06:00 13/11/2021

Lạm phát leo thang thách thức chính sách kinh tế của Tổng thống Biden

An Huy

Mức lạm phát cao nhất trong 3 thập kỷ đang đặt ra thách thức mới cho Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi ông tìm cách vừa thúc đẩy một trụ cột khác trong chương trình nghị sự kinh tế của ông, vừa giải toả nỗi lo của người dân về giá tiêu dùng không ngừng leo thang...

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Bloomberg.
Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Bloomberg.

Lạm phát đã trở thành cái cớ để phe Cộng hoà tăng cường sự chỉ trích nhằm vào kế hoạch chi 2 nghìn tỷ USD cho phúc lợi xã hội và chống biến đổi khí hậu mà Đảng Dân chủ của ông Biden đang theo đuổi. Đây là kế hoạch mà Nhà Trắng gọi là “Build Back Better” (Xây dựng lại cho tốt hơn”. Các nghị sỹ Dân chủ trong Hạ viện Mỹ đặt mục tiêu hoàn tất dự luật này trong tuần tới và gửi đến Thượng viện.

Trong khi đó, báo cáo hàng tháng từ Bộ Lao động Mỹ vào hôm thứ Tư tuần này cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp lạm phát trên 5%. Sự tăng giá diễn ra trên diện rộng, từ ô tô cho tới xăng dầu, từ thực phẩm cho tới đồ nội thất.

CUỘC “ĐẤU KHẨU” VỀ LẠM PHÁT

Mấy ngày gần đây, khi phản bác những lời chỉ trích nhằm vào chính sách kinh tế của mình, ông Biden nói rằng giải quyết những thách thức liên quan đến lạm phát và tắc nghẽn chuỗi cung ứng vẫn là một ưu tiên.

Người đứng đầu Nhà Trắng nói đạo luật đầu tư hạ tầng 1 nghìn tỷ mà ông khởi xướng được Quốc hội phê chuẩn mới đây sẽ giúp giải toả các nút thắt về giao thông, và kế hoạch “Xây dựng lại cho tốt hơn” sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí cho các gia đình. Ông cố gắng tạo ra một sự cân bằng khi vừa nhấn mạnh nhưng thông tin kinh tế khả quan như tiền lương của người lao động tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống, vừa thừa nhận rằng lạm phát vẫn gây khó khăn cho các hộ gia đình Mỹ.

“Giá cả tiêu dùng vẫn đang quá cao”, ông Biden phát biểu hôm thứ Tư trong một chuyến thăm cảng Baltimore. “Mọi thứ từ xăng tới bánh mì đều đắt hơn trước”.

Chính quyền ông Biden cũng đang tìm những biện pháp khác để bình ổn chuỗi cung ứng. Tuần này, họ vạch ra một chương trình mới mà theo đó, các cảng biển gặp vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ được rót tiền để xử lý tắc nghẽn bằng vốn điều chuyển từ các dự án khác sử dụng ngân sách liên bang. Trong một ví dụ, nhà chức trách cho biết kế hoạch sẽ điều chuyển 8 triệu USD tiền vốn từ nơi khác để cấp cho cảng Savannah ở bang Georgia, để giúp cảng này mở 5 bãi container tạm thời trên cạn nhằm giải toả tình trạng ùn ứ tại bến tàu.

Những người Cộng hoà một lòng phản đối kế hoạch chi tiêu của Đảng Dân chủ và các biện pháp tăng thuế đi kèm. Họ coi báo cáo lạm phát mới nhất là một bằng chứng cho thấy việc rót thêm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế là việc làm thiếu khôn ngoan. “Lạm phát là có thật, chứ chẳng phải chuyện tạm thời. Lạm phát đang cao và đó là do chính sách kinh tế tồi tệ của chính quyền Biden”, thượng nghị sỹ Cộng hoà Kevin Cramer viết trên Twitter hôm thứ Năm.

Kế hoạch phúc lợi xã hội và chống biến đổi khí hậu của ông Biden bao gồm tăng cường hỗ trợ cho các gia đình có con nhỏ, dịch vụ nhà trẻ miễn phí, tăng tín dụng thuế trẻ em, và các hỗ trợ khác. Phe Dân chủ tại Thượng viện đã tính đến khả năng dùng một biện pháp ngân sách có tên “budget reconciliation” (hoà giải ngân sách) để thông qua dự luật này mà không cần đến sự ủng hộ của phe Cộng hoà.

Tuy nhiên, nội bộ Đảng Dân chủ cũng không hoàn toàn thống nhất. Thượng nghị sỹ Dân chủ Joe Manchin, một nhân vật quan trọng và thuộc phái trung dung, đã bày tỏ lo ngại về quy mô của kế hoạch. Ông cho rằng kế hoạch này có thể khiến lạm phát ở Mỹ leo thang cao hơn nữa, sau khi chính quyền đã bơm 1,9 nghìn tỷ USD kích cầu vào nền kinh tế hồi đầu năm nay.

Hôm thứ Tư, ông Manchin nhắc lại mối lo của ông về giá cả leo thang, đồng thời bác bỏ quan điểm trước đây của chính quyền ông Biden cho rằng lạm phát cao chỉ là vấn đề tạm thời.

“Trên mọi phương diện, mối đe doạ mà lạm phát kỷ lục đặt ra với người Mỹ hoàn toàn không phải là tạm thời, mà thay vào đó đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn”, ông Manchin viết trên Twitter. “Từ cửa hiệu thực phẩm tới trạm xăng, người Mỹ biết thuế lạm phát là có thật và Chính phủ không thể tiếp tục phớt lờ nỗi đau kinh tế mà người dân đang cảm nhận mỗi ngày”.

