Tiền nghỉ Tết sớm, thanh khoản tụt mạnh, 31 mã đang giảm sàn
Nhà đầu tư đã giảm cường độ giao dịch rất mạnh khi thị trường đi gần đến kỳ nghỉ dài. Điểm tích cực là áp lực bán ở nhóm blue-chips nhìn chung giảm, giúp chỉ số mất điểm không nhiều và chủ đạo là ảnh hưởng của VCB và GAS...
Nhà đầu tư đã giảm cường độ giao dịch rất mạnh khi thị trường đi gần đến kỳ nghỉ dài. Điểm tích cực là áp lực bán ở nhóm blue-chips nhìn chung giảm, giúp chỉ số mất điểm không nhiều và chủ đạo là ảnh hưởng của VCB và GAS.
Điểm nhấn hôm nay lại không phải là các blue-chips, mà là nhóm cổ phiếu đầu cơ. Sau phiên xả T+3 hôm qua, nhóm này tiếp tục bị bán mạnh. Hai sàn niêm yết đang có 31 mã giảm sàn, riêng HoSE là 24 mã.
Mặc dù số lượng cổ phiếu giảm sàn không quá nhiều, nhưng độ rộng sàn HoSE rất kém với 106 mã tăng/323 mã giảm. Khoảng 130 mã đang giảm trên 2% và gần 60 mã giảm trên 1%. Smallcap đang là nhóm giảm mạnh nhất 2,15%.
Trong số các cổ phiếu giảm hết biên độ tại HoSE, có 28 mã đang mất thanh khoản “múa bên trăng”. FLC sau khi khớp hơn 16 triệu cổ, vẫn đang dư bán sàn trên 2,2 triệu cổ nữa. Giá tụt xuống 11.200 đồng nghĩa là toàn bộ hàng T+3 đã lỗ trên 7%. FLC cũng có đáy mới và những nhà đầu tư mua T+2, T+1 đang lỗ nhiều nhất.
Ngoài FLC, hàng chục cổ phiếu khác đang dư bán sàn khá lớn như HAG, HHV, QCG, HAI, ROS, CII, TSC...
Với độ rộng rất hẹp ở sàn này, hầu hết các cổ phiếu đầu cơ được bắt đáy mấy ngày qua đang gây áp lực lớn lên lượng cổ phiếu về tài khoản. Tuy vậy áp lực bán dường như chưa quá lớn ở những mã còn có thanh khoản gần sàn hoặc giảm trên 3%. Nhóm Smallcap mới giao dịch khoảng 1,47 ngàn tỷ đồng trong phiên sáng, bằng 53% mức giao dịch cả ngày hôm qua, trong khi hôm qua số mã giảm sàn mất thanh khoản rất nhiều.
Thanh khoản giảm mạnh cũng là tình trạng chung ở tất cả các nhóm cổ phiếu và của thị trường chung. Dường như đến gần kỳ nghỉ Tết, nhà đầu tư càng hạn chế giao dịch. Các năm trước tình trạng cũng tương tự, thậm chí cả năm 2021. Thông thường sau Tết thị trường tăng tốt, nhưng nhà đầu tư vẫn rất thận trọng vì kỳ nghỉ dài có thể xuất hiện những diễn biến bất ngờ.
Năm nay tình hình quốc tế càng căng thẳng hơn, cả về địa chính trị lẫn diễn biến thị trường chứng khoán. Việc FED có thể tăng lãi suất nhanh hơn đang đẩy chứng khoán Mỹ xuống đáy 4 tháng. Nếu giữa kỳ nghỉ của thị trường Việt Nam quốc tế lại có thay đổi bất ngờ thì nhà đầu tư có thể chịu tác động sau Tết.
Dù vậy việc thanh khoản giảm mạnh và biến động ở nhóm blue-chips không quá xấu cũng cho thấy nhóm này dễ cân bằng hơn. Vn30 chốt phiên sáng giảm không đáng kể 0,03% dù có 9 mã tăng/16 mã giảm. VN-Index giảm 0,67% chủ yếu do tác động của số ít cổ phiếu lớn, tiêu biểu là VCB giảm 2,37%, GAS giảm 2,71%, BID giảm 1,28%. Ba mã này khiến VN-Index mất gần 5 điểm trên tổng giảm 9,63 điểm ở chỉ số này.
Trong cả rổ VN30, chỉ có 8 mã đang sụt giảm hơn 1%. Ngoài 3 cổ phiếu nói trên chỉ còn VNM, KDH, BVH, MWG và SAB. Các mã này cũng không đại diện rõ ràng, chẳng hạn TCB vẫn đang tăng 2,39%, ACB tăng 0,73%, TPB tăng 0,93%. Nhóm ngân hàng trên cả 3 sàn vẫn có 10 cổ phiếu đang trên tham chiếu. Riêng dầu khí, ảnh hưởng của giá dầu thế giới hai ngày qua khiến nhóm này đại đa số giảm, duy nhất PVO tăng 2,15% nhưng thực ra do thanh khoản không có.
Rổ VN30 sáng nay giao dịch giảm tới 33% so với sáng hôm qua, chỉ đạt gần 3.871 tỷ đồng. Tổng khớp sàn HoSE giảm 18%, đạt 10.389 tỷ đồng. TCB đang là cổ phiếu hút dòng tiền tốt nhất với gần 554,5 tỷ đồng khớp lệnh. Cổ phiếu xếp thứ 2 thị trường là GEX cũng chỉ hơn 380 tỷ đồng.
Khối ngoại duy trì giao dịch bình thường, nhưng do tổng thanh khoản giảm nên tỷ trọng tăng lên. Cụ thể, khối này giải ngân 849,6 tỷ đồng trên HoSE, chiếm 7,5% giá trị sàn. Mức bán ra là 741,2 tỷ đồng, tương đương mua ròng 108,4 tỷ. Tuy vậy khối này xả lớn tại nhiều blue-chips như HPG (-48 tỷ), VNM (-46 tỷ), VIC (-44 tỷ), NVL (-28 tỷ). Riêng các cổ phiếu trong nhóm VN30 bị bán ròng 142,5 tỷ đồng.