16:04 29/06/2018

Thực hư việc uống nước lá sen giúp tiêu mỡ

Hoài Phương

Mỗi mùa sen về, nhiều chị em công sở lại rỉ tai nhau phương pháp uống nước đun lá sen phơi khô với mong muốn tiêu mỡ, giảm cân. Vậy sự thực lá sen có tác dụng này không?


Theo Đông y, lá sen có vị đắng chát (khổ sáp) tính bình. Vào 3 kinh tâm, can và tỳ. Có tác dụng thanh thử, lợi thấp, thăng phát thanh dương và chỉ huyết (cầm máu). Chủ trị thử thấp tiết tả (tiêu chảy do nóng ẩm mùa hè), huyễn vận (chóng mặt hoa mắt), phù thũng, thổ huyết, nục huyết (chảy máu mũi), băng lậu, tiện huyết, sản hậu huyết vận (choáng váng sau khi sinh)…
Thực hư việc uống nước lá sen giúp tiêu mỡ - Ảnh 1.
Thời xưa, lá sen tươi là vị thuốc rất thông dụng trong dân gian, dùng để chữa trị các chứng bệnh do thử thấp gây nên trong những tháng hè như: cảm nắng, say nắng, đau bụng tiêu chảy… Còn lá sen khô, hoặc đã thiêu tồn tính, dùng để chữa các chứng xuất huyết.Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, ngoài những tác dụng mà người xưa đã phát hiện, lá sen còn có tác dụng chống xơ vữa động mạch, do trong lá có nhiều loại alkaloids và flavonoid đặc biệt; ngoài ra còn có tác dụng giải độc nấm. Do đó, trên lâm sàng hiện nay, lá sen còn được sử dụng để phòng ngừa và chữa trị cao huyết áp, cao mỡ máu, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành tim và viêm túi mật. Theo các chuyên gia, những người cao tuổi cơ thể đã suy yếu, động mạch não đã bị xơ cứng, hoặc từng bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não, nên thường xuyên sử dụng lá sen.
Thực hư việc uống nước lá sen giúp tiêu mỡ - Ảnh 2.
Riêng về việc giảm béo bằng lá sen theo các nhà khóa học thì điều này là có, nhưng hiệu quả giảm mỡ bụng, giảm béo không cao. Mà tác dụng giảm mỡ được nhiều người nhắc đến ở đây thực ra là giảm mỡ máu. Tức là tác dụng hạ mỡ trong máu của lá sen chứ không phải là giảm béo.Hiện nay trên mạng xã hội có nhiều thông tin cho rằng lá sen có tác dụng hạ mỡ máu nhưng hiệu quả không cao. Thực tế là, hiệu quả không cao ở đây là do hầu hết xưa nay mọi người đều sử dụng lá sen khô để đun nước uống nhưng lại không hề biết rằng khi chúng ta phơi khô lá sen sẽ làm mất đi hầu hết hàm lượng flavonoid (thành phần chính giúp hạ mỡ máu). Chính vì sự giảm mất đi hàm lượng này so với khi lá sen còn tươi mà hiệu quả hạ mỡ máu không cao. Để giải quyết vấn đề này thì chỉ còn cách sử dụng lá sen tươi. Nhưng lá sen tươi lại có 1 nhược điểm lớn đó là khi hãm khó uống, không bảo quản được lâu do lá sen chỉ cần đưa ra ngoài 1 thời gian ngắn là đã bị khô héo rồi.
Thực hư việc uống nước lá sen giúp tiêu mỡ - Ảnh 3.
Theo ThS. BS. Nguyễn Thị Hằng, Phó chủ nhiệm bộ môn Đông dược, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam: Điều cần lưu ý là, trong các bộ phận của sen, trừ hạt sen (đã bỏ tâm sen), ngó sen và tâm sen; các bộ phận khác đều có chứa alcaloid có tác dụng an thần và tác dụng lên tim mạch nên đều phải dùng đúng liều quy định, dùng quá liều sẽ gây độc.Bệnh nhân ngộ độc vì dùng lá sen có thể gặp các triệu chứng như: tê môi, lưỡi và niêm mạc miệng, nôn nao, hoảng hốt, da xanh xao, chân tay lạnh, vã mồ hôi, co giật, mạch nhỏ yếu, khó bắt, tim đập chậm, không đều, rối loạn tim mạch, tụt huyết áp… Ngoài ra, chính tác dụng thanh nhiệt trong lá sen dễ làm cho người thể hàn bị tiêu chảy, nhiệt độ hạ thấp, chân tay lạnh, đi tiểu nhiều.Vì thế, các bác sỹ cũng khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với sản phẩm chức năng được bào chế từ lá sen, chỉ nên dùng khi thực sự cần thiết, tránh tùy tiện và luôn cảnh giác bởi nguy cơ dị ứng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Khi dùng điều trị cũng chỉ nên dùng 15 – 20 ngày/ đợt nghỉ 10 ngày rồi dùng tiếp thêm 1 – 2 đợt nữa nhưng tối đa không được quá 3 đợt/năm. Nếu không bị bệnh không nên dùng lá sen.
Chỉ nên sử dụng lá sen ngày 1 lần, sau bữa ăn tối là tốt nhất. Do lá sen có tác dụng bình ổn huyết áp, hạ áp rất tốt nên cần uống khi ăn no và trước khi ngủ. Điều này giúp bạn ngủ sẽ rất ngon. Và chỉ sử dụng trong vòng 1 tháng. Do lá sen có tác dụng phụ nếu sử dụng lâu dài.