Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ông Trump nêu lý do không đạt được thỏa thuận
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh Hà Nội không hề kết thúc trong căng thẳng, mà theo một cách "rất thân thiện"
Vào lúc gần 2h20 chiều, Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu cuộc họp báo tại khách sạn Marriott, sau khi cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa ông với Chủ tịch Kim Jong Un của Triều Tiên bị rút ngắn. Nhưng ông Trump mở đầu họp báo bằng cách nói về căng thẳng đang diễn ra giữa Ấn Độ với Pakistan.
Thượng đỉnh Hà Nội thúc một cách "rất thân thiện"
Ông Trump nói ông đã có một "khoảng thời gian thực sự hiệu quả" trong các cuộc thảo luận với ông Kim tại Hà Nội. Tuy nhiên, ông Trump nói "không có gì để ký kết ngày hôm nay".
"Ông ấy đúng là một người có cá tính", ông chủ Nhà Trắng nói về nhà lãnh đạo Triều Tiên. "Chúng tôi có một số lựa chọn, nhưng ở lần này, chúng tôi quyết định không thực thi bất kỳ lựa chọn nào".
"Đôi khi bạn cần rời đi", ông Trump nói. "Đây chỉ là một trong số những lần như vậy".
Ông Trump cho biết ông Kim muốn phi hạt nhân hóa, nhưng chỉ ở một số khu vực nhất định.
Ông cũng nói rằng Triều Tiên muốn được dỡ trừng phạt hoàn toàn, nhưng Mỹ không thể làm như vậy.
Ông Trump cho biết chính đòi hỏi của Triều Tiên về dỡ trừng phạt hoàn toàn đã khiến cuộc đàm phán bị trệch hướng và không đạt thỏa thuận.
"Chúng tôi chưa từ bỏ bất kỳ điều gì", ông Trump nói thêm và cho biết vẫn muốn đàm phán trong tương lai với Triều Tiên. "Họ có tiềm năng rất lớn".
Ông Trump cho biết ông Kim đã hứa với ông sẽ không có thêm các vụ thử hạt nhân hay tên lửa trong tương lai.
Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo - Ảnh: Quang Phúc.
Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ông Trump, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo nói ông Kim "chưa sẵn sàng" đáp ứng các yêu cầu của Mỹ.
"Chúng tôi không đạt được điều gì có ý nghĩa cho nước Mỹ. Tôi cho rằng Chủ tịch Kim đã hy vọng rằng chúng tôi sẽ đạt được điều gì đó. Nhưng chúng tôi lại đòi hỏi ở ông ấy nhiều hơn. Ông ấy chưa sẵn sàng cho việc đó. Nhưng tôi vẫn lạc quan", ông Pompeo nói.
Sau khi thừa nhận thượng đỉnh Hà Nội kết thúc không có thỏa thuận là do vấn đề lệnh trừng phạt, ông Trump nói ông vẫn muốn chứng kiến các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên được dỡ bỏ trong tương lai.
"Tôi rất muốn dỡ các biện pháp trừng phạt, vì Triều Tiên tiềm năng rất lớn để phát triển", ông Trump nói.
Tại cuộc họp báo, ông Trump nói với các nhà báo rằng mối quan hệ của ông với ông Kim Jong Un là "rất ấm áp". Ông khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh Hà Nội không hề kết thúc trong căng thẳng, mà theo một cách "rất thân thiện".
"Đây không phải là sự rời đi giống như bạn đứng dậy và bỏ đi", ông Trump nói về kết thúc của cuộc gặp. "Khi chúng tôi rời đi, đó là một sự rời đi thân thiện".
Ảnh: Quang Phúc.
"Không có thỏa thuận là do vấn đề lệnh trừng phạt"
Theo ông Trump, hai bên đã bàn về vấn đề nhà máy hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên, và ông Kim sẵn sàng đóng cửa nhà máy này, nhưng với điều kiện lệnh trừng phạt phải được dỡ hoàn toàn. Ông Trump nói rằng một động thái như vậy của Triều Tiên là lớn, nhưng "chưa đủ lớn" để dỡ trừng phạt.
