16:37 07/04/2011

Thuế chứng khoán: Làm sao để lỗ không phải nộp?

Thái Hà

Việc nhà đầu tư tự động bị khấu trừ 0,1% thuế vào giá trị bán đã gây nhiều bức xúc, nhất là khi giao dịch lỗ

Đầu tư lỗ mà vẫn phải đóng thuế là điều bất cập nhất
Đầu tư lỗ mà vẫn phải đóng thuế là điều bất cập nhất
Trong bối cảnh đa số giao dịch đều lỗ thời gian qua, việc nhà đầu tư bám sàn tự động bị khấu trừ 0,1% thuế vào giá trị bán đã gây nhiều bức xúc.

Hiện tại khung pháp lý liên quan đến thuế trong lĩnh vực chứng khoán đưa ra hai lựa chọn cho nhà đầu tư. Cách thứ nhất là đánh 20% trên tổng lãi đầu tư trong một năm. Cách thứ hai là khấu trừ 0,1% trong mỗi giao dịch bán.

Đa số nhà đầu tư cá nhân hiện đang chọn cách nộp thuế thứ hai vì sự thuận tiện. Tuy nhiên, cách này có điểm dở là không cần biết giao dịch đó lời hay lỗ, nhà đầu tư cứ “automatic” bị trừ tiền thuế. Đây chính là điều khiến rất nhiều nhà đầu tư bức xúc vì quả thật kiếm lãi trong tình trạng thị trường như hơn một năm qua là quá khó. Đã lỗ lại còn bị đánh thuế, chưa kể đến các chi phí phát sinh như lãi đòn bẩy, phí môi giới... khiến mức lợi nhuận càng mỏng, rủi ro càng cao.

Đặc biệt với lớp nhà đầu tư bám sàn - số lượng vốn càng ngày càng tăng - cường độ giao dịch rất cao thì thuế suất 0,1% cho mỗi giao dịch bán tưởng là nhỏ nhưng thực ra lại là chi phí rất lớn. Do đó khả năng lỗ còn lớn hơn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), bức xúc của nhà đầu tư là có căn cứ, nhất là với lớp nhà đầu tư chuyên nghiệp, bám sàn. Do đó cần có những chính sách “nuôi dưỡng” họ. Lực lượng nhà đầu tư này là nhân tố cơ bản để tạo lập tính thanh khoản cho thị trường. Nếu thị trường không có tính thanh khỏan, ít giao dịch thì không còn ý nghĩa của thị trường chứng khoán nữa. Chính sách thuế chứng khoán cho nhà đầu tư cá nhân cần lấy đối tượng các nhà đầu tư  bám sàn làm trọng tâm để nghiên cứu chính sách.

VAFI đã đề xuất một phương pháp đánh thuế trên cơ sở lãi trong các giao dịch bán (capital gain tax). Đặc biệt với hạ tầng công nghệ đã tiến bộ nhiều, việc giám sát cũng như tính toán các mức giá là rất dễ dàng.

Thay vì khấu trừ 0,1% vào tất cả các giao dịch bán, sẽ chỉ áp một mức thuế suất (ví dụ là 1%) vào phần lãi, tính bằng chênh lệch của giá bán bình quân trừ giá mua bình quân. Nhà đầu tư có thể mua rất nhiều lần cùng một cổ phiếu trong một thời gian dài nhưng công ty chứng khoán vẫn có thể dễ dàng tính được giá mua bình quân. Ngược lại, trong cùng một ngày, nhà đầu tư có thể bán làm nhiều lần nhưng vẫn tính được giá bán bình quân.

Lợi nhuận của giao dịch bán trong ngày hôm đó được tính bằng giá bán bình quân trừ giá mua bình quân. Lợi nhuận có thể âm và nhà đầu tư không phải nộp thuế trong các giao dịch lỗ như vậy. Ngược lại nếu có lãi, nhà đầu tư sẽ phải nộp một mức thuế suất nào đó (ví dụ là 1%) trên phần lãi. Ngay sau khi kết thúc ngày giao dịch, công ty chứng khoán có thể tính toán và khấu trừ thuế ngay nếu giao dịch là có lãi.

“Phương pháp này được áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới . Phương pháp này về bản chất cũng là một hình thức thuế khoán vì không đưa chi phí vào, tức là cũng không thể xác định lợi tức kinh doanh một cách chính xác. Tuy nhiên phương pháp này có nhiều ưu điểm hơn so với thuế khoán gắn với giá bán”, ông Hải nhận xét.

Đại diện VAFI cũng cho biết đã khảo sát sơ bộ 10 công ty chứng khoán và về mặt kỹ thuật, xác định giá bình quân của các giao dịch trên thị trường niêm yết là hoàn toàn thực hiện được. Dĩ nhiên phương pháp này sẽ khó khăn với việc chuyển nhượng trên thị trường OTC nên vẫn có thể duy trì phương pháp hiện hành. Tuy nhiên thị trường OTC đang được đưa vào quy củ và càng ngày càng thu hẹp, các giao dịch được giám sát tốt hơn.