đẩy sự phát triển của một khu vực tư nhân năng động, đa dạng, và sáng tạo có vai trò thiết yếu để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển tiếp theo của quốc gia. Cùng với đó, cần tiếp tục cải cách nhiều hơn nữa để hiện đại hóa khuôn khổ pháp lý, hợp lý hóa các quy trình, cải thiện việc triển khai, và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Lộ trình để Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quá trình này. 

---------

(*) Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC tại Việt Nam, Lào, Campuchia.

(**) Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.