Tổng thống Mỹ cho biết hiện ông chưa có kế hoạch có thêm một cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba với ông Kim Jong Un. "Chúng ta hãy chờ xem, điều gì phải đến sẽ đến", ông nói, và cho biết thêm ông chưa cam kết gì về một cuộc gặp nữa.
Ông Trump bày tỏ tin tưởng vào lời hứa ngừng thử tên lửa và hạt nhân mà ông Kim đưa ra với ông trong bữa tối ngày thứ Tư giữa hai nhà lãnh đạo. "Ông ấy sẽ không thử tên lửa và hạt nhân nữa. Tôi tin lời ông ấy. Tôi mong điều đó là thật".
Tổng thống Mỹ Donald Trump họp báo tại Khách sạn Marriott.
Ngoài ra, ông Trump cho biết ông sẽ sớm gọi điện cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để thảo luận về kết quả thượng đỉnh Hà Nội.
Khi được hỏi liệu Mỹ có gia tăng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, ông Trump nói đó là điều mà ông không muốn nói đến. Ông nói, người dân ở Triều Tiên "cũng phải sống", và việc ông trở nên quen biết với ông Kim cũng là một nhân tố.
Khép lại cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ nói: "Tôi chuẩn bị lên máy bay và bay trở về một nơi tuyệt vời được gọi là Washington DC".
Ông Trump rời cuộc họp báo - Ảnh: Quang Phúc.
Lịch trình bị rút ngắn
Vào lúc gần 1h chiều, thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders bất ngờ thông báo với giới truyền thông rằng bữa trưa kết hợp bàn công việc giữa ông Trump với ông Kim đã bị hủy.
Cuộc đàm phán giữa ông Trump với ông Kim có sự tham gia của các quan chức cấp cao Mỹ-Triều sẽ kết thúc sau khoảng 30 phút kể từ thời điểm có thông báo trên.
Có khả năng lễ ký thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo cũng có thể sẽ bị hủy, Reuters đưa tin. Khi được hỏi về lễ ký thỏa thuận, bà Sanders từ chối trả lời.
Theo bà Sanders, sau khi họp xong, ông Trump sẽ đi từ khách sạn Metropole trở về khách sạn Marriott để tiến hành họp báo vào lúc 2h chiều, sớm hơn gần 2 tiếng so với dự kiến.
Phòng họp báo ở Marriott - Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn tuyên bố từ Nhà Trắng cho biết ông Trump và ông Kim không đạt thỏa thuận nào tại thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội. Tuy nhiên, hai bên vẫn hy vọng sẽ tiếp tục có các cuộc gặp trong tương lai.
"Hai nhà lãnh đạo đã bàn nhiều biện pháp để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và những ý tưởng dựa trên kinh tế… Không có thỏa thuận nào đạt được trong lần này, nhưng hai bên mong muốn sẽ tiếp tục gặp trong tương lai", thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói trong một tuyên bố.
Phát biểu trước khi diễn ra cuộc họp báo của ông Trump, một quan chức Chính phủ Hàn Quốc nói với CNN rằng "chúng tôi cũng đang bối rối như toàn thể thế giới vậy". "Cả thế giới đã chờ một thỏa thuận, và chúng tôi cũng thế", vị này nói.
Ảnh: CNN.
Ảnh: Vnexpress
Lúc 13h20, đoàn xe chở lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ đã rời khách sạn Metropole. Đến 13h28 phút đoàn xe chở nhà lãnh đạo Triều Tiên đã về khách sạn Melia. Trong khi đó, các phóng viên đang bắt đầu làm thủ tục chuẩn bị vào buổi họp báo với Tổng thống Mỹ tại khách sạn Marriott.
