16:44 04/04/2024

Thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ, thương mại hóa thiết bị, dịch vụ 6G ở Việt Nam

Nhĩ Anh

Ban chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển về tiêu chuẩn, ứng dụng, an toàn thông tin, sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ 6G tại Việt Nam. Nghiên cứu, đóng góp vào hoạt động của các tổ chức quốc tế trong hoạt động nghiên cứu phát triển tiêu chuẩn công nghệ 6G trên cơ sở hỗ trợ , tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất thiết bị và triển khai thương mại dịch vụ 6G cho doanh nghiệp Việt Nam...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký ban hành Quyết định 406/QĐ-BTTTT kiện toàn Ban chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin di động 6G.

Theo Quyết định này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm Trưởng Ban chỉ đạo. Hai Phó trưởng Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng và Thứ trưởng Phan Tâm.

Ban Chỉ đạo gồm 11 uỷ viên, gồm các ông: Nguyễn Văn Bá, Tổng biên tập báo VietNamNet, được giao nhiệm vụ Trưởng nhóm Truyền thông; Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại; Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông; Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện; Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông; Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; Nguyễn Khắc Lịch, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông quân đội Viettel; Nguyễn Nam Long, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT; Vĩnh Tuấn Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; Nguyễn Minh Quang, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel- Tập đoàn Viettel.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển về tiêu chuẩn, ứng dụng, an toàn thông tin, sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ thông tin di động 6G tại Việt Nam.

Nghiên cứu, đóng góp vào hoạt động của các tổ chức quốc tế như ITU, APT, 3GPP,... trong hoạt động nghiên cứu phát triển tiêu chuẩn công nghệ thông tin di động 6G trên cơ sở hỗ trợ , tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất thiết bị và triển khai thương mại dịch vụ thông tin di động 6G cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng thời, theo dõi, tổng hợp tình hình nghiên cứu phát triển về tiêu chuẩn, sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ thông tin di động 6G của các tổ chức quốc tế, các quốc gia tiên tiến trên thế giới; kết hợp với nghiên cứu, dự báo xu hướng phát triển của thị trường viễn thông trong nước và quốc tế.

Trên cơ sở đó đề ra lộ trình nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa thiết bị 6G; lộ trình thử nghiệm và thương mại hóa dịch vụ 6G; giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ 6G.

Ban Chỉ đạo thành lập Tổ giúp việc do Cục trưởng Cục Viễn thông là Tổ trưởng. Nhiệm vụ của Tổ giúp việc do Trưởng Ban Chỉ đạo phân công. Tổ giúp việc được huy động các chuyên gia tư vấn để thực hiện nhiệm vụ được giao trong trường hợp cần thiết.

Cục Viễn thông là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, giúp Ban Chỉ đạo điều phối hoạt động của Ban Chỉ đạo theo Kế hoạch đề ra; chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Ban Chỉ đạo.

 
Công nghệ mạng di động 6G là bước tiến tiếp theo của 5G hiện nay. Theo lý thuyết, 6G ước đạt tốc độ 1 terabit/giây. Có nghĩa, trung bình mỗi giây, người dùng có thể tải 142 giờ nội dung video ở độ phân giải cao nhất. So với 5G, tốc độ lý thuyết của mạng 6G nhanh gấp 100 lần.
Công nghệ 6G được kỳ vọng là nền tảng cho một kỷ nguyên thông minh, nơi AI và robot trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống. Mạng 6G hứa hẹn sẽ số hoá và kết nối toàn thế giới. Nhiều nước đã sẵn sàng nghiên cứu triển khai công nghệ mạng 6G như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Phần Lan, châu Âu... Nhiều hãng đang tăng tốc phát triển công nghệ nhằm chiếm thế tiên phong trong việc xác định các tiêu chuẩn của mạng 6G. Một số nước đã đạt được những bước tiến mới trong nghiên cứu về 6G.