15:35 16/11/2021

Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung: Ông Biden và ông Tập hứa tránh xung đột

An Huy

Trong cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến kéo dài vài giờ đồng hồ vào ngày thứ Hai (15/11) theo giờ Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh trách nhiệm của họ với thế giới tránh để xảy ra xung đột...

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào buổi tối ngày 15/11 theo giờ Mỹ - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào buổi tối ngày 15/11 theo giờ Mỹ - Ảnh: Reuters.

“Đối với tôi, dường như trách nhiệm của chúng ta trên cương vị hai nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ là đảm bảo rằng sự cạnh tranh của hai nước sẽ không đi trệch hướng thành xung đột, dù là vô tình hay hữu ý”, ông Biden nói. “Nói một cách đơn giản, hãy cạnh tranh thẳng thắn”.

Theo hãng tin Reuters, cuộc gặp trực tuyến của hai nhà lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – đang bất đồng về nhiều vấn đề, gồm nguồn gốc của đại dịch Covid-19, thương mại, sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc, Đài Loan, Tân Cương…

Gọi ông Biden là “bạn cũ”, ông Tập nói hai bên cần đẩy mạnh liên lạc và hợp tác để giải quyết thách thức. “Với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường liên lạc và hợp tác”, ông Tập nói.

Ông Biden hứa sẽ giải quyết những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, bao gồm vấn đề nhân quyền và các vấn đề khác ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nói thêm rằng “ông và tôi chưa bao giờ câu nệ đến như vậy”.

Do ông Biden khởi xướng và bắt đầu vào lúc 7h46 tối theo giờ Washington, cuộc gặp nhằm mục đích giảm bớt căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Sau phần đầu kéo dài 2 giờ đồng hồ, nhiều hơn nửa tiếng so với dự kiến, hai bên có 15 phút nghỉ giải lao. Tiếp đó, hai nhà lãnh đạo cùng trở lại với cuộc gặp – truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay.

Một nhóm nhỏ các nhà báo đã chứng kiến những phút đầu của cuộc gặp, khi họ có mặt cùng với ông Biden trong phòng Roosevelt của Nhà Trắng. Sau đó, hai vị nguyên thủ cùng các trợ lý tiến hành họp kín.

Ông Biden và ông Tập chưa hề có một cuộc gặp trực tiếp nào kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ. Lần gần đây nhất hai nhà lãnh đạo điện đàm là vào tháng 9.

Trước cuộc gặp lần này, giới chức Mỹ đã hạ thấp kỳ vọng về bất kỳ một thoả thuận nào giữa hai nước, bao gồm thoả thuận về thương mại. Trung Quốc hiện chưa thực hiện đúng cam kết về mua thêm 200 tỷ USD hàng hoá và dịch vụ của Mỹ mỗi năm. Trong nội dung mà ông Biden chuẩn bị cho cuộc gặp không bao gồm vấn đề thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hoá Trung Quốc.

Nhà Trắng từ chối trả lời những câu hỏi về việc liệu Mỹ có cử quan chức tới Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng 2 hay không. Các nhà hoạt động và nhiều nghị sỹ Mỹ đã kêu gọi chính quyền ông Biden tẩy chay sự kiện này.

“Cả hai đang cố gắng đặt ra một mục tiêu cho cuộc gặp là tạo dựng sự ổn định trong mối quan hệ song phương… Tuy nhiên, vấn đề là liệu họ có đạt được thoả thuận gì, hay nhất trí gì để tránh những bước gây leo thang căng thẳng”, chuyên gia Scott Kennedy thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington nhận xét.

Với Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào năm tới, chắc chắn Trung Quốc không muốn mối quan hệ với Mỹ xấu thêm vào lúc này. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng muốn Mỹ không tiến xa hơn trong vấn đề Đài Loan.

Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ ngày 16/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian nói: “Hy vọng là Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau ở điểm giữa, tăng cường đối thoại và hợp tác, quản lý hiệu quả các khác biệt, giải quyết tốt các vấn đề nhạy cảm, và tìm cách để tôn trọng lẫn nhau và cùng tồn tại hoà bình”.

Mới tuần trước, ông Tập và ông Biden đưa ra những tầm nhìn xung đột. Ông Biden nhấn mạnh cam kết của Mỹ về một “khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, cho rằng khu vực này đang đối mặt với “sự ép buộc” gia tăng từ Trung Quốc. Trong khi đó, ông Tập cảnh báo về sự trở lại của căng thẳng tương tự như thời chiến tranh lạnh.

Trong một bài viết ngày 16/1, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc gọi vấn đề Đài Loan là “giới hạn đỏ cuối cùng đối với Trung Quốc”.

Như đã đề cập ở trên, Đài Loan không phải là vấn đề căng thẳng duy nhất trong quan hệ Mỹ-Trung hiện nay. Các nghị sỹ Dân chủ trong Quốc hội Mỹ muốn đưa các biện pháp giảm rủi ro hạt nhân với Trung Quốc thành một ưu tiên, sau một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng Trung Quốc đang mở rộng mạnh mẽ kho vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa.

Bắc Kinh lập luận rằng kho vũ khí của Trung Quốc “chưa là gì” so với kho vũ khí của Mỹ hay Nga, rằng Trung Quốc sẵn sàng đối thoại nếu Mỹ giảm kho vũ khí hạt nhân về mức bằng Trung Quốc.