10:00 28/07/2023

Thương mại điện tử Việt Nam: “Miếng bánh” hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại

Vũ Khuê

Với quy mô thị trường lớn, số lượng người tiêu dùng trực tuyến tăng nhanh, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm...

Các sản phẩm làm đẹp, đồ gia dụng, điện tử, thời trang... có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thương mại điện tử.
Các sản phẩm làm đẹp, đồ gia dụng, điện tử, thời trang... có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thương mại điện tử.

Theo số liệu của Statista, đến năm 2025, doanh thu bán hàng trực tuyến sẽ chiếm khoảng 1/10 tổng doanh thu bán lẻ của Việt Nam. Doanh thu của thị trường thương mại điện tử sẽ đạt 9 tỷ USD.

DOANH THU TĂNG NHANH

Các sản phẩm làm đẹp, đồ gia dụng, điện tử, thời trang, đồ chơi, nội thất là những ngành hàng có tốc độ phát triển nhanh nhất trong thương mại điện tử Việt Nam.

Tính riêng trong ba năm qua, doanh thu của ngành thời trang Việt Nam đã tăng 180%. Dự báo trong 5 năm tới, ngành thời trang sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 24%, với doanh thu khoảng 2,1 tỷ USD.

Sản phẩm điện tử cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh trong thương mại điện tử Việt Nam, tăng gần 27%. Ước tính đến năm 2025, doanh thu ngành hàng này sẽ đạt 2,4 tỷ USD.

Ngoài ra, đồ chơi, vật nuôi và các sản phẩm thủ công có tốc độ tăng trưởng hàng năm là 16%. Tốc độ tăng trưởng của của các mặt hàng này dự kiến sẽ chậm lại dưới 15% vào năm 2025.

Kể từ năm 2017, đồ nội thất và thiết bị gia dụng đã cho thấy xu hướng tăng trưởng hàng năm là 18% và dự kiến sẽ duy trì tốc độ tương tự trong 5 năm tới.

Thực phẩm và ngành hàng chăm sóc cá nhân đã tăng hơn 3,7 lần trong 3 năm qua và dự kiến trong 6 tháng tới sẽ tăng với tốc độ hàng năm hơn 16%.

Số lượng người tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam cũng tăng nhanh chóng, năm 2017 chỉ chiếm khoảng 28% tổng số người tiêu dùng, nhưng đến năm 2020, số lượng người tiêu dùng trực tuyến đã chiếm gần 50%. Ước tính đến năm 2025, với dân số khoảng 100 triệu người, lượng người tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam sẽ chiếm hơn 70%.

Cũng theo số liệu này, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Việt Nam đang nhanh chóng bắt nhịp và vượt qua các nước ASEAN khác.

Trong cuộc khảo sát về thương mại điện tử năm 2020 của Liên Hợp Quốc trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam xếp thứ 86, tăng 2 bậc. Việt Nam cũng đang tích cực hoàn thiện và phát triển thương mại điện tử, với mục tiêu trở thành 1 trong 4 quốc gia lớn ở Đông Nam Á vào năm 2025.

Hiện tại, 40 triệu người mua sắm trực tuyến của Việt Nam chi tiêu trung bình khoảng 210 USD/năm, đứng thứ hai trong số các nước ASEAN. Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển khi tỷ lệ sử dụng internet tăng lên, điện thoại thông minh được sử dụng rộng rãi hơn và niềm tin của người dân vào mua sắm trực tuyến cũng ngày càng tăng lên.

“MIẾNG BÁNH” HẤP DẪN

Sự thành công của một số nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam như Tiki, Sendo và Thế giới di động chứng tỏ sự đón nhận thương mại điện tử của thị trường tiêu dùng Việt Nam.

Kết quả thống kê từ iPrice cho thấy, hơn 1/4 lượng truy cập thương mại điện tử tại Việt Nam đến từ Shopee. Trong quý 3/2020, Shopee trở thành trang thương mại điện tử được truy cập nhiều nhất tại thị trường Việt Nam.

Ba cổng thương mại điện tử hàng đầu tại thị trường Việt Nam, gồm: Shopee, Thế Giới Di Động và Tiki đã chiếm hơn một nửa lượng truy cập trên thị trường thương mại điện tử.

