Tiền gửi dân cư tăng ở hai ngân hàng mua lại bắt buộc
CB và GPBank cùng thu hồi được nợ xấu và có lượng tiền gửi tăng lên
Ngân hàng Xây dựng (CB) và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) vừa tổ chức tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2017, với một số thông tin chuyển biến công bố.
Điểm chung, cả hai thành viên mà Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc với giá 0 đồng hơn hai năm trước có chuyển biến trong xử lý nợ xấu, cũng như giữ được niềm tin của người gửi tiền qua huy động vốn tăng lên.
Cụ thể, tại CB, đến 31/12/2017, số dư nguồn vốn huy động của tổ chức, dân cư tăng 9% so với năm 2016.
Dù không nêu cụ thể, song ngân hàng này cho biết dư nợ cho vay bán lẻ tăng mạnh trong năm qua. Dư nợ tăng là một trong những kênh tạo thu nhập chính để có nguồn củng cố hoạt động và xử lý các tồn đọng.
Đáng chú ý, CB đã thu hồi được lượng nợ xấu đáng kể trong năm 2017, với trên 5.000 tỷ đồng theo thông tin tại hội nghị. Trong đó, thu hồi trên 500 tỷ đồng nợ của nhóm khách hàng riêng lẻ (chiếm 50% tổng nợ xấu của nhóm này ), hơn 4.700 tỷ đồng nợ của nhóm khách hàng lớn.
Còn tại GPBank, báo cáo chung cho biết: "So với năm 2016, kết quả hoạt động kinh doanh của GPBank tăng trưởng cả về lượng và chất".
Trong năm 2017, nguồn vốn huy động của GPBank đã tăng 3,4%, đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng. Ngân hàng này cũng cho biết đang tích cực tìm kiếm các nguồn vốn giá rẻ nhằm đa dạng cơ cấu nguồn huy động vốn, từng bước giảm dần chi phí huy động vốn.
Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng của GPBank tăng khá mạnh trong năm qua, tăng 11,5% so với cuối năm 2016.
Ngoài ra, dù không nêu con số cụ thể, song GPBank cho biết đã thu hồi được các khoản nợ xấu, các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các khoản phải thu. Đến cuối 2017, những khoản này "đã giảm mạnh" so với cuối năm 2016.