Thực hư văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ “thử ma tuý cho thanh thiếu niên, học sinh”
Mấy ngày qua, mạng xã hội và rất nhiều tờ báo đã lên tiếng về văn bản số 455/KH-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ “thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh"…
Văn bản đó là kế hoạch "Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021" của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kế hoạch do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh ký ban hành ngày 10/5/202, nhằm triển khai những nhiệm vụ do Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã giao cho Bộ.
LÒNG VÒNG VĂN BẢN GIẢI THÍCH VĂN BẢN
Kế hoạch 455 gồm 9 nhiệm vụ khác nhau, liên quan đến công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm… Tuy nhiên, khi triển khai kế hoạch này xuống các cơ sở giáo dục, nhiều người đã bất ngờ tới nhiệm vụ số 4 và nhiệm vụ số 8 của Kế hoạch. Cụ thể:
Nhiệm vụ 4 yêu cầu "Phối hợp thí điểm tại một số địa phương về thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển các phương tiện giao thông".
Nhiệm vụ 8 yêu cầu: "Xây dựng, triển khai kế hoạch dự phòng nghiện ma túy cho thanh niên, thiếu niên và học sinh, sinh viên".
Khi nhận văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở giáo dục đã "giật mình" và đặt câu hỏi: Văn bản chỉ rõ phòng chống ma túy… Tại sao nội dung đưa ra lại là: “thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh…”; “kế hoạch dự phòng nghiện ma túy cho thanh niên, thiếu niên”? Phải chăng đây là năng lực hay sai sót, thiếu trách nhiệm của người soạn thảo văn bản, người ký văn bản…
Sau phản hồi của dư luận, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, Bộ rà soát lại ngay các nội dung trong kế hoạch số 455/KH-BGDĐT và lập tức có văn bản số 2043/BGDĐT-GDCTHSSV về việc hướng dẫn làm rõ hơn về nội hàm một số nhiệm vụ trong Kế hoạch 455.
Văn bản này giải thích cụm từ "thử ma túy" trong nhiệm vụ 4 được hiểu là "xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể". Còn "dự phòng nghiện ma túy" trong nhiệm vụ 8 được hiểu là "hoạt động phòng ngừa nghiện ma túy".
PHẢI CHỐNG CÁCH DÙNG TIẾNG VIỆT GÂY HIỂU NHẦM
Theo tìm hiểu, hai cụm gây hiểu ngược như trên đã được sử dụng trước đây - trong phần phụ lục gửi kèm Văn bản số 1477/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ, ban hành ngày 9/3/2021. Văn bản này đã gửi đến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, nói về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.
Nội dung cụ thể tại nhiệm vụ số 55 của phụ lục ghi giao Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Phối hợp thí điểm tại một số địa phương thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Còn nội dung nhiệm vụ số 59 của phụ lục giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Đại học Y Hà Nội thực hiện: “Xây dựng, triển khai kế hoạch dự phòng nghiện ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên”.
Như vậy, dựa vào văn bản của cơ quan cấp trên, và cho rằng, đó là những từ thuộc chuyên ngành sâu, nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sử dụng cụm từ trên trong các văn bản của mình.
Đưa ra ý kiến về cách hành văn trong văn bản, giấy tờ, một chuyên gia về ngôn ngữ cho biết, mọi văn bản hành chính bằng tiếng Việt phải rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu để mọi người thực hiện cho đúng.
Cách sử dụng cụm từ trên, nếu gọi nó là thuật ngữ chuyên sâu, thì cách dùng trong tiếng Việt ở đây vẫn chưa đạt, vì đã gây hiểu nhầm. Ví dụ tiếng Anh có chữ “TEST” trong trường hợp nào chuyển sang tiếng Việt là “THỬ” và trong trường hợp nào dùng “XÉT NGHIỆM” để mọi người không hiểu nhầm? Vì thế rất cần đến kỹ năng của người soạn thảo văn bản, sự am hiểu cặn kẽ của người ký.
Câu chuyện này không chỉ ở văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Cho nên, cần phải rút kinh nghiệm để tránh tình trạng ra văn bản giải thích văn bản.
Cần thấy rằng, khoa học ngày càng phát triển, có những từ mới mà tiếng Việt không có, đương nhiên chúng ta phải mượn.
Và Bác Hồ cũng đã nói: “Chúng ta không chống mượn tiếng ngoại quốc để làm cho tiếng ta đầy đủ thêm. Nhưng chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu”.