07:57 19/04/2023

Việt Nam và Hoa Kỳ cùng nhau tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thương mại nông sản

Chu Khôi

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ đồng tình sẽ tiếp tục hợp tác để sớm đưa vaccine dịch tả lợn Châu Phi (AFS) vào thương mại, bảo đảm lợi ích cho ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam và các quốc gia khác. Hai bên cũng nỗ lực hợp tác kỹ thuật để giải quyết những rào cản, vướng mắc trong giao thương nông sản…

Bộ trưởng Lê MInh Hoan làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Lê MInh Hoan làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Ngày 18/4/2023, tại Hà Nội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ ông Thomas Vilsack về thúc đẩy hợp tác khoa học kỹ thuật và thương mại nông lâm sản. Cùng tham dự buổi làm việc còn có ông Marc Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảm ơn Hoa Kỳ và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã có nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, qua đó giúp tăng cường năng lực cho các cơ quan kỹ thuật của Việt Nam. Việt Nam đánh giá cao hợp tác của các chuyên gia Hoa Kỳ trong việc nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn Châu Phi (AFS).  

“Sau nhiều lần thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và được đánh giá kỹ lưỡng bởi các hội đồng khoa học, tháng 5/2022, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng đã có thư chính thức gửi Cục Thú y Việt Nam xác nhận vaccine NAVET-ASFVAC bảo đảm an toàn, hiệu lực. Hiện nay, Việt Nam đang thử nghiệm trên diện rộng, làm cơ sở chuẩn bị cho các bước hoàn thiện cuối cùng để đưa vắc xin vào thương mại hóa”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

 

"Chúng tôi mong muốn Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ quan tâm hỗ trợ các nguồn lực về tài chính và kỹ thuật thông qua các sáng kiến và hành động cụ thể để Việt Nam có thể tăng cường năng lực và thực hiện thành công các cam kết của mình khi tham gia các sáng kiến toàn cầu".

Ông Lê Minh Hoan,  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đề cập về hợp tác về biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 COP27, Việt Nam kiến nghị thúc đẩy hợp tác về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, nông nghiệp carbon thấp, phục hồi và phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Những giải pháp này nhằm thực hiện cam kết phát triển ít phát thải, đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và thích ứng với biến đổi khí hậu - đây con đường Việt Nam kiên định đi theo, vừa để phát triển bền vững đất nước, vừa để góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, Việt Nam ủng hộ và cam kết tham gia nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường do Hoa Kỳ đề xướng, như sáng kiến “Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu”, cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”; sáng kiến “Đổi mới nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu” (AIM4C); Liên minh hành động “Thúc đẩy tăng trưởng năng suất bền vững cho an ninh lương thực và bảo tồn tài nguyên” (SPG).

Ngành Nông nghiệp Việt Nam đang ưu tiên triển khai một loạt các hoạt động như: Giảm phát thải từ sản xuất lúa, chuyển đổi sang sản xuất trải cây và cây công nghiệp, phát triển sản xuất xen canh lúa tôm, triển khai sản xuất lúa gạo sử dụng ít nước, ít phân bón.

Trong chăn nuôi tập trung xử lý chất thải trong chăn nuôi và cải thiện khẩu phần  thức ăn chăn nuôi. Trong lâm nghiệp: tạo điều kiện phát triển sinh kế cho người dân vùng cao, vùng khó khăn để giữ và quản lý rừng bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết hiện nay, Việt Nam đang có kế hoạch dành nhiều chương trình ưu tiên cho Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao. Vì vậy, đề xuất Hoa Kỳ xem xét và tham gia hỗ trợ một số dự án ưu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển thành trung tâm logistics, trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, dịch vụ tiêu thụ nông sản.

NHIỀU VƯỚNG MẮC THƯƠNG MẠI CẦN THÁO GỠ

Đối với hợp tác thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết ngày 15/2, Việt Nam đã chính thức hoàn tất thủ tục và mở cửa thị trường cho bưởi chùm từ Hoa Kỳ.