Những tác động sau thượng đỉnh
Chỉ số chứng khoản Hàn Quốc chiều 28/2 - Ảnh: Twitter.
Chỉ số Kospi của thị trường chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa với mức giảm 1,8%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2018.
Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tương lai của thị trường chứng khoán Mỹ giảm 0,5% lúc hơn 2h chiều theo giờ Việt Nam, báo hiệu khả năng giảm điểm trong phiên giao dịch chính thức của ngày thứ Năm vào đêm nay.
Trước cuộc gặp lần này giữa ông Trump và ông Kim, nhiều nhà phân tích đã không đặt nhiều kỳ vọng, và việc cuộc gặp không đạt thỏa thuận không khiến giới quan sát quá bất ngờ.
Theo đánh giá của hãng tin Bloomberg, người ở trong thế khó xử sau cuộc gặp này sẽ không phải là ông Trump hay ông Kim, mà chính là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người được cho là đã chuẩn bị cho một kế hoạch hợp tác kinh tế liên Triều để công bố vào ngày 27/2.
Tuần trước, ông Moon nói với ông Trump rằng Seoul "sẵn sàng đảm nhiệm vai trò kết nối đường sắt liên Triều và các dự án hợp tác kinh tế giữa hai miền nếu việc đó san sẻ bớt gánh nặng cho Mỹ".
"Triều Tiên có thể trở thành một cường quốc kinh tế"
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã bắt đầu ngày họp thứ hai của hội nghị thượng đỉnh Hà Nội vào lúc 9h sáng nay (28/2) tại khách sạn Metropole.
Phát biểu trước các nhà báo có mặt ở phần mở đầu của cuộc thảo luận, ông Trump nói Triều Tiên có thể trở thành một "cường quốc kinh tế", rằng ông mong muốn giúp điều đó trở thành hiện thực. "Tôi nghĩ đó sẽ là một điều gì đó rất đặc biệt", ông Trump nói.
Ông Kim đáp lại rằng toàn thể thế giới đang theo dõi cuộc nói chuyện giữa hai nhà lãnh đạo, rằng ông mong muốn có "một cuộc đối thoại tuyệt vời" với ông Trump.
Ông Trump nói ông không vội trong việc đi đến một thỏa thuận với Triều Tiên. “Ngay từ đầu, tôi vẫn nói rằng tốc độ không phải là điều quan trọng đối với tôi”, hãng tin CNN dẫn lời ông Trump. “Điều quan trọng là chúng ta có một thỏa thuận đúng đắn”.
Người đứng đầu Nhà Trắng dự báo hai bên sẽ có “thành công tuyệt vời”, nhưng không hé lộ gì về kết quả có thể đạt được trong hội nghị thượng đỉnh này. “Tôi tin chắc là trong những năm tới, chúng ta sẽ gặp nhau nhiều”, ông Trump nói với ông Kim Jong Un.
Trong một diễn biến được giới truyền thông quốc tế đánh giá là thú vị, ông Kim Jong Un đã trả lời câu hỏi của một nhà báo trong khán phòng. Đây được xem là lần đầu tiên Chủ tịch Triều Tiên trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế, hãng tin Reuters cho hay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong khuôn viên khách sạn Metropole - Ảnh: Reuters.
Phóng viên của tờ Washington Post đặt câu hỏi: “Chủ tịch Kim, ông có lạc quan về một thỏa thuận không?” Ông Kim đáp: “Còn quá sớm đển trả lời. Tôi sẽ không đưa ra câu trả lời sớm. Nhưng tôi có cảm giác là sẽ có kết quả tốt”.
Ông Kim cũng nói với các nhà báo rằng có nhiều người hoài nghi về cuộc gặp của ông với Tổng thống Mỹ. "Tôi tin chắc rằng tất cả bọn họ đang theo dõi thời khắc chúng tôi ngồi cạnh nhau, như thể họ đang xem một bộ phim kỳ ảo vậy", ông nói.
Nguồn: ABC News.
