Chứng khoán Mỹ đảo chiều ngoạn mục, giá dầu trượt dốc vì nỗi lo Fed
Có thể gọi phiên tăng này của chứng khoán Mỹ là “cú lội ngược dòng xuất sắc”, bởi trong phiên, có thời điểm Nasdaq tụt 4,9%; Dow Jones mất 1.115 điểm; và S&P 500 rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh...
Thị trường chứng khoán Mỹ có cú đảo chiều ngoại mục, chuyển từ giảm cực sâu sang chốt phiên trong sắc xanh, khi nhà đầu tư bắt đáy những cổ phiếu công nghệ đã bị bán tháo nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Giá dầu thô giảm 2% do mối lo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay hơn dự báo, trong khi giá tiền ảo tăng nhẹ.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 99,13 điểm, tương đương tăng 0,3%, đạt 34.364,5 điểm, đánh dấu phiên tăng đầu tiên trong vòng 7 phiên trở lại đây. Chỉ số S&P 500 tăng 0,3%, chốt ở 4.410,13 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,6%, chốt ở 13.855,13 điểm. Chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu vốn hoá nhỏ cũng tăng.
Có thể gọi phiên tăng này của chứng khoán Mỹ là “cú lội ngược dòng xuất sắc”, bởi trong phiên, có thời điểm Nasdaq tụt 4,9%; Dow Jones mất 1.115 điểm; và S&P 500 rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh – giảm hơn 10% so với mức đỉnh kỷ lục đóng cửa thiết lập hôm 3/1.
Phiên này đánh dấu một trong những cú xoay chuyển tốt nhất của chứng khoán Mỹ trong một thời gian dài. Đây là lần đầu tiên kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008 Nasdaq giảm hơn 4% trong một phiên mà vẫn kết thúc phiên giao dịch đó trong trạng thái tăng. Đối với Dow Jones – chỉ số giảm 3,25% ở đáy của phiên, đây là ngày hồi phục mạnh nhất kể từ tháng 3/2020, thời điểm sóng gió của thị trường khi Covid-19 mới trở thành đại dịch.
Chiến lược gia Marko Kolanovic của JPMorgan Chase nói rằng sự bán tháo trong phiên đầu tuần đã đi quá đà, dẫn tới lực bắt đáy mạnh và các chỉ số bật tăng trở lại.
“Sự sụt giảm gần đây của các tài sản rủi ro có vẻ đã quá mức, và sự kết hợp giữa các chỉ số kỹ thuật rơi vào vùng bán quá nhiều (oversold) và tâm lý chuyển thành bi quan cho thấy thị trường có thể đã ở vào giai đoạn cuối của đợt điều chỉnh”, ông Kolanovich phát biểu. “Thị trường đang chật vật hấp thụ sức ép từ sự đi lên của lãi suất, chúng tôi cho rằng mùa báo cáo kết quả kinh doanh này sẽ giúp trấn an, và chúng tôi cũng không loại trừ khả năng Fed có thể đưa ra những biện pháp để hỗ trợ thị trường”.
Vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Hai, nhà đầu tư tiếp tục xu hướng bán tháo cổ phiếu công nghệ từ đầu tháng này, vì lo sợ Fed sẽ đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn đều “xanh” khi đóng cửa, với Meta, Amazon và Microsoft cùng tăng.
Sau phiên giảm này, S&P 500 vẫn giảm 7,5% từ đầu tháng, tiến tới hoàn tất tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
Cuộc họp của Fed sẽ bắt đầu vào ngày thứ Ba và kết thúc vào ngày thứ Tư. Thị trường chờ những tín hiệu về việc ngân hàng trung ương này sẽ tăng lãi suất bao nhiêu trong năm nay, và bao giờ sẽ bắt đầu tăng.
“Nỗi sợ hãi lớn nhất lúc này là Fed sẽ phản ứng như thế nào và sẽ làm gì để tạo được sự cân bằng”, nhà quản lý quỹ Ann Miletti thuộc Allspring Global Investments phát biểu. “Sẽ có nhiều biến động trong vài tháng tới đây”.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,62 USD/thùng, tương đương giảm 1,8%, chốt ở 86,27 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,83 USD/thùng, tương đương giảm 2,15%, còn 83,31 USD/thùng.
Ngoài mối lo Fed thắt chặt, giá dầu còn bị ảnh hưởng bởi đồng USD tăng mạnh. Tỷ giá bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt đạt mức cao nhất 2 tuần trong phiên này, do nhiều nhà đầu tư đặt cược vào sự thắt chặt mạnh tay của Fed và căng thẳng giữa Nga với phương Tây về vấn đề Ukraine thúc đẩy nhu cầu nắm giữ USD để tìm kiếm an toàn.
Ngân hàng Anh Barclays nâng dự báo giá dầu bình quân trong năm nay, trên cơ sở công suất dự trữ của các nước sản xuất dầu lớn không còn nhiều và rủi ro địa chính trị gia tăng, không chỉ giữa Nga-Ukraine mà còn ở Vùng Vịnh. Dự báo giá bình quân của dầu Brent và WTI đều được Barclays tăng thêm 5 USD/thùng trong năm nay, lên mức tương ứng 85 USD/thùng và 82 USD/thùng.
Tuần trước, giá của cả hai loại dầu cùng tăng tuần thứ 5 liên tiếp, với mức tăng khoảng 2% và đạt cao nhất kể từ tháng 10/2014.
Năm nay, giá dầu đã tăng hơn 10% do lo ngại nguồn cung thắt chặt và việc liên minh OPEC+ gặp khó khăn trong việc thực hiện được thoả thuận tăng sản lượng khai thác dầu 400.000 thùng/ngày mỗi tháng.
Sau khi sụt chóng mặt 15% vào cuối tuần, giá Bitcoin đang ổn định trở lại, dao động quanh ngưỡng 36.000 USD. Lúc hơn 8h sáng nay (25/1), giá Bitcoin theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com đứng ở 36.152 USD, tăng gần 1% so với cách đó 24 tiếng.