17:39 18/03/2024

Tiến độ dự án khu công nghiệp trọng điểm của Bình Thuận đang rất chậm

Song Hoàng

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, hiện tiến độ thực hiện dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 vẫn còn rất chậm, nhất là trong công tác xây dựng, thẩm định phương án giá đất cụ thể để phục vụ giải phóng mặt bằng, giao và cho thuê đất Khu công nghiệp; việc phối hợp, đôn đốc giữa địa phương với đơn vị tư vấn chưa chặt chẽ...

Phối cảnh dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1
Phối cảnh dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1

Sáng ngày 15/3/2024, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tiến độ triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng một số dự án Khu công nghiệp đang triển khai tại địa phương này.

Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, huyện Hàm Tân, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư năm 2017 và được Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cấp Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư tháng 1/2018. Dự án có tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng, quy mô khoảng 1.070 ha.

Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 được quy hoạch với các chức năng: Đất xí nghiệp, nhà máy; khu trung tâm dịch vụ; khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, có nhà máy điện khí Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2 được xây dựng trên diện tích 200 ha với tổng công suất 4.500 MW; Kho cảng khí LNG khoảng 100 ha; hơn 430 ha đất dành cho các nhà máy, xí nghiệp…

Theo báo cáo của UBND huyện Hàm Tân, tổng diện tích đất phải thu hồi để thực hiện dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 là 375 ha, hiện nay đã bàn giao mặt bằng được 86,48 ha.

Phần diện tích còn lại cần thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng là 288,52 ha, trong đó có 80 hộ dân và 10 tổ chức. Đến nay, địa phương đã kiểm kê được 56 hộ dân và 06 tổ chức, với diện tích 233,23 ha, chiếm 81%; đã xét tính pháp lý cấp xã được 29 hộ dân và 6 tổ chức, với diện tích 216,78 ha, chiếm tỷ lệ 75%; đã thông qua Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 25 hộ dân và 6 tổ chức, với diện tích 214,59 ha; đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 21 hộ dân và 6 tổ chức, với diện tích 214,38 ha, chiếm tỷ lệ 74,3%.

Trong thời gian qua các Sở, ban, ngành, địa phương và Công ty IPICO đã có nhiều cố gắng trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1. 

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện vẫn còn rất chậm, nhất là trong công tác xây dựng, thẩm định phương án giá đất cụ thể để phục vụ giải phóng mặt bằng, giao và cho thuê đất Khu công nghiệp; việc phối hợp, đôn đốc giữa địa phương với đơn vị tư vấn chưa chặt chẽ; công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng các công trình ngoài hàng rào phục vụ cho Khu công nghiệp còn chậm.

Ông Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh, dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, huyện Hàm Tân là dự án quan trọng của tỉnh, khi hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND huyện Hàm Tân phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tập trung xây dựng bảng giá đất cụ thể để phục vụ công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án này. Công ty IPICO tiếp tục phối hợp với UBND huyện Hàm Tân và các Sở, ban, ngành của tỉnh trong công tác giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1.

Song song với dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, hiện Bình Thuận cũng đang triển khai dự án Khu công nghiệp Tân Đức, huyện Hàm Tân. Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2021. Khu công nghiệp Tân Đức có tổng diện tích đất phải thu hồi là 300 ha của 222 hộ dân và tổ chức.

Theo đại diện lãnh đạo Công ty Sonadezi Bình Thuận (chủ đầu tư dự án), từ khi có chủ trương đầu tư dự án, đến nay Công ty đã hoàn thành việc phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công hạng mục đường giao thông, hệ thống thoát nước thải, hạng mục san nền, nhà máy xử lý nước thải, hệ thống cấp nước…

Bên cạnh đó, Công ty cũng đã phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương có liên quan để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án.

Tính đến nay, huyện Hàm Tân đã hoàn thành việc kiểm kê và xét tính pháp lý cho các hộ dân và tổ chức có đất bị thu hồi; đã thông qua Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được 216 hộ dân và tổ chức với diện tích là 286,38 ha, chiếm tỷ lệ 95,46%; đang thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 08 hộ dân và tổ chức với diện tích 11,13 ha, chiếm tỷ lệ 3,71%; đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 182 hộ dân và tổ chức với diện tích 256,80 ha, chiếm tỷ lệ 85,6%; đã chi trả tiền bồi thường cho 147 hộ dân và tổ chức với diện tích là 211,4 ha, chiếm tỷ lệ 70,47%.

Để dự án này về đích đúng hẹn, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND huyện Hàm Tân hoàn thành việc xây dựng bảng giá đất cụ thể trong tháng 3/2024 để có cơ sở thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án; đối với các hộ dân đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhưng không chịu nhận tiền, bàn giao mặt bằng, UBND huyện củng cố hồ sơ, xây dựng kế hoạch để tiến hành cưỡng chế theo quy định của pháp luật.