Sau phần trao đổi trước báo giới, ông Trump và ông Kim cùng ra khỏi phòng để đi dạo trong khuôn viên khách sạn Metropole. Theo dự kiến ban đầu, hai nhà lãnh đạo sẽ có một cuộc trò chuyện cạnh bể bơi của khách sạn. Tuy nhiên, kế hoạch này có vẻ như đã thay đổi, theo CNN. Hãng tin này nói rằng ông Trump và ông Kim đã phải chuyển vào trong phòng vì thời tiết nóng ẩm của Hà Nội.
Theo dự báo thời tiết, nhiệt độ ở Hà Nội sáng 28/2 là 23 độ C và độ ẩm là 93%, trong khi cả ông Trump và ông Kim đều mặc bộ suit.
Triều tiên "sẵn sàng phi hạt nhân hóa"
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un nói "lấp lửng" về ý tưởng mở một văn phòng liên lạc của Mỹ ở Triều Tiên, khi hai nhà lãnh đạo cùng các quan chức cấp cao hai nước tiến hành thảo luận vào trưa ngày 28/2.
Theo tin từ CNN, khi một nhà báo có mặt trong phòng họp đặt câu hỏi liệu Mỹ có mở văn phòng liên lạc ở Bình Nhưỡng, ông Kim có vẻ như không muốn trả lời câu hỏi này và đề nghị ông Trump mời các nhà báo ra ngoài phòng họp.
Mặc dù vậy, ông Trump có vẻ như vội đưa ra câu trả lời của mình, nói rằng đây là một câu hỏi tốt. "Tôi muốn được nghe câu trả lời cho câu hỏi đó", ông Trump nói.
Lúc này, ông Kim mới nói rằng mở văn phòng liên lạc Mỹ ở Bình Nhưỡng là một điều "đáng hoan nghênh".
"Thực ra, tôi nghĩ đó là một ý tưởng hay", ông Trump nói thêm.
Tiếp đó, ông Kim Jong Un nói rằng sẽ là tốt hơn nếu ông và ông Trump được thảo luận kín về vấn đề này.
Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, ông Kim nói rằng ông đã không có mặt ở Việt Nam nếu ông không sẵn sàng cho việc theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa.
Trả lời về câu hỏi đã đến lúc đưa ra một tuyên bố chính trị kết thúc chiến tranh hay chưa? Ông Trump nói "bất kể điều gì xảy ra đi chăng nữa, chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận tốt đẹp cho cả Chủ tịch Kim lẫn đất nước của ông ấy và cho cả chúng tôi. Tôi nghĩ đó là điều sẽ xảy ra. Điều này không có nghĩa là chúng tôi sẽ thực hiện nó trong ngày một ngày hai. Tất cả sẽ hướng tới một thành công lớn lao. Tôi thực sự tin vào lãnh đạo Triều Tiên. Tôi thực sự tin họ sẽ rất thành công và nên kinh tế của họ sẽ đạt được điều gì đó đặc biệt".
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều trong khuôn viên khách sạn Metropole - Ảnh: CNN.
Toàn bộ các hoạt động sáng 28/2 của ông Trump và ông Kim đều diễn ra tại khách sạn Metropole. Sau bữa trưa kết hợp công việc, hai nhà lãnh đạo sẽ tiến hành ký thỏa thuận vào lúc 2h05 chiều.
Ảnh: Reuters.
Sau đó, ông Trump sẽ trở về khách sạn JW Marriott, nơi ông nghỉ lại trong thời gian dự thượng đỉnh Hà Nội, và có một cuộc họp báo vào lúc 3h50 chiều. Kết thúc họp báo, ông Trump sẽ lên đường ra sân bay Nội Bài vào lúc 5h15 để bay về Mỹ, trong khi ông Kim Jong Un sẽ ở lại Hà Nội đến thứ Bảy theo như xác nhận của truyền thông nhà nước Triều Tiên.
Ông Trump trả lời báo giới.