Tại Hạ viện, Đảng Dân chủ cũng phải nỗ lực ngăn tình trạng “đảo ngũ” bởi thế đa số họ đang nắm là khá mong manh, chỉ 221-213 ghế.

Mooyd’s Analytics ước tính rằng kế hoạch hạ tầng khoảng gần 1 nghìn tỷ USD, trong đó có 550 tỷ USD là chi tiêu mới, cộng thêm 2 nghìn tỷ USD chi cho phúc lợi xã hội và chống biến đổi khí hậu sẽ khiến tốc độ lạm phát ở Mỹ tăng thêm khoảng 0,3 điểm phần trăm bình quân mỗi năm, trong thời gian từ 2022-2024.

Phe Cộng hoà đang xoáy vào vấn đề lạm phát để khiến Đảng Dân chủ “mất điểm” trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới. “Cử tri sẽ khiến phe Dân chủ phải chịu trách nhiệm vì gây ra cuộc khủng hoảng lạm phát này bằng thói chi tiêu quá đà và sự bất lực trong quản lý chuỗi cung ứng của đất nước chúng ta”, ông Mike Berg, một người phát ngôn của bộ phận vận động tranh cử thuộc Đảng Cộng hoà, phát biểu.

Người phát ngôn Nhà Trắng Andrew Bates nhấn mạnh việc kế hoạch “Xây dựng lại cho tốt hơn” nhận được sự ủng hộ của 17 nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel. Trong một lá thư ngỏ, các nhà kinh tế học này nói rằng kế hoạch của ông Biden sẽ giúp giải toả các áp lực lạm phát trong dài hạn. Ông Bates cũng chỉ trích chương trình cắt giảm thuế mà Đảng Cộng hoà thúc đẩy vào năm 2017 dưới thời Tổng thống Donald Trump, nói rằng kế hoạch này chỉ làm lợi cho tầng lớp nhà giàu.

THÁCH THỨC ĐỐI VỚI ÔNG BIDEN VÀ CẢ FED

Nhà Trắng đang hy vọng rằng việc thông qua kế hoạch đầu tư hạ tầng – dự luật đã được ông Biden đặt bút ký thành luật vào đầu tuần này – sẽ làm tăng tỷ lệ ủng hộ đang có chiều hướng giảm của vị Tổng thống. Nhà Trắng cũng nhấn mạnh kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ rộng rãi của công chúng dành cho chương trình nghị sự kinh tế của chính quyền ông Biden.

Một cuộc khảo sát do Đại học Monmouth thực hiện, công bố kết quả hôm thứ Tư cho thấy 65% người Mỹ được hỏi ủng hộ đạo luật đầu tư hạ tầng và 62% ủng hộ kế hoạch chi tiêu của Đảng Dân chủ cho các ưu tiên trong nước. Nhưng cũng theo cuộc khảo sát này, 42% người Mỹ ủng hộ sự khởi sắc của thị trường việc làm kể từ khi ông Biden lên cầm quyền, 50% cho biết không hài lòng.

Ông Patrick Murray, Giám đốc phụ trách thăm dò dư luận của Đại học Monmouth nói rằng kết quả này cho thấy Nhà Trắng và các nghị sỹ Dân chủ “thiếu một thông điệp gắn kết và nhất quán” về kế hoạch của họ nhằm giúp người dân Mỹ. “Sức hút của ông Biden - với tư cách một người bình dị muốn ra tay giúp đỡ tầng lớp trung lưu và những người gặp khó khăn về kinh tế - đã bị ảnh hưởng nặng nề trong mấy tháng qua”, ông Murray nói.

Lạm phát cao dai dẳng cũng đang đặt ra thách thức cho chiến lược của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nhằm rút lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo thời đại dịch, vào thời điểm chưa rõ ai sẽ là người đứng đầu ngân hàng trung ương này từ năm tới. Ông Biden chưa nói ai sẽ trở thành Chủ tịch Fed sau khi đương kim Chủ tịch Jerome Powell hết nhiệm kỳ vào tháng 2.

Tuần này, ông Biden đã có cuộc phỏng vấn ông Powell và ông Lael Brainard, một thành viên Hội đồng Thống đốc của Fed, cho vai trò Chủ tịch Fed nhiệm kỳ tiếp theo. Cả hai cùng có quan điểm rằng áp lực lạm phát sẽ tự giảm dần.

Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Larry Summers, người cách đây ít lâu đã cảnh báo về khả năng gây lạm phát cao của gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD trong đại dịch Covid của Đảng Dân chủ, chỉ trích việc chính quyền ông Biden gọi việc tăng giá chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, hôm thứ Năm, ông Sunmers nói rằng ông không có mối lo tương tự về dự luật “Xây dựng lại cho tốt hơn”, nhấn mạnh rằng đây là gói chi tiêu kéo dài trong 10 năm và sẽ được bù lại bởi việc tăng thuế. Ông Summers nói sẽ là một sai lầm nếu cắt giảm gói chi tiêu này.

“Kế hoạch này sẽ khiến giá cả tăng lên trong vài năm, nhưng cũng sẽ giúp giá cả giảm đi trong những năm sau đó”, ông Summers nói. “Quyết định về dự luật này cần được dựa trên cân nhắc của các bạn về việc gói chi tiêu có phải là một khoản đầu tư hợp lý cho tương lai của đất nước hay không”.