Triển vọng phát triển rộng lớn của thương mại điện tử Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, trong đó đầu tư nhiều nhất là các công ty, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore.

Được biết, gần đây Tiki đã huy động thành công 130 triệu USD từ NorthStar Group và các công ty như JD.com cũng đã rót vốn vào đó.

Sendo.vn cũng đã hoàn tất thương vụ trị giá 51 triệu USD với SBI Holding của Nhật Bản. Ngoài ra, Grab và Gojek, hai công ty khởi nghiệp có giá trị nhất của Việt Nam, đang đánh giá các điều khoản của một vụ sáp nhập tiềm năng. Khi việc sáp nhập thành công, nó sẽ có tác động lớn đến ngành thương mại điện tử trên toàn thị trường Việt Nam.

Thế giới di động trực thuộc Tập đoàn Thế Giới Di Động và là thương hiệu bán lẻ điện tử có vốn địa phương tại Việt Nam, được định giá hiện tại lên tới 2 tỷ USD.

Năm 2021, tổng vốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực tài chính và thương mại điện tử của Việt Nam đã vượt 650 triệu USD. MoMo - một công ty thanh toán điện tử của Việt Nam với mức định giá hơn 2 tỷ USD đã hoàn thành gọi vốn điện tử với hơn 200 triệu USD. Aemi Beauty, tập trung vào chuỗi cung ứng các sản phẩm làm đẹp, đã huy động vốn được 2 triệu USD từ Alpha JWC Ventures và 3 nhà đầu tư khác…

Bên cạnh các vụ mua bán sáp nhập giữa các nền tảng thương mại điện tử, báo cáo ngành logistics Việt Nam 2021 chỉ rõ, với sự gia nhập của các công ty đa quốc gia, thương mại điện tử là điểm tăng trưởng quan trọng cho dịch vụ logistics Việt Nam, đặc biệt là ngành vận tải biển quốc tế.

Chính vì vậy, những năm gần đây, các công ty logistics Hàn Quốc như Samsung SDS, Pantos, CJ GLS lần lượt gia nhập thị trường logistics Việt Nam và thu được lợi nhuận khá cao. Một số công ty thương mại điện tử của Việt Nam cũng đã bắt đầu nhận thấy nhu cầu cao của khách hàng về giao hàng nhanh và đang tăng tốc để tham gia vào lĩnh vực logistics thương mại điện tử.

Là một quốc gia ASEAN có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, những năm gần đây, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của một lượng lớn các công ty Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn hợp tác với các đối tác Việt Nam để mở rộng và khai thác thị trường thương mại điện tử tiềm năng của Việt Nam.

Hơn nữa, việc Chính phủ Việt Nam cam kết thúc đẩy chuyển đổi số nền kinh tế đã tạo đòn bẩy cho thương mại điện tử phát triển, hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào các chuỗi công nghiệp liên quan đến thương mại điện tử

“Triển lãm Thương mại điện tử xuyên biên giới lần thứ nhất” tại Việt Nam năm 2023 (CBEE) sẽ được tổ chức từ ngày 10-12/8/2023 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn.

Đây không chỉ là triển lãm hàng hóa theo nghĩa truyền thống mà sẽ tích hợp kho hàng ở nước ngoài, vận chuyển logistics, phân phối nền tảng và hợp tác sâu rộng với các nền tảng thương mại điện tử chính thống.

Triển lãm sẽ mời số lượng lớn các tổ chức mạng đa kênh, chuyên gia, người dẫn chương trình, người nổi tiếng trên internet, tận dụng triệt để phương tiện truyền thông và các phương thức tiếp thị mới, đồng thời sử dụng tài nguyên của các cơ quan điều hành đại lý và phát trực tiếp để kết nối các kênh bán sản phẩm cũng như mở rộng thị trường mới cho các nhà triển lãm.

Trong khuôn khổ Triển lãm, ngoài hội thảo chuyên đề "Cải cách hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới", Ban tổ chức sẽ tổ chức Diễn đàn Phát triển Thương mại Điện tử Việt - Trung với sự dẫn dắt của các diễn giả đến từ TIKTOK, SHOPSBU và Tập đoàn HINMAX.