Thuế đối ứng đe dọa chiến lược "Trung Quốc + 1"
Việc ông Trump áp thuế đối ứng toàn diện với hầu hết đối tác thương mại trên toàn cầu buộc doanh nghiệp phải tính toán lại và quyết định địa điểm cũng như cách thức sản xuất hàng hóa của mình...

Kể từ sau nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã bắt đầu giảm dần sự phụ thuộc vào ngành sản xuất của Trung Quốc với hy vọng sẽ tránh được thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ.
Tuy nhiên, ở nhiệm kỳ này của ông Trump, những rào cản mới xuất hiện và gần đây nhất là thuế đối ứng. Ngày 9/4 đánh dấu ngày toàn bộ thuế đối ứng của Mỹ với hầu hết đối tác thương mại có hiệu lực, theo đó thuế quan của Mỹ tăng lên mức cao nhất hơn 100 năm.
Cùng ngày, ông Trump bất ngờ tuyên bố hoãn mức thuế cao, chỉ áp mức thuế cơ sở 10%, của thuế đối ứng trong 90 ngày để tạo điều kiện cho đàm phán thương mại. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự tạm hoãn, và không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra sau 90 ngày.
ĐAU ĐẦU, THẤT VỌNG VÀ TỔN THƯƠNG
Việc Tổng thống Mỹ áp thuế đối ứng toàn diện với hầu hết đối tác thương mại trên toàn cầu đang khiến kế hoạch đa dạng hóa sản xuất của các doanh nghiệp rơi vào cảnh bấp bênh, buộc họ phải tính toán lại và quyết định địa điểm cũng như cách thức sản xuất hàng hóa của mình.
Ông Steve Greenspon, CEO công ty đồ gia dụng Honey-Can-Do International có trụ sở tại bang Illinois, Mỹ, đã bắt đầu dịch chuyển nhiều hoạt động sản xuất của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump. Đây là nhà cung cấp các mặt hàng gia dụng như kệ, móc treo áo và giỏ đựng đồ giặt là cho các công ty bán lẻ lớn của Mỹ như Walmart, Target và Amazon.
Trước nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Honey-Can-Do International phụ thuộc 70% sản phẩm vào các nhà cung cấp của Trung Quốc. Tỷ lệ này sau đó giảm xuống còn dưới 1/3 trong khi tỷ lệ của Việt Nam và Đài Loan tăng lên.
“Mức thuế quan đối ứng mà ông Trump áp với Việt Nam và Đài Loan khiến chúng tôi đau đầu”, ông Greenspon chia sẻ với hãng tin CNBC. “Điều này tác động mạnh tới công ty chúng tôi. Thật đáng buồn và đáng thất vọng. Là một công ty có trụ sở tại Mỹ, chúng tôi cảm thấy vô cùng tổn thương khi Chính phủ làm như vậy với mình”.
Vị doanh nhân cho biết ông không có ý định dịch chuyển sản xuất trở về Mỹ do chi phí lao động cao và thiếu các hạ tầng cần thiết cho hoạt động sản xuất của công ty.
Theo ông, thuế quan không chỉ buộc những doanh nghiệp như Honey-Can-Do International tăng giá bán với khách hàng mà còn khiến sản phẩm của công ty mất tính cạnh tranh.
CHIẾN LƯỢC "TRUNG QUỐC + 1" SỤP ĐỔ
Cuộc chiến thương mại của ông Trump với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên đã thúc đẩy chiến lược “Trung Quốc + 1” - theo đó nhiều nhà sản xuất dịch chuyển một phần hoạt động từ Trung Quốc sang các quốc gia châu Á khác có chi phí lao động thấp hơn và đối mặt ít rủi ro thuế quan từ Mỹ hơn.
Tuy nhiên, sau khi ông Trump công bố cơ chế thuế đối ứng - với mức cơ sở 10% với hầu hết các đối tác thương mại và cao hơn ở mức từ 11-50% với nhiều đối tác khác - những doanh nghiệp đã triển khai chiến lược “Trung Quốc + 1” sẽ phải đánh giá lại các lựa chọn của mình.
“Chiến lược ‘Trung Quốc + 1’ bị hủy hoại nghiêm trọng do thuế quan của ông Trump với tất cả các đối tác thương mại của Mỹ”, ông Eswar Prasad, giáo sư kinh tế và thương mại tại Đại học Cornell, nhận xét với CNBC.
Theo ông, Ấn Độ Và Việt Nam là hai nước được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực quần áo và điện tử tiêu dùng. Đơn cử, hãng công nghệ Mỹ Apple hiện đang sản xuất nhiều mặt hàng tại hai quốc gia này.
Theo chính sách thuế đối ứng của ông Trump, Ấn Độ, Việt Nam và Đài Loan lần lượt chịu mức thuế 26%, 46% và 32%, có hiệu lực từ ngày 9/4. Trung Quốc chịu thuế đối ứng 34%. Cộng thêm thuế quan bổ sung 20% đã áp dụng và 50% trừng phạt thêm, từ ngày 9/4, tổng thuế quan bổ sung với hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ là 104%.
Theo ông Prasad, việc Trung Quốc bị Mỹ áp mức thuế quan cao đồng nghĩa rằng việc xuất khẩu hàng hóa từ các quốc gia chịu thuế thấp hơn vào Mỹ sẽ vẫn có lợi.
“Tuy nhiên, toàn bộ logic về chuỗi cung ứng toàn cầu như một công cụ để giảm chi phí và nâng cao hiệu suất đã bị loại bỏ hoàn toàn vì thuế quan. Chi phí để duy trì một chuỗi cung ứng hiệu quả xuyên biên giới tăng lên đáng kể và thường là tăng thêm gấp nhiều lần”, vị chuyên gia nhận định.
Theo các chuyên gia, chưa có gì chắc chắn về các mức thuế quan của ông Trump bởi nhiều quốc gia có thể được giảm thuế quan sau đàm phán.
“Tôi cho rằng, thuế quan của ông Trump sẽ không duy trì ở các mức hiện tại. Sẽ có những thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại như Việt Nam và Ấn Độ”, ông Daniel Newman, CEO kiêm nhà phân tích trưởng tại công ty nghiên cứu công nghệ Futurum Group, nhận xét.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán vẫn đang được xúc tiến, giới doanh nghiệp có xu hướng chờ đợi để xem tình hình trước khi điều chỉnh kế hoạch sản xuất.
“Tôi cho rằng họ sẽ đợi để xem tình hình sẽ ra sao. Các quốc gia như Việt Nam đang cố gắng đàm phán với chính quyền Trump. Khó có thể đoán kết quả, nhưng các doanh nghiệp sẽ đợi xem liệu thuế quan có được giảm hay không”, ông William Reinsch, giáo sư về kinh doanh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), nhận định. “Nếu các cuộc đàm phán song phương thất bại, doanh nghiệp sẽ buộc phải cân nhắc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ các quốc gia bị Mỹ áp thuế quan cao sang nơi chịu thuế quan thấp hơn”.