16:34 08/08/2023

Thúc đẩy thương mại điện xuyên biên giới

Nhĩ Anh

Diễn ra trong hai tuần, Ngày bán hàng trực tuyến ASEAN 2023 được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh hơn nữa việc khu vực hướng tới các nền tảng kỹ thuật số và khuyến khích người tiêu dùng, doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử, thúc đẩy thương mại số trong khu vực và tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các bên liên quan…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bắt đầu từ hôm nay, 8/8 đến ngày 22/8/2023, Ngày bán hàng trực tuyến ASEAN (AOSD) lần thứ tư năm 2023 sẽ diễn ra với nhiều sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất ở Đông Nam Á. Đây sẽ là nơi hội tụ những hàng hóa và dịch vụ tốt nhất từ khắp khu vực ASEAN trên một nền tảng thương mại điện tử duy nhất tại địa chỉ http://onlineasean.com/HomePag....

Ngày bán hàng trực tuyến ASEAN là sự kiện mua sắm trực tuyến đầu tiên được tiến hành chung trên quy mô toàn khu vực và được tổ chức thường niên kể từ năm 2020. Ủy ban điều phối ASEAN về thương mại điện tử (ACCEC) là cơ quan điều phối AOSD.

Trong lần tổ chức đầu tiên năm 2020, hơn 200 doanh nghiệp thương mại điện tử ở ASEAN đã tham gia AOSD và cung cấp nhiều loại hàng hóa và dịch vụ với mức giá khuyến mãi hoặc chiết khấu thông qua nền tảng thương mại điện tử.

Sự kiện được tiếp tục mở rộng trong năm 2021 và 2022, với hơn 300 doanh nghiệp ASEAN tham gia trên nền tảng AOSD mỗi năm.

Trong năm 2023 kỳ vọng sự quan tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp và người tiêu dùng do sự gia tăng áp dụng thương mại điện tử trong khu vực. Chương trình diễn ra theo 2 cấp độ: dành cho các giao dịch trong nước và dành cho các giao dịch xuyên biên giới.

Với cấp độ dành cho các giao dịch trong nước, các doanh nghiệp, nền tảng thương mại điện tử uy tín tại 10 quốc gia ASEAN sẽ triển khai hàng loạt chương trình mua sắm giảm giá đặc biệt dành cho người tiêu dùng tại quốc gia đó.

Cấp độ dành cho các giao dịch xuyên biên giới, các doanh nghiệp và nền tảng sẽ phối hợp triển khai chương trình mua sắm trực tuyến xuyên biên giới giữa các nước ASEAN.

AOSD hy vọng sẽ thúc đẩy khu vực hướng tới các nền tảng số và khuyến khích người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp tham gia vào thương mại điện tử do vai trò của hội nhập số là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của ASEAN. Sáng kiến này cũng bổ sung cho những nỗ lực không ngừng của các quốc gia thành viên ASEAN nhằm khuyến khích số hóa ở các doanh nghiệp.

AOSD cũng tìm cách thúc đẩy thương mại số trong khu vực và tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn giữa cơ quan chính phủ, hiệp hội doanh nghiệp và người tiêu dùng để khám phá các sáng kiến chính sách mới và thúc đẩy các công nghệ tiên tiến trong việc thúc đẩy các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới trong ASEAN.

 
Theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố, thương mại điện tử năm 2022 tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số với tốc độ tăng trưởng cao (20%) và doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Dự kiến con số này sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tăng khoảng 4 tỷ USD, tăng 25% so với năm trước.
Còn theo Báo cáo mới công bố của hãng tư vấn Access Partnership (Anh), năm 2022, kim ngạch xuất khẩu bán lẻ từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C) qua thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD (khoảng 80.700 tỷ đồng). Con số trên chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022.
Dựa trên các xu hướng xuất khẩu gần đây và tốc độ hiện tại mà doanh nghiệp áp dụng thương mại điện tử, dự báo doanh thu xuất khẩu qua thương mại điện tử ở Việt Nam có thể tăng lên 5,5 tỷ USD (124.200 tỷ đồng) vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 9%.