 

Về vụ Điều tra Chống bán phá giá với mật ong, Hoa Kỳ đang áp thuế chống bán phá giá với mật ong của Việt Nam ở mức 58,74% - 61,27%, đây là mức thuế tương đối cao và không hợp lý, gây ảnh hưởng tới hơn 35.000 lao động nuôi ong xuất khẩu của Việt Nam.

“Chúng tôi đề nghị Hoa Kỳ đẩy nhanh quá trình đánh giá và mở cửa đối với dừa và chanh leo của Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi phía Hoa Kỳ hỗ trợ nâng cấp trung tâm chiếu xạ Hà Nội nhằm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, tạo điều kiện để xuất khẩu vải thiều, nhãn và các loại hoa quả khác sang thị trường Hoa Kỳ”, Bộ trưởng Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt 52 hồ sơ về sản phẩm biến đổi di truyền làm thức ăn chăn nuôi do các doanh nghiệp Hoa Kỳ nộp, hiện còn 4 hồ sơ đang trong quá trình xem xét. Bộ cam kết sẽ sớm thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia để xem xét, phê duyệt hồ sơ theo quy định.

Thực hiện thỏa thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp (Thỏa thuận 301), Bộ đang phối hợp với Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận đúng thời hạn. Kết quả tích cực từ vụ Điều tra 301 sẽ là động lực để ngành gỗ đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đa dạng thêm các sản phẩm để nâng cao giá trị.

Đối với vấn đề Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá với mật ong, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hy vọng trong kỳ rà soát sắp tới (tháng 9/2023), Hoa Kỳ sẽ xem xét lựa chọn nước tham chiếu phù hợp và có điều kiện tương đồng như Việt Nam (đề xuất là Ấn Độ), để giảm hoặc xóa bỏ thuế cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng trái bưởi da xanh cho Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng trái bưởi da xanh cho Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ

Ông Thomas Vilsack cho biết đã có nhiều lần được đến thăm và làm việc tại Việt Nam và mỗi lần quay lại, đều rất ấn tượng với sự phát triển mạnh mẽ và sự thay đổi nhanh chóng của Việt Nam. Năm 2023 kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, nên mong muốn mối quan hệ này sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.

Về thương mại nông sản, Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam giải quyết những vấn đề hai bên cùng quan tâm như Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thành lập thêm trung tâm chiếu xạ, cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo năng lực cho Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Hoa Kỳ đang nghiên cứu, hoàn thiện các thủ tục để quả dừa và quả chanh leo của Việt Nam được xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

“Chúng tôi quan sát khối lượng, giá trị hàng hóa nông nghiệp của hai quốc gia đã được mở rộng trong những năm vừa qua. Việt Nam đang muốn xuất khẩu quả dừa sang Hoa Kỳ và hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu câu hỏi và nhận xét các ý kiến liên quan đến việc này. Người dân Hoa Kỳ cũng đánh giá cao hương vị của chanh leo Việt Nam, chúng tôi sẽ cố gắng sớm hoàn tất quy trình đánh giá rủi ro sâu bệnh của loại quả này và sớm xuất khẩu quả này sang Hoa Kỳ”, ông Vilsack thông tin.

Bộ trưởng Thomas J. Vilsack cũng đề nghị phía Việt Nam hỗ trợ mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường đối với quả xuân đào, đào, chanh, quýt vàng...

Ông Thomas Vilsack đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo chính phủ Việt Nam trong việc sản xuất thành công vaccine ASF, đem lại hy vọng cho người chăn nuôi lợn trên thế giới. Ông Thomas Vilsack tin tưởng rằng Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có nhiều cơ hội để cùng nỗ lực và cùng hợp tác trong việc đạt mục tiêu giảm phát bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Đối với hợp tác trong lĩnh vực vaccine chống dịch tả lợn Châu Phi, ông Vilsack cho biết hai bên sẽ tiếp tục hợp tác để sớm đưa vaccine này vào thương mại, bảo đảm lợi ích cho ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam và các quốc gia khác.