16:26 27/10/2022

Thực hành ESG: Doanh nghiệp FDI đã sẵn sàng, doanh nghiệp Việt vẫn dừng lại ở “lời hứa”

Vũ Khuê

80% doanh nghiệp đã đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG trong 2-4 năm tới, nhưng chỉ 29% người tham gia khảo sát tự tin về năng lực của Ban lãnh đạo về các vấn đề liên quan đến ESG, 43% chưa cân nhắc việc thiết lập chương trình đào tạo về các vấn đề ESG…

80% doanh nghiệp đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG.
80% doanh nghiệp đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG.

PwC vừa công bố kết quả khảo sát “Mức độ sẵn sàng áp dụng ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trong cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.

Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2022, với 234 doanh nghiệp nhằm tìm hiểu về các cam kết, kế hoạch, năng lực và hoạt động của họ liên quan đến ESG. 

40% DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN ĐÃ ĐẶT CAM KẾT ESG

Báo cáo về “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022, cho thấy 80% doanh nghiệp đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG trong 2-4 năm tới.

Tuy nhiên, đa phần (57%) các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã xây dựng các cam kết rõ ràng về ESG trong khi các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam có lẽ đã áp dụng cách tiếp cận “quan sát và chờ đợi” khi hơn một nửa (58%) cho biết họ có kế hoạch cam kết ESG trong tương lai gần.

Điều thú vị là 40% doanh nghiệp tư nhân, gia đình được khảo sát cho biết họ đã đặt ra các cam kết ESG. Con số này cũng nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm của Thế hệ kế nghiệp Việt Nam và niềm tin của họ về việc các doanh nghiệp gia đình nên dẫn đầu trong các hoạt động kinh doanh bền vững.

Lý do hàng đầu thúc đẩy doanh nghiệp theo đuổi ESG là hình ảnh thương hiệu và danh tiếng (82% người tham gia khảo sát lựa chọn), tiếp theo sau là duy trì tính cạnh tranh (68%). Những yếu tố còn lại bao gồm giữ chân người lao động, thu hút nhân tài, và cuối cùng là áp lực từ nhà đầu tư, cổ đông và Chính phủ.

Theo kế quả khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu hành trình ESG. Mặc dù cam kết của ESG ở mức đáng khen ngợi, kết quả báo cáo cũng cho thấy còn tồn tại khoảng cách lớn giữa kỳ vọng và hành động.

Các doanh nghiệp hiện đang đi đúng hướng và cho thấy sự tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện hơn nữa trong hành trình thực hành ESG.

Cụ thể, 66% doanh nghiệp cho biết đang triển khai chương trình ESG, 49% doanh nghiệp đã thiết lập cơ cấu quản trị các vấn đề ESG, 35% có sự tham gia tích cực của Hội đồng quản trị về các vấn đề ESG. Tuy nhiên, chỉ 28% có các chỉ số rủi ro tổng hợp để giám sát tiến trình triển khai, 71% chưa trang bị đủ kiến thức về các dữ liệu cần thiết để báo cáo ESG.

Gần 70% người tham gia khảo sát thừa nhận họ gặp khó khăn do thiếu các quy định minh bạch. Hơn một nửa (52%) nói rằng chất lượng công bố thông tin và nhận thức của đối tác về các yếu tố ESG còn thấp cũng là thách thức hàng đầu khi kết hợp các yếu tố ESG vào khung đánh giá rủi ro của tổ chức. Cần những hướng dẫn rõ ràng, lộ trình tổng thể cho quốc gia và một sân chơi bình đẳng cho các ngành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy các chiến lược ESG.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc, lãnh đạo ESG, Dịch vụ Kiểm toán và Đảm bảo PwC Việt Nam chia sẻ, tương tự như các công cuộc chuyển đổi khác, những bước đầu tiên trên hành trình ESG sẽ khó khăn, nhưng chắc chắn đó sẽ là một quyết định xứng đáng.

Thành công không chỉ ở riêng mỗi khía cạnh tài chính, công bố thông tin, biến đổi khí hậu hay đa dạng hóa nguồn lực. Thành công trong ESG đến từ việc tích hợp tất cả các nguyên tắc này và các sáng kiến khác vào chiến lược và hoạt động của doanh nghiệp bao gồm khía cạnh quản lý rủi ro.

CẦN BAN HÀNH THÊM CHÍNH SÁCH VỀ ESG

Báo cáo cũng đã nhấn mạnh đến vai trò của đội ngũ lãnh đạo cấp cao trong việc thúc đẩy thực hiện các cam kết ESG. Vai trò quan trọng của Hội đồng quản trị trong việc đảm bảo ưu tiên thực hành ESG đó là định hướng quản lý phân bổ nguồn lực và tập trung vào những vấn đề phù hợp.

Hội đồng quản trị nắm vai trò giám sát các vấn đề ESG. Họ là người đứng ở trung tâm trong việc xem xét và tích hợp các rủi ro cũng như cơ hội từ ESG trong hoạt động của tổ chức. Không có phương pháp tiếp cận nào “phù hợp cho tất cả” để phân công trách nhiệm giám sát ESG giữa hội đồng quản trị và các ban trong hội đồng, việc giao trách nhiệm có thể thay đổi theo thời gian.

Do đó, “các thành viên hội đồng quản trị nên chuẩn bị sẵn sàng để thảo luận và giải quyết các vấn đề ESG phát sinh trong chương trình nghị sự của các phiên họp Hội đồng quản trị”, TS Đinh Toàn Trung, Giám đốc chiến lược, Ban Cố vấn Chuyên môn Viện Thành viên HĐQT Vietnam (VIOD) cho biết.

Theo kết quả khảo sát, 60% doanh nghiệp chưa đưa ra cam kết ESG là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc thiếu kiến thức khiến các công ty vẫn chưa đưa ra kế hoạch thực hiện bất kỳ cam kết nào liên quan đến ESG.

Việc các doanh nghiệp còn e ngại có thể do có quá nhiều thông tin ESG song chưa rõ ràng. Kết quả này cho thấy cần thiết phải tiến hành các cuộc đối thoại tích cực (chủ động) giữa chính phủ Việt Nam và nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn đang gặp phải thách thức này.

Điều này cũng khẳng định nhu cầu không ngừng nâng cao kiến thức và năng lực thực thi ESG trong doanh nghiệp, đặc biệt dành đội ngũ lãnh đạo cấp cao. Chỉ 29% người tham gia khảo sát cho biết Hội đồng quản trị tham gia thực hiện chương trình ESG tin tưởng vào năng lực của Hội đồng về các vấn đề ESG.

Tuy nhiên 43% lại chưa cân nhắc việc thiết lập chương trình đào tạo về các vấn đề ESG và chỉ 26% cho biết việc đào tạo cho hội đồng quản trị đang được lên kế hoạch hoặc thực hiện.

Ông Andrew Chan, lãnh đạo Phát triển bền vững và biến đổi khí hậu Đông Nam Á, Chiến lược bền vững và chuyển đổi, PwC Trung tâm Bền vững Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, hiểu rõ về ESG mà thiếu cam kết hoặc ngược lại thì đều là vô nghĩa.

“Để xây dựng một Việt Nam tốt đẹp hơn và bền vững hơn, chúng ta cần sự cam kết tập thể và hợp tác giữa nhiều bên liên quan, bao gồm cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, doanh nhân, cơ quan quản lý, chính phủ cũng như giới truyền thông”, ông Andrew Chan nhấn mạnh.