Tiện như… nộp thuế điện tử
Hiện đã có 43 ngân hàng thương mại phối hợp với Tổng cục Thuế triển khai thu thuế điện tử
Từ đầu tháng 12/2015, các doanh nghiệp sẽ không được nộp thuế tại quầy của ngân hàng thương mại, mà phải qua hình thức điện tử.
Đây là đề xuất của Bộ Tài chính nhằm triển khai Nghị quyết 92 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính thuế, rút ngắn thời gian nộp thuế không quá 121,5 giờ/năm.
91%, 119.000 tỉ đồng và 10 giờ/năm
Theo Tổng cục Thuế, hiện đã có 43 ngân hàng thương mại phối hợp với cơ quan này triển khai thu thuế điện tử, và số doanh nghiệp đăng ký nộp qua ngân hàng đạt hơn 91%.
Để sử dụng dịch vụ, khách hàng chỉ cần đăng ký tại cơ quan thuế và có tài khoản ngân hàng. Đến kỳ nộp thuế, doanh nghiệp sẽ truy cập trang điện tử của Tổng cục Thuế, nhập thông tin nộp thuế và ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản sẽ tự động trích tiền từ tài khoản để nộp vào ngân sách nhà nước, kết quả giao dịch được xác nhận ngay lập tức. Nộp thuế điện tử cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đi lại, có thể thanh toán bất kỳ nơi nào có mạng Internet…
Kienlongbank cho biết từ nay đến tháng 6/2016, sẽ miễn phí chuyển tiền nộp thuế và miễn phí sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhanh chóng, tiện ích và đồng thời góp phần hỗ trợ cơ quan thuế trong quản lý, xử lý thông tin thu nộp thuế.
Từ 1/12, OCB cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho khách hàng doanh nghiệp, sau khi kết nối thành công với hệ thống của Tổng cục Thuế. Ngân hàng này miễn phí 100% phí thanh toán thuế điện tử đến hết quý 1/2016, cũng như hỗ trợ miễn phí khách hàng tư vấn kê khai thuế và truy vấn thông tin về thuế.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng thương mại như Eximbank, SCB, Techcombank, Bản Việt, Đông Á, ABBank… cũng triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử.
Theo ông Nguyễn Đăng Thanh, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp Techcombank, sau gần nửa năm triển khai, Tecchombank có trên 16.000 khách hàng đăng ký nộp thuế điện tử với tổng giá trị giao dịch lên tới gần 1.700 tỉ đồng.
Trong khi đó, đại diện SCB cho biết, tính đến đầu tháng 12/2015, hơn 5.000 doanh nghiệp đã đăng ký tham gia dịch vụ nộp thuế điện tử với doanh số nộp thuế đạt khoảng 1.200 tỉ đồng.
Số liệu thống kê của ngành thuế đến cuối tháng 11/2015 cho thấy, tính chung 11 tháng đầu năm, đã có hơn 119.000 tỉ đồng được nộp vào ngân sách qua dịch vụ nộp thuế điện tử. Theo Tổng cục Thuế, việc kê khai nộp thuế điện tử sẽ góp phần giảm khoảng 10 giờ nộp thuế mỗi năm cho các doanh nghiệp.
Trước đó, theo yêu cầu tại Nghị quyết 19 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nêu rõ rút ngắn thời gian nộp thuế còn không quá 121,5 giờ/năm, tỉ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 95% và tỉ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%.
Cần mở nhiều tài khoản thu thuế
Theo đại diện SCB, dịch vụ nộp thuế điện tử là một kênh thanh toán giúp tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, giảm thiểu số lượng, các sai sót của giao dịch thanh toán tại quầy, giao dịch thanh toán bằng tiền mặt.
Đồng thời, dịch vụ này cũng tạo tâm lý cho doanh nghiệp có thói quen sử dụng các giao dịch chuyển khoản, đặc biệt là giao dịch thanh toán hiện đại (thông qua Internet), thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam và rút ngắn thời gian thực hiện các giao dịch tài chính công.
Dù vậy, một số doanh nghiệp phản ánh vẫn phải chịu phí khi nộp thuế điện tử, cụ thể là phí chuyển khoản từ tài khoản doanh nghiệp mở tại ngân hàng thương mại tới một trong 4 ngân hàng quốc doanh mà Kho bạc Nhà nước quy định.
Đại diện SCB phân tích, hiện ngân hàng này đang có chính sách ưu đãi miễn phí các giao dịch nộp thuế cho khách hàng được thực hiện trước 15h30 và sau 16h30 đến hết ngày 31/12/2015. Nhưng ngược lại, SCB đang phải trả một khoản phí thanh toán điện tử liên ngân hàng khi chuyển tiền nộp thuế của doanh nghiệp sang 4 ngân hàng quốc doanh nơi mở tài khoản của Kho bạc Nhà nước.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp có sự so sánh về mức phí áp dụng giữa 4 ngân hàng quốc doanh với các ngân hàng thương mại khác.
Ông Nguyễn Đăng Thanh nói, đứng từ góc độ của nhà cung cấp dịch vụ, ngân hàng cũng cần thu phí để bù đắp chi phí đầu tư cho nhân sự, đầu tư hạ tầng, vận hành… Nhưng để có thể hỗ trợ và thu hút khách hàng, hiện Techcombank vẫn đang áp dụng ưu đãi miễn phí chuyển tiền cho khách hàng doanh nghiệp đăng ký và giao dịch nộp thuế điện tử. Trong giai đoạn tới, ngân hàng sẽ nghiên cứu để tiếp tục xây dựng các chính sách ưu đãi về phí khi khách hàng sử dụng dịch vụ này.
Dù vậy, một số ngân hàng thương mại cho rằng, cơ quan quản lý cần xem xét mở rộng đặt tài khoản kho bạc tại các ngân hàng thương mại, nhất là những đơn vị có mạng lưới, hạ tầng, dịch vụ tốt. Điều này sẽ đem tới sự bình đẳng cho các ngân hàng tham gia dịch vụ, cũng như tạo điều kiện về miễn giảm phí chuyển tiền cho doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.
Ngoài ra, trong thời gian đầu triển khai, Tổng cục Thuế cần tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng phối hợp thu (ngân hàng không mở tài khoản Kho bạc Nhà nước) và các ngân hàng ủy nhiệm thu (4 ngân hàng quốc doanh mà Kho bạc Nhà nước mở tài khoản) trong việc tra soát hoặc xử lý các khiếu nại nộp thuế của doanh nghiệp.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết ngày 16/12 tới, cơ quan này sẽ tham gia tổ chức Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2015, với sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng như các chuyên gia quốc tế, với một trong những nội dung lớn là nộp thuế điện tử.
Đây được xem là cơ hội để cơ quan quản lý cùng cộng đồng doanh nghiệp, ngân hàng bàn thảo, đề xuất những chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động này tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả, giảm chi phí các dịch